Trong thời gian gần đây, tỷ lệ bệnh bướu cổ hay bướu tuyến giáp tại Việt Nam có xu hướng gia tăng. Nhìn chung, bướu tuyến giáp không phải là bệnh lý khó điều trị nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng phác đồ. Câu hỏi đặt ra là bệnh nhân cần làm gì để giảm triệu chứng của bướu tuyến giáp?
1. Bướu tuyến giáp là gì?
Bướu tuyến giáp hay còn gọi là bướu cổ là bệnh lý kích thước tuyến giáp phì đại bất thường. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ, hình dạng cánh bướm, vị trí nằm ở trước cổ với vai trò quan trọng là sản xuất ra hormone giáp. Hormone do tuyến giáp tiết ra có tác dụng kiểm soát quá trình trao đổi chất, điều hòa nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt và cả trọng lượng cơ thể. Mặc dù bệnh nhân không cảm thấy đau hay có bất cứ biểu hiện gì nhưng khi bướu tuyến giáp to dần sẽ đè ép vào các cơ quan lân cận và gây ra một số triệu chứng không đặc hiệu như ho, viêm họng và các vấn đề về hô hấp. Bướu tuyến giáp có thể là hậu quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc điều trị giảm triệu chứng của bướu tuyến giáp muốn hiệu quả phải xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bên cạnh tình trạng của bệnh nhân.
Một số nguyên nhân gây ra bướu tuyến giáp:
- Thiếu hụt iod: Iod rất cần thiết trong quá trình sản xuất hormon của tuyến giáp. Những trường hợp thiếu iod sẽ kích thích tuyến giáp phình to ra và ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân;
- Chức năng tuyến giáp bị rối loạn, có thể sản xuất hormone quá nhiều (cường giáp) hoặc quá ít (suy giáp);
- Sử dụng một số loại thuốc hay thức ăn có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp hormon tại tuyến giáp trong thời gian dài;
- Yếu tố di truyền: Một số trường hợp bướu tuyến giáp có tính chất gia đình, thường là các rối loạn tuyến giáp bẩm sinh.
2. Triệu chứng của bướu tuyến giáp
Để việc điều trị giảm triệu chứng bướu tuyến giáp mang lại hiệu quả, điều đầu tiên mà bệnh nhân cần làm là tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh (đã đề cập ở phần trên). Nhìn chung, bệnh nhân cần nhớ một số thông tin cơ bản sau:
- Sưng phù vùng dưới cổ, có thể quan sát rõ hơn khi bệnh nhân trang điểm hoặc cạo râu;
- Cảm giác đau ở vùng cổ họng hoặc có cảm giác cổ họng bị vướng;
- Ho khan, đôi lúc có đờm;
- Khàn tiếng, khó nuốt;
- Khó thở
Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng trên và nghi ngờ mình bị bướu giáp, bệnh nhân hãy sớm sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ. Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để được bác sĩ tư vấn:
- Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?;
- Bướu tuyến giáp của tôi muốn theo dõi tiếp hay cần phải can thiệp ngay?
- Tôi nên điều trị giảm giảm triệu chứng bướu tuyến giáp như thế nào?
- Ngoài phương pháp được đề cập, còn có những phương pháp khác thay thế mà tôi có thể thử không?
- Nếu phải dùng thuốc thì bệnh nhân nên dùng trong bao lâu?
Một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán:,
- Xét nghiệm nồng độ các nội tiết tố;
- Xét nghiệm tìm tự kháng thể;
- Siêu âm;
- Chụp hình tuyến giáp;
- Sinh thiết
3. Cách giảm triệu chứng bướu tuyến giáp
Tương tự các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp khác, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh bướu tuyến giáp, tuy nhiên tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đề nghị 1 trong 3 phương pháp sau:
3.1. Phóng xạ iod
Bệnh nhân sẽ uống iod phóng xạ, sau đó iod sẽ theo tuần hoàn đến tuyến giáp để phá hủy tế bào.
Phương pháp phóng xạ iod có hiệu quả cho khoảng 90% trường hợp điều trị, trong đó 50-60% bệnh nhân giảm kích thước bướu sau 12 – 18 tháng.
Phương pháp iod phóng xạ có thể khiến tuyến giáp hoạt động kém nhưng trường hợp này rất hiếm. Nếu bạn thấy lo lắng, hãy hỏi bác sĩ để hiểu rõ hơn nhé.
3.2. Sử dụng thuốc
Nếu bướu tuyến giáp gây suy giáp, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Các loại thuốc này sẽ làm chậm quá trình giải phóng hormone kích thích tuyến giáp từ tuyến yên, qua đó giúp bướu cổ nhỏ lại.
Nếu nguyên nhân hình thành bướu là do viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng Aspirin hoặc thuốc Corticosteroid để điều trị.
Tuy nhiên, các loại thuốc giảm triệu chứng của bướu tuyến giáp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau ngực, đổ mồ hôi, nhức đầu, tim đập nhanh...
3.3. Phẫu thuật
Nếu bướu giáp có kích thước lớn, gây khó chịu, khó thở hoặc nuốt khó thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật.
Tuy nhiên, với biện pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp có thể dẫn đến biến chứng suy giáp và khi đó, bệnh nhân có thể phải sử dụng thêm các loại thuốc thay thế hormone tuyến giáp cho tình trạng này.
4. Chăm sóc để giảm triệu chứng bướu tuyến giáp tại nhà
Để việc điều trị đạt được kết quả tốt nhất, ngoài việc uống thuốc đúng liều lượng và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn cũng cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Chế độ ăn: Dinh dưỡng là một trong những vấn đề quan trọng mà bạn cần lưu ý vì nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị bệnh. Khi bị bướu cổ, bệnh nhân nên ăn phong phú các loại thực phẩm giàu iod như hải sản, rong biển... Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên ăn sữa chua, các loại đậu, trái cây họ cam quýt, rau có màu xanh đậm vào chế độ ăn hàng ngày của mình.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc hoặc đắp thuốc: Nếu thấy tuyến giáp hoạt động bình thường và bướu không gây ra vấn đề sức khỏe thì bác sĩ sẽ theo dõi thêm, lúc này thường không chỉ định dùng thuốc ngay. Với tình huống này, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, đắp thuốc hoặc sử dụng dao rạch bướu... Những điều này không những không giúp bệnh mau khỏi mà còn dẫn đến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- Tránh căng thẳng: Mệt mỏi, căng thẳng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, bạn hãy giảm bớt công việc, tránh lo lắng và nghỉ ngơi đầy đủ để việc điều trị có kết quả tốt.
- Khám bệnh thường xuyên: Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời các triệu chứng phát sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.