Lấy khóe móng chân là thói quen được nhiều người thường xuyên thực hiện với mục đích giúp móng chân sạch đẹp và vệ sinh hơn. Tuy nhiên việc lấy quá nhiều hoặc lấy không đúng cách có thể gây phản tác dụng dẫn đến tình trạng sưng đau khóe chân. Vậy khi khóe móng chân bị sưng mủ phải làm gì để hạn chế tình trạng này?
1. Vì sao dẫn đến tình trạng sưng đau khóe chân?
Khóe móng chân là phần rìa mọc ra ở hai bên móng chân. Cấu trúc này không thực sự quá quan trọng và không nhất thiết cần cắt bỏ bởi chúng không hề gây khó chịu. Tuy nhiên với xu hướng làm móng hiện nay thì việc lấy khóe móng được coi là điều cần thiết để trông gọn gàng và sạch sẽ hơn.
Trong quá trình thực hiện lấy khóe móng nếu không được làm đúng cách có thể khiến móng chân mọc ngược và ăn sâu vào thịt gây nên sưng đau khi cử động ngón chân. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sưng tấy móng chân, đau rát và chảy mủ. Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng khó chịu này gồm có:
- Sử dụng dụng cụ lấy khóe móng không đảm bảo vệ sinh hoặc một dụng cụ dùng chung cho nhiều người.
- Thực hiện lấy khóe móng với động tác quá sâu và quá mạnh
- Lấy đi quá nhiều da ở phần khóe móng gây tổn thương cho móng chân.
2. Lấy khóe móng chân quá nhiều có thể dẫn đến hậu quả gì?
Sưng đau khóe chân là hậu quả của thói quen làm đẹp này. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo chị em không nên lấy khóe móng quá nhiều, khi thực hiện cần nhắc nhân viên không lấy quá sâu với phần da nhiều và cần đảm bảo vệ sinh dụng cụ kỹ càng. Nếu phần khóe móng bị cắt quá sát vào chân móng sẽ dẫn đến trầy xước da và nhiễm trùng da ở vùng kẽ móng. Khi lấy khóe móng, lưu ý không cắt sát hoặc cắt cong sâu về phía khóe móng chân vì có thể gây ra tình trạng móng quặp. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng móng quặp, chị em nên hạn chế mang giày bít mũi. Điều này có thể gây ra viêm sưng mô mềm khóe móng.
3. Cách giảm sưng khóe chân thường gặp
3.1 Trường hợp móng chân sưng mủ nhẹ
Khi móng chân chỉ bị sưng và có mủ nhẹ, bạn có thể thực hiện theo các hướng dẫn sau:
- Trước và sau khi chạm vào chân và làm sạch móng chân cần đảm bảo bàn tay đã được rửa sạch sẽ.
- Khử trùng làm sạch tất cả những dụng cụ làm móng tay móng chân có liên quan bằng cồn hoặc oxy già.
- Trước khi cắt cần ngâm chân trong nước ấm trong thời gian từ 10 đến 15 phút để làm mềm móng và da. Trong nước ngâm chân có thể thêm muối, dầu cây trà, giấm hoặc các loại tinh dầu sát trùng khác.
- Lau khô các ngón chân và bàn chân bằng khăn khô, mềm và nhẹ nhàng xoa bóp xung quanh móng chân giúp cải thiện lưu lượng máu đến vùng móng chân, giảm đau và tăng tốc độ làm lành vết thương.
- Nhấc mép móng chân nhẹ nhàng và lót một miếng bông vào để tránh tình trạng móng chân mọc ngược, đâm vào da.
- Thực hiện loại bỏ tế bào da chết hai bên móng.
- Sau mỗi lần thực hiện, bạn có thể sử dụng thuốc mỡ kháng sinh bôi lên ngón chân bị sưng. Trong trường hợp sưng tấy nhẹ thì có thể tự mua thuốc này mà không cần kê đơn.
3.2 Trường hợp móng chân nhiễm trùng nặng
Trong trường hợp lấy khóe móng chân bị nhiễm trùng nặng với các triệu chứng nặng nề như sưng to, đau đớn, chảy mủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày bạn nên đi đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp và giảm đau hiệu quả.
Trước tiên, bác sĩ sẽ thực hiện gây tê ngón chân hoặc bàn chân rồi dùng dao mổ để loại bỏ phần da ở phía trên móng chân mọc ngược. Phần móng mọc ngược này được cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng móng mọc ngược nếu xảy ra thường xuyên có thể cân nhắc sử dụng phương pháp điều trị bằng hóa chất hoặc laser để móng ngừng phát triển.
4. Cách chăm sóc khóe chân sau khi điều trị sưng mủ
Sau khi điều trị làm giảm sưng đau khóe chân, bạn cần lưu ý một số cách chăm sóc móng chân để đẩy nhanh quá trình lành thương:
- Uống đầy đủ thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Bôi kem kháng sinh vào vị trí móng chân bị sưng ít nhất hai lần/ ngày.
- Trong trường hợp cần thiết có thể hỏi ý kiến bác sĩ để bôi thuốc tê hoặc kem chống viêm.
- Giữ cho vùng móng chân đảm bảo sạch sẽ và khô ráo.
- Tránh đi lại nhiều hoặc đi bộ nhiều bộ trong vòng 2 đến 4 ngày khi chân bị nhiễm trùng.
5. Cần làm gì để phòng ngừa sưng mủ khóe chân?
Để phòng ngừa sưng mủ ở khóe chân thì khi cắt móng chân bạn cần lưu ý những điều sau:
- Khi cắt móng chân, bạn không nhất thiết cắt tròn các góc của móng mà chỉ cần cắt tỉa sao cho các góc không bị lộ rõ ra ngoài và không nên cắt móng quá ngắn.
- Sau khi tắm hoặc tiếp xúc với nước thì móng chân sẽ trở nên mềm hơn. Đây là thời điểm thích hợp để điều chỉnh các góc của móng chân để phần móng không hướng vào trong da.
- Lựa chọn giày mang không quá chật và thoải mái khi đi lại. Trong thời gian móng chân sưng đau thì cần mang giày hoặc dép hở mũi để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Trên đây là những cách giảm sưng khóe chân, hy vọng sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề này và sở hữu một đôi chân đẹp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.