Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Đau đầu vú khi cho bé bú là tình trạng khá phổ biến, khiến các bà mẹ gặp khó khăn hoặc phải tạm ngừng nuôi con bằng sữa mẹ. Nguyên nhân đau núm vú khi cho con bú có thể đến từ mẹ lẫn bé. Vậy làm cách nào để giảm đau đầu vú khi cho bé bú?
1. Nguyên nhân đau núm vú khi cho con bú
Nhiều phụ nữ khi bắt đầu nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cảm thấy không thoải mái, hay thậm chí là đau khổ vì phải trải qua tình trạng đau núm vú khi cho con bú. Phần lớn những trường hợp đau đầu vú khi cho bé bú đều bắt nguồn từ sai sót trong tư thế và kỹ thuật ngậm bắt, dẫn đến tổn thương núm vú, nặng hơn là khiến vú bị cương, tắc ống dẫn sữa và xuất hiện nhiễm trùng. Các bác sĩ cho biết nguyên nhân của hiện tượng này có thể chia làm 2 nhóm sau đây:
1.1. Lý do từ mẹ
- Tổn thương núm vú do gặp trục trặc khi sử dụng máy hút sữa;
- Cương sữa khi trẻ sơ sinh không thể bú cạn bầu sữa quá đầy;
- Tắc ống dẫn sữa, tia sữa hay tuyến sữa;
- Người mẹ quá lợi sữa, gây căng tức;
- Nhiễm trùng vú và núm vú;
- Các bệnh ngoài da như viêm da hoặc vẩy nến;
- Co thắt mạch máu khiến lượng máu đổ về núm vú giảm.
1.2. Lý do từ con
- Dị tật bẩm sinh ở lưỡi hoặc miệng khiến bé khó ngậm bắt vú linh hoạt, nhịp nhàng và không thể bú cạn bầu sữa;
- Bé ngậm, bắt vú không đúng cách làm tổn thương đầu vú của mẹ;
- Chứng vẹo cổ ngăn cản bé bú thoải mái ở cả hai bầu vú.
2. Phân biệt dấu hiệu đau đầu vú khi cho bé bú
3. Khắc phục đau đầu vú khi cho bé bú
3.1. Trong khi cho bé bú
- Luôn cho bé bú bên vú không bị tổn thương trước;
- Điều chỉnh đúng tư thế khi cho con bú, luân phiên thay đổi tư thế trong mỗi cữ bú để dàn trải áp lực lên những phần khác nhau của bầu vú;
- Mẹ nên ngồi xếp bằng thẳng người để dễ dàng quan sát bé, không nghiêng người về phía trước nhằm tránh mỏi và có thể sử dụng gối tựa lưng hỗ trợ;
- Khuyến khích bé mở rộng miệng ngậm bắt toàn bộ quầng vú của mẹ, núm vú nên ở sâu bên trong miệng trẻ. Nếu bé chỉ mút núm vú, nhẹ nhàng đặt một ngón tay sạch vào khóe miệng của bé hoặc ấn vào cằm cho bé há miệng to ra;
- Trường hợp bé thường xuyên cắn ti mẹ, hãy đặt ngón tay chen giữa núm vú và miệng bé, đồng thời nghiêm giọng nói “Không được cắn mẹ!” và đặt bé nằm xuống giường. Sau vài lần ngắt quãng cữ bú như thế bé sẽ hiểu và không cắn mẹ nữa.
3.2. Sau khi cho bé bú
- Không kéo con ra quá đột ngột nếu bé không tự nhả đầu vú sau khi bú xong. Cần tách con ra khỏi núm vú nhẹ nhàng bằng cách chèn ngón tay vào khóe miệng, sau đó di chuyển ngón tay vào bên trong miệng rồi đưa ra ngoài núm vú;
- Vắt vài giọt sữa và dùng tay sạch nhẹ nhàng xoa lên núm vú sau khi cho bé bú để vừa làm dịu kích thích, vừa giảm nguy cơ nhiễm trùng;
- Để núm vú khô tự nhiên trong không khí sau mỗi cữ bú, tránh tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn phát triển;
- Cho con bú thường xuyên ít nhất mỗi 2 - 3 giờ để tránh bé bị đói và dùng lực bú quá mạnh mỗi lần, cũng như hạn chế căng tức bầu ngực cho mẹ.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
3.3. Khi không cho bé bú
- Chỉ vệ sinh vú bằng nước ấm, không nên dùng xà phòng mạnh chà sát kỹ để tránh làm khô da, kích ứng hoặc nứt đầu vú;
- Chườm mát hoặc chườm nóng để cảm thấy dễ chịu. Lưu ý không được chườm đá;
- Vắt cạn sữa bằng tay hoặc máy để giúp núm vú mau lành và tránh tình trạng cương sữa nếu mẹ không thể cho bé bú cạn bầu sữa. Giảm độ căng và làm mềm các mô vú sẽ tạo điều kiện cho con dễ dàng mút sữa;
- Thay áo ngực và miếng lót thấm sữa thường xuyên, nhất là khi thấy ẩm ướt hoặc bẩn. Có thể không mặc áo ngực khi không cần thiết để bầu ngực được thông thoáng;
- Không tùy tiện sử dụng các sản phẩm kem bôi, thuốc, chất dưỡng ẩm,... cho đầu vú khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
3.4. Can thiệp y tế
Trong một số trường hợp, người mẹ cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để áp dụng một số biện pháp hỗ trợ sau:
- Nếu bị nứt đầu vú hoặc trầy da chảy máu, có thể bôi thuốc mỡ chứa 100% lanolin (mỡ lông cừu) dưới tên các nhãn hiệu Lansinoh HPA Lanolin, Pureland, ... sau đó dùng miếng lót thấm sữa không dính phủ lên trên để phòng ngừa nhiễm trùng núm, đồng thời giữ cho phần bị tổn thương không cọ sát vào áo ngực;
- Uống thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen trước khi cho con bú trong trường hợp bị đau nhiều;
- Tìm đến dịch vụ thông tắc tuyến sữa sau sinh cho các bà mẹ tại bệnh viện chuyên khoa khi gặp phải tình trạng này;
- Nhờ bác sĩ can thiệp sớm nếu bé có dị tật lưỡi, miệng hoặc đầu cổ;
- Khám bác sĩ nếu nghi ngờ nứt đầu vú đã dẫn đến nhiễm trùng.
Mặc dù đau đầu vú khi cho bé bú rất thường xảy ra nhưng hiện tượng này cũng sẽ nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên nếu không áp dụng những cách khắc phục và phòng ngừa kịp thời, đau núm vú khi cho con bú có thể trở nên dữ dội hơn, ảnh hưởng xấu đến khả năng sản xuất sữa mẹ, khiến lượng sữa bị giảm sút, hoặc thậm chí khiến bé phải cai sữa mẹ sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.