Hiện nay, biến đổi khí hậu kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường gây nên bệnh lý phổ biến là dị ứng thời tiết. Các triệu chứng dị ứng thời tiết có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt là những thời điểm giao mùa. Lúc này việc sử dụng thuốc bôi dị ứng thời tiết có tác dụng làm giảm bớt triệu chứng khó chịu. Vậy thuốc chữa dị ứng thời tiết được sử dụng như thế nào?
1. Bệnh dị ứng thời tiết bệnh là gì?
Dị ứng thời tiết là tình trạng xảy ra khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, từ đó gây ra các rối loạn trong cơ thể với biểu hiện ra bên ngoài như: phù, ngứa, nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, xung huyết.
Có thể thấy sự thay đổi thời tiết đột ngột được xác định chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dị ứng thời tiết, cơ thể không kịp thay đổi để thích nghi khi vào những khoảng thời gian giao mùa. Làn da chính là nơi xuất hiện những ảnh hưởng đầu tiên khi thời tiết thay đổi đột ngột. Theo đó, dị ứng thời tiết có thể được chia ra thành 2 loại:
1.1. Dị ứng với thời tiết nóng
Trong những ngày nắng nóng mùa hè, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi khiến làn da luôn ẩm ướt, điều này rất dễ gây ra tình trạng viêm da hoặc cơ thể bị mất nước khiến cho bệnh dị ứng thời tiết xảy ra hoặc trở nên nặng nề hơn.
1.2. Dị ứng với thời tiết lạnh
Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 20 độ C vào mùa đông, không khí lạnh và hanh khô sẽ khiến chất sừng bị mất nước, làn da chúng ta trở nên thô ráp xen lẫn những ngày mưa ẩm ướt khiến tình trạng dị ứng thời tiết xảy ra.
2. Triệu chứng của tình trạng dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết biểu hiện trên làn da như sau:
- Ban đỏ, kèm ngứa nổi sần trên da khi tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc lạnh, đặc biệt là ở các vùng da hở như bàn tay, bàn chân, mặt, cổ gây nhiều khó chịu cho người bệnh;
- Da bị sưng rộp, tấy đỏ, phù hoặc xung huyết;
- Khắp cơ thể nổi mề đay cấp tính, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu đi kèm với triệu chứng lơ mơ, khó thở, tụt huyết áp nhanh... gọi là sốc phản vệ. Khi đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu nhanh chóng;
Ngoài ra, người mắc dị ứng thời tiết còn có thể có triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như: sổ mũi, hắt hơi, ho khan, đau đầu, mệt mỏi.
3. Sử dụng thuốc bôi dị ứng thời tiết nào?
Phương pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân bị dị ứng thời tiết:
- Trong một số trường hợp, bệnh nhân dị ứng thời tiết chỉ bị nổi mề đay nhẹ và có thể khỏi sau một vài ngày mà không cần phải điều trị;
- Bệnh nhân dị ứng thời tiết nên chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống, cần hạn chế ăn các loại hải sản, nhộng, uống bia rượu, đậu phộng, các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ... để tránh khiến các triệu chứng dị ứng thêm nghiêm trọng. Nên ăn những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như: sữa chua, cá hồi, dâu tây, hạnh nhân, dưa hấu, cà rốt...;
- Khi bị dị ứng thời tiết, một số bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp dân gian để điều trị bệnh. Tuy nhiên hầu hết những phương pháp này chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng, không thể điều trị dứt điểm bệnh, do đó nguy cơ tái phát rất cao. Trường hợp bệnh nhân bị viêm nhiễm nặng mà đắp các loại thuốc lá không đảm bảo vệ sinh có thể gây dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, khó chữa.
- Sử dụng thuốc bôi dị ứng thời tiết hoặc thuốc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ tùy vào từng trường hợp khác nhau. Bệnh nhân cần sử dụng nhóm thuốc bôi dị ứng thời tiết nào?
- Thuốc kháng histamin thường được dùng cho những trường hợp dị ứng không nghiêm trọng;
- Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể được bác sĩ kê thuốc kháng thụ thể H2 kết hợp với thuốc kháng histamin;
- Với những trường hợp nổi mề đay nghiêm trọng hoặc phù mạch, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc Prednisolon;
Ngoài ra các thuốc chứa Corticoid còn được dùng với mục đích phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của bệnh.
Theo đó, một số loại thuốc chữa dị ứng thời tiết cụ thể có thể kể đến là:
- Thuốc bôi dị ứng Phenergan: cải thiện triệu chứng ngứa và mẩn đỏ trên da do dị ứng thời tiết, viêm da cơ địa hoặc dị nguyên khác. Tuy nhiên, thuốc này có chống chỉ định với vết thương hở hoặc người mắc rối loạn chuyển hóa;
- Thuốc bôi dị ứng Tacrolimus Ointment: được chỉ định trong trường hợp dị ứng thời tiết, viêm da cơ địa, vảy nến... Tuy nhiên, thuốc có hoạt lực mạnh và dễ gây ra tác dụng phụ;
- Thuốc bôi dị ứng Betnovate: Betnovate thuộc nhóm thuốc có chứa corticosteroid, được sử dụng cho người bị vảy nến, chàm, dị ứng thời tiết... giúp làm giảm tình trạng viêm da, sưng đau... Thuốc có chống chỉ định với trường hợp quá mẫn, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú...;
- Thuốc bôi dị ứng Fluocinolone Acetonide Ointment: thuốc mỡ này có chứa corticosteroid giúp điều trị triệu chứng viêm ngứa, vảy nến...;
- Thuốc bôi Clobetasol Propionate Cream: thuốc có tác dụng ức chế phản ứng viêm da, ngăn chặn quá trình viêm hoặc dị ứng. Không bôi thuốc lên mụn trứng cá, không sử dụng trong trường hợp mẫn cảm, trẻ em dưới 1 tuổi, người mắc bệnh mãn tính như suy gan, tiểu đường...;
- Thuốc Fucicort Cream: Thành phần là fusidic acid và betamethasone có tác dụng kháng khuẩn tại chỗ, chống dị ứng, điều trị dị ứng thời tiết, vảy nến, nhiễm trùng da...; nhưng không bôi lên vết thương hở. Tuy nhiên thuốc có một số tác dụng phụ gây thay đổi màu sắc vùng da bị tổn thương, khô da, sưng da...;
- Thuốc bôi Hidem Cream: hỗ trợ điều trị tổn thương ngoài da do dị ứng thời tiết, bệnh chàm, viêm da dị ứng...
4. Cách dùng thuốc bôi dị ứng thời tiết
Người bệnh cần lưu ý về cách sử dụng các loại thuốc bôi dị ứng để đảm bảo nhận được hiệu quả điều trị và không gây hại cho sức khỏe. Sau đây là một số lưu ý khi dùng thuốc bôi dị ứng:
- Không nên tự ý dùng thuốc bôi dị ứng thời tiết khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tất cả các loại thuốc kể trên đều chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ giúp đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người bệnh, đặc biệt là các loại thuốc có chứa thành phần là corticoid;
- Trong quá trình sử dụng thuốc bôi dị ứng thời tiết cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc hoặc tự ý ngưng thuốc để tránh tình trạng kháng thuốc, ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này;
- Trước khi bôi thuốc bôi dị ứng thời tiết cần vệ sinh tay sạch sẽ và làm sạch vùng da bị dị ứng;
- Dùng thuốc bôi dị ứng thời tiết kết hợp với việc che chắn và bảo vệ vùng làn da bị dị ứng khi ra ngoài;
- Nếu thấy biểu hiện bất thường khi dùng thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
5. Phòng ngừa tình trạng dị ứng thời tiết
Bạn có thể thực hiện phòng ngừa tình trạng dị ứng thời tiết bằng các cách sau đây:
- Ăn các loại rau quả nhiều vitamin C và uống đủ 2 lít nước/ngày;
- Không hút thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, hạn chế tiếp xúc khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi;
- Giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, giữ ấm khi trời lạnh, làm mát khi trời nóng cần;
- Không chỉnh nhiệt độ quá thấp khi sử dụng điều hòa, chỉ nên chỉnh chênh lệch khoảng 1-2 độ so với thời tiết ngoài là sự lựa chọn tốt nhất.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao;
- Hạn chế làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp hoặc ở thời tiết giá lạnh;
- Dự trữ sẵn các loại thuốc bôi dị ứng hoặc thuốc uống để sử dụng ngay khi có biểu hiện nhẹ.
Bệnh nhân không được tự ý điều trị mà phải đến các cơ sở y tế khi xuất hiện các biểu hiện nặng như mề đay, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm. Bổ sung các loại vitamin B3, B6, B12 để dự phòng đau đầu do tình trạng dị ứng thời tiết.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.