Cách đo huyết áp đúng ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trong một số bệnh lý ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh thì việc theo dõi huyết áp rất quan trọng trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, có rất nhiều phương pháp đo huyết áp cho trẻ em cũng như nhiều loại máy đo huyết áp khác nhau, vì vậy cần có những thông tin cụ thể để lựa chọn cách đo huyết áp cho trẻ em chính xác nhất.

1. Đo huyết áp cho trẻ em

Đo huyết áp cho trẻ em là một trong những kỹ thuật cần thiết, biết được chỉ số huyết áp của trẻ em nhằm phát hiện được tình trạng cao huyết áp, hạ huyết áp ở trẻ em hay huyết áp bình thường ở trẻ. Trong đó, cao huyết áp ở trẻ em là một tình trạng khá nguy hiểm, thường là biến chứng được gây nên từ một số bệnh lý như thiểu sản phế quản phổi hoặc việc dùng thuốc Steroid trong một thời gian dài cũng gây ra tăng huyết áp ở trẻ em.


Đo huyết áp để xác định tình trạng huyết áp ở trẻ em
Đo huyết áp để xác định tình trạng huyết áp ở trẻ em

Thông thường, sẽ có sự thay đổi của huyết áp trẻ em theo tuổi, giới tính cũng như chiều cao của những trẻ khác nhau. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ tuổi, nhất là trẻ sơ sinh thì khi mắc phải những bệnh lý về thận hay bất thường về mạch máu, bệnh Takayasu thì sẽ gây nên tình trạng tăng huyết áp ở trẻ. Một số nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến huyết áp của trẻ em như tiền sử bệnh huyết áp của những thành viên trong gia đình, chế độ dinh dưỡng có nhiều đường, chất béo, căng thẳng trong học tập, tăng cân béo phì, không luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, có lối sống thụ động cũng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp ở trẻ. Nếu đã bị tăng huyết áp thì có thể trẻ sẽ có một số dấu hiệu như nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, mặt đỏ, đổ mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, thị lực giảm sút, có dấu hiệu co giật, cơ thể mệt mỏi, có thể xuất hiện triệu chứng phù ngoại vi... Lúc này, cần tiến hành đo huyết áp cho trẻ em sớm nhất để điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nguy hiểm như suy tim, tai biến mạch máu não hoặc suy thận.

2. Cách đo huyết áp

Cách đo huyết áp cho trẻ em đúng nhất phải đảm bảo đúng theo những tiêu chuẩn như sau:

  • Dùng máy đo huyết áp đạt chuẩn gồm những đặc điểm như bóng hơi quấn quanh tay trẻ phải có kích thước tương ứng với trẻ, không được dùng loại máy đo huyết áp mà bóng hơi có kích thước không phù hợp, quá to hoặc quá nhỏ.
  • Cho trẻ được nghỉ ngơi trong trạng thái thoải mái khoảng 10- 15 phút trước khi tiến hành đo huyết áp cho trẻ em.
  • Trong lúc đo huyết áp, phải giữ trẻ nằm yên, không quấy khóc vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp.
  • Trong đa số những trường hợp thì nên đo huyết áp cho trẻ em ở cả tay phải và tay trái, nhưng nếu trẻ bị bệnh lý hẹp eo động mạch chủ thì khi đo cần chú ý huyết áp ở tay trái sẽ thấp hơn.
  • Khi chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em, cần so sánh đối chiếu giữa huyết áp đo được với bảng giá trị huyết áp bình thường theo độ tuổi tương ứng cũng như giới tính nam hay nữ vì có sự thay đổi về huyết áp trẻ em theo tuổi và theo giới.
  • Khi đã xác định trẻ tăng huyết áp thì sẽ có chỉ định theo dõi huyết áp cho trẻ tại nhà để kịp thời xử lý.

Đối với trẻ sơ sinh thì có rất nhiều phương pháp để đo huyết áp bao gồm:

  • Đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng Catheter động mạch rốn
  • Đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng dao động kế.
  • Đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng Pulse Oximeter
  • Đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng Doppler
  • Đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng máy đo huyết áp trẻ em như trên, sử dụng kèm với ống nghe hoặc bắt mạch.

Đo huyết áp cho trẻ bằng máy kết hợp với ống nghe hoặc bắt mạch
Đo huyết áp cho trẻ bằng máy kết hợp với ống nghe hoặc bắt mạch

Ngoài ra, trẻ sơ sinh là một đối tượng rất dễ mắc phải một số bệnh lý nên khi đo huyết áp cũng cần cân nhắc một số vấn đề như:

  • Có rất nhiều phương pháp để đo huyết áp cho trẻ sơ sinh nhưng phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là đo huyết áp qua Catheter động mạch rốn và đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng dao động kế.
  • Khi đo huyết áp cho trẻ sơ sinh bằng dao động kế thì những trẻ bị thấp cân sẽ có trị số huyết áp cao hơn thực tế và có sự khác biệt khi đo bằng Catheter động mạch rốn,
  • Nếu là lần đầu đo huyết áp cho trẻ sơ sinh thì cần đo ở cả 2 tay và 2 chân để có thể phát hiện bệnh lý hẹp động mạch chủ.
  • Nếu huyết áp của trẻ sơ sinh có bất thường thì cần đo huyết áp kiểm tra thường xuyên để tính trị số huyết áp trung bình, nhằm phục vụ cho việc điều trị hiệu quả.
  • Nếu hạ huyết áp ở trẻ sơ sinh thì cần có thêm những dấu hiệu của tình trạng giảm cung lượng tim như tưới máu dưới da giảm, dấu hiệu nhiễm axit chuyển hóa hay vô niệu để có thể tiến hành điều trị.
  • Lưu ý về tình trạng Catheter lỏng, hẹp, tắc nghẽn trong đo huyết áp bằng Catheter động mạch rốn.

Đo huyết áp cho trẻ em là một kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi phải có kinh nghiệm thì mới có thể chính xác được. Khi đã thực hiện cách đo huyết áp đúng thì việc chẩn đoán tăng huyết áp hay hạ huyết áp cũng rất khó khăn nên cần thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín, với đội ngũ nhân viên nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là cần đo huyết áp cho trẻ em sớm nhất khi có những dấu hiệu nghi ngờ để có thể kịp thời xử lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe