Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Hầu hết phụ nữ mang thai thường có triệu chứng buồn nôn, nôn trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tình trạng nghén nặng buồn nôn trở nên nghiêm trọng khi tần suất diễn ra thường xuyên, khiến bà bầu mệt mỏi, chán ăn, sút cân nhanh chóng, ảnh hưởng đến thai nhi.
1. Tình trạng nghén nặng buồn nôn ở phụ nữ có thai
90% phụ nữ có thai sẽ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn trong những tháng đầu của thai kỳ, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc khi ngửi thấy mùi thức ăn. Đó là tình trạng nghén ở phụ nữ có thai. Nghén nặng buồn nôn khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, người nôn nao, khó chịu. Cảm giác này sẽ giảm dần từ sau tuần 12 của thai kỳ. Rất ít trường hợp phụ nữ có thai bị nghén ở những tháng tiếp theo.
Có rất nhiều nguyên nhân gây buồn nôn và nôn ở phụ nữ có thai, liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Nôn và buồn nôn không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nhưng nếu tình trạng nghén nặng buồn nôn diễn ra thường xuyên, trong một thời gian dài có thể khiến thai phụ chán ăn, sụt cân, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con, hạn chế khả năng làm việc, sinh hoạt hàng ngày của thai phụ.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Cách điều trị nghén nặng khi mang thai
2.1. Sử dụng thuốc giảm nghén, chống buồn nôn thai kỳ
Thuốc giảm nghén, chống buồn nôn là phương pháp hữu hiệu để giảm các triệu chứng nghén nặng ở phụ nữ mang thai. Việc sử dụng thuốc nên dựa trên tư vấn của bác sĩ tùy theo thể trạng và tình trạng nghén của mỗi trường hợp.
Một số thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai để giảm triệu chứng nôn và buồn nôn gồm:
- Thuốc đối kháng thụ thể H1: cyclizine và promethazine.
- Thuốc thuộc nhóm Phenothiazin: prochlorperazine và chlorpromazine.
- Thuốc đối kháng Dopamine: metoclopramide và domperidone.
- Thuốc đối kháng thụ thể 5-Ht3: ondansetron.
2.1. Chú ý trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày
- Tránh tiếp xúc, ngửi các loại thức ăn khiến bản thân cảm thấy khó chịu, buồn nôn, nôn
- Không nên ăn quá no, nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
- Không để bụng quá đói
- Ăn vào lúc không buồn nôn
- Nên ăn nhiều ngũ cốc, các loại thực phẩm khô, hoa quả
- Uống nhiều nước, mỗi ngày nên uống khoảng 2 - 2,5 lít nước, bao gồm cả nước lọc, nước hoa quả và nước canh
- Hạn chế các loại thực phẩm có mùi khó chịu, thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên rán
- Hạn chế đồ ăn nhiều carbohydrates và có hàm lượng protein cao có thể giúp giảm tình trạng nôn và buồn nôn.
- Thức giấc từ từ, ngồi dậy nhẹ nhàng
- Tránh hoạt động mạnh
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, mệt mỏi
2.3. Bổ sung acid folic
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu được khuyến cáo nên bổ sung 400 - 800 mcg axit folic mỗi ngày.
Ăn nhiều thực phẩm chứa axit folic như: ngũ cốc, bánh mì, rau súp lơ...
2.4. Bổ sung vitamin B1 (thiamine)
Thiamine được chỉ định cho những phụ nữ bị buồn nôn hoặc nôn liên tục. Có thể bổ sung thiamine dưới dạng uống, khoảng 25 - 50mg thiamine 2 - 3 lần/ngày. Nếu bệnh nhân không hấp thụ được thiamine đường uống thì có thể truyền tĩnh mạch.
2.5. Bổ sung dịch truyền
Bổ sung dịch truyền như natri clorid 0,9% hoặc tiêm Hartmann có thể hạn chế triệu chứng nghén nặng ở phụ nữ mang thai
Không nên tiêm dịch truyền có chứa glucose vì có thể làm tăng tình trạng bệnh não Wernicke ở bệnh nhân thiếu thiamine
Bệnh nhân nôn liên tục có thể bị hạ natri máu, nên bổ sung từ từ, tránh nguy cơ rối loạn thần kinh
2.6. Sử dụng gừng
Gừng là vị thuốc tự nhiên có thể điều trị buồn nôn và nôn do nghén nặng trong thai kỳ. Có thể sử dụng khoảng 1g gừng mỗi ngày dưới dạng gừng tươi hoặc bánh gừng, kẹo gừng, trà gừng...
2.7. Phương pháp điều trị không dùng thuốc
- Bấm huyệt
- Thư giãn cơ liên tục
- Châm cứu...
Nôn và buồn nôn là những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai. Hãy thử thay đổi lối sống, chú ý trong cách ăn uống, sinh hoạt để làm giảm bớt tình trạng này. Nếu cần có thể sử dụng các loại thuốc giảm nghén, chống nôn đã được chứng minh là an toàn với phụ nữ có thai để cảm thấy dễ chịu hơn. Trường hợp bệnh nhân sử dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng nghén vẫn không thuyên giảm, mức độ nghén ngày càng trở nên nghiêm trọng thì cần đến bệnh viện kiểm tra. Nếu thai phụ nôn quá nhiều, cơ thể mất nước thì cần được truyền nước càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.