Nang gan là một bệnh lý lành tính ít gặp. Đa số người mắc bệnh thường không có dấu hiệu, triệu chứng đặc hiệu. Do đó, bệnh thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh khám sức khỏe và siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ. Hãy cùng tìm hiểu về nang gan và cách điều trị trong bài viết dưới đây.
1. Nang gan là gì?
Trong gan bình thường có các túi. Khi bị nang gan, các túi này chứa đầy dịch, máu, tế bào. Đa số nang gan đều là lành tính.
1 hoặc 2 nang gan thường không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe và không cần điều trị nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều nang gan và kích thước lớn có thể gây đau hoặc khó chịu vùng bụng. Trong trường hợp này, người bệnh cần thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có cách điều trị bệnh nang gan phù hợp.
Các loại nang gan:
- Nang đơn giản: Nguyên nhân do bẩm sinh. Thông thường, chỉ có 1 nang và trong nang không có dịch mật. Khi nang phát triển to lên sẽ làm cho người bệnh đau vùng hạ sườn phải và có thể phát hiện bằng khám bụng.
- Gan đa nang: Nguyên nhân do bẩm sinh và có thể di truyền, thường gặp cùng với nang thận. Gan đa nang khiến gan bị to và gây đau bụng. Cách điều trị nang gan dạng đa nang thường là ghép gan.
- Nang gan do ký sinh trùng: Chủ yếu gây ra bởi ký sinh trùng echinococcus granulosus, thường được tìm thấy trong cơ thể trâu, bò và lây truyền sang người. Khi nang lớn lên có thể bị vỡ và dẫn tới viêm đường mật hoặc lan sang phổi và các cơ quan khác.
- Nang gan xảy ra cùng với ung thư gan
- U nang: Là dạng nang gan hiếm gặp, thường gây buồn nôn, chướng bụng, đau bụng. U nang có thể tái phát ngay cả khi đã được phẫu thuật cắt bỏ.
Các nguyên nhân gây nang gan đã được nghiên cứu là:
- Bẩm sinh hoặc do di truyền
- Dị dạng ống mật
- Ký sinh trùng, virus, nang sán, vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể.
- Tuổi tác
- Chế độ ăn không lành mạnh
- Bệnh gan đa nang
2. Triệu chứng của nang gan
Nang gan hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu số lượng nang gan nhiều và có kích thước lớn có thể gây đầy hơi và đau ở phần bụng phía trên bên phải. Tuy nhiên, các triệu chứng này là tương đồng với nhiều bệnh khác nên đôi khi khó phát hiện ra. Trong một vài trường hợp, nang gan có kích thước lớn đến mức người bệnh có thể cảm thấy chúng trong bụng.
Hiếm khi người bệnh phát hiện mình mắc bệnh nang gan ở tuổi thiếu niên. Càng lớn tuổi, kích thước nang gan càng lớn dần và gây ra những triệu chứng đáng chú ý. Các triệu chứng của nang gan gồm:
- Đau hạ sườn phải, thượng vị
- Bụng căng phồng
- Đầy bụng
- Ợ nóng
- Đau bụng, nhất là góc 1⁄4 trên phải
- Thở khó
- Nếu nang gan bị chảy máu, người bệnh thấy đau đột ngột và dữ dội ở vùng thượng vị. Cơn đau này có thể giảm dần sau vài ngày do tình trạng chảy máu có thể tự cầm.
Do đó, để nang gan không gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên. Phát hiện sớm nang gan và cách điều trị phù hợp sẽ đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.
3. Chẩn đoán và điều trị nang gan
Đa số các trường hợp nang gan là được phát hiện tình cờ khi người bệnh khám sức khỏe và sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính,... Ngoài ra, để phát hiện nang gan, các bác sĩ sẽ thăm khám vùng bụng để xem có nang hay không. Nếu nghi ngờ, người bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm miễn dịch tìm kháng thể trong máu.
Phần lớn các trường hợp nang gan là lành tính và tự khỏi mà không cần điều trị gì. Một số trường hợp nang gan phát triển lớn hoặc hoặc ác tính thì cần cắt bỏ. Với bệnh nhân đa nang gan sẽ cần ghép gan. Các cách điều trị nang gan hiện nay bao gồm:
- Điều trị nội khoa: Những nang gan gây ra bởi ký sinh trùng thường được phẫu thuật sau đó dùng thuốc kéo dài đến 2 năm để giảm triệu chứng.
- Phẫu thuật: Là cách điều trị bệnh nang gan triệt để nhất, đặc biệt là trong các trường hợp u nang và ung thư nang tuyến.
- Chọc hút: Chọc hút thường được chỉ định cho những trường hợp dịch nhiều và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, cần tránh chọc hút ở người có bệnh về máu hoặc có phản ứng với thuốc tê.
4. Phòng ngừa nang gan
4.1. Với người đã có nang gan mức độ nhẹ
Với người đã có nang gan mức độ nhẹ, ngoài việc áp dụng các cách điều trị nang gan theo chỉ định thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống, cụ thể như sau:
- Tuyệt đối không sử dụng bia rượu và đồ uống có chứa cồn, thuốc lá và các chất kích thích.
- Không sử dụng sữa vì sẽ thúc đẩy nang gan và chất nhầy phát triển thêm.
- Tăng cường thực phẩm có chứa selen vì làm tăng cường sản xuất glutathione và các chất chống oxy hóa.
- Tiêu thụ nhiều thực phẩm có tính mát gan
- Sử dụng nước ép rau quả thường xuyên. Các loại rau củ quả tốt cho gan là bông cải xanh, cải xoăn, củ cải, hành tây, cà rốt, táo, ...
4.2. Với người không mắc nang gan
Với người bình thường khỏe mạnh, để giảm thiểu nguy cơ mắc nang gan cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ để bảo vệ gan
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong sinh hoạt, lao động, vui chơi giải trí, ...
- Bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với trâu, bò, cừu, ... để tránh khỏi vi sinh vật xâm nhập.
- Tránh tiếp xúc với máu và dịch của người bệnh nang gan.
Khi được chẩn đoán nang gan, người bệnh không nên quá lo lắng. Tùy vào loại và mức độ nang gan mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị bệnh nang gan phù hợp cho từng cá thể. Đồng thời, người bệnh cần định kỳ siêu âm và xét nghiệm chức năng gan mỗi 3 tháng để theo dõi tiến triển của bệnh. Nếu sau 2 – 3 năm, nang gan không thay đổi kích thước, chức năng gan bình thường thì người bệnh có thể không cần theo dõi tiếp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.