Mề đay mạn tính là 1 dạng tổn thương cơ bản ngoài da, với sự xuất hiện nhanh của các sẩn phù, sưng nề với quầng đỏ da xung quanh, nhưng không xác định được rõ căn nguyên. Mề đay mạn tính còn ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Vậy điều trị mề đay mãn tính như thế nào?
1. Triệu chứng lâm sàng của mề đay
Mề đay, tuỳ theo thời gian diễn biến bệnh, được chia làm 2 thể là cấp tính và mãn tính. Trong đó:
Mề đay mãn tính (thời gian diễn biến ≥ 6 tuần): Triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tháng đến nhiều năm và không rõ căn nguyên gây bệnh. Mề đay mãn tính có thể được chia thành:
- Mề đay mạn tính tự phát: Thường liên quan tới một số yếu tố kích thích như căng thẳng, thuốc và nhiễm trùng.
- Mề đay do bệnh lý tự miễn: Chiếm 1/2 trường hợp mề đay mạn tính ở người trưởng thành và trẻ lớn. Loại này thường liên quan với một số bệnh lý tự miễn khác.
- Mề đay mạn tính cảm ứng: Do các yếu tố gây khởi phát gây nên như: Tiếp xúc với nước lạnh hoặc nóng; Tiếp xúc với vật lạnh hoặc nóng; Vận động mạnh hoặc cảm xúc mạnh; Cào gãi, chấn thương; sau khi chịu áp lực và tiếp xúc ánh nắng trong thời gian dài.
Đặc điểm lâm sàng của mề đay:
- Biểu hiện là các đám sẩn phù có mật độ mềm, hơi nổi gồ trên mặt da và thường gây ngứa nhiều. Xung quanh tổn thương có quầng đỏ và ở giữa có màu hồng nhạt. Tổn thương mề đay mạn tính diễn biến kéo dài có thể không nổi gồ trên mặt da và có màu đỏ sẫm.
- Hình thái và kích thước của mề đay rất đa dạng, đường kính có thể thay đổi từ một vài mm đến hàng chục cm tuỳ theo nguyên nhân, có thể hình tròn, hình vòng cung hoặc dạng mảng như bản đồ. Tổn thương mề đay có giới hạn rõ với vùng da lành.
- Mề đay có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, như mặt và tứ chi, thân mình. Tổn thương mề đay có xu hướng thay đổi hình thái và kích thước rất nhanh. Tổn thương đơn lẻ thường xuất hiện và biến mất trong vòng một vài giờ và ít khi tồn tại quá 8 giờ, chúng có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Mề đay hay xuất hiện về sáng sớm và chiều tối, giảm dần vào buổi sáng và buổi trưa.
Mề đay mạn tính chủ yếu xảy ra ở người lớn và nữ nhiều hơn nam. Mề đay mạn tính ngoài gây tổn thương trên da còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặc dù không gây nguy hiểm ngay nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như: Tăng sắc tố da, chàm hóa và tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng khác.
Đặc thù của mề đay mãn tính là thường đáp ứng kém với các giải pháp điều trị. Do đó, trong quá trình điều trị, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ thường xuyên hoặc tái khám theo lịch hẹn để được điều chỉnh liều hoặc thay đổi phương pháp cho phù hợp.
2. Cách điều trị mề đay mãn tính
Đầu tiên, để điều trị bệnh mề đay mãn tính, tốt nhất là tìm được căn nguyên gây bệnh nếu xác định được. Từ đó, tránh tiếp xúc hoặc loại bỏ các căn nguyên gây bệnh hoặc làm nặng bệnh như: Ngưng dùng thuốc, thức ăn, tránh nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời, tránh căng thẳng mệt mỏi, không dùng thuốc kháng viêm không steroid. Ở những trường hợp nặng do môi trường có thể đổi nghề, chuyển chỗ ở.
Khi điều trị, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị mề đay mãn tính theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được dùng bao gồm:
2.1 Thuốc kháng Histamin
Thuốc kháng histamin là thuốc chính trong điều trị mề đay mạn tính, được sử dụng để ức chế phóng thích histamin vào da, giúp giảm ngứa và kiểm soát tổn thương lâm sàng. Hiệu quả của các loại thuốc kháng histamin H1 là tương đương nhau, chỉ khác nhau về tác dụng phụ.
Sử dụng thuốc kháng histamin H1 có tác dụng an thần thấp (như Loratadine, Cetirizine, Levocetirizine và Fexofenadine), có tỷ lệ tác dụng phụ thấp được xem là biện pháp đầu tay cho bệnh nhân mề đay mãn tính nhẹ. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện hơn khi điều trị bằng liệu pháp hàng ngày so với chỉ sử dụng thuốc khi xuất hiện triệu chứng.
Liều dùng một số thuốc kháng Histamin H1: Cetirizine 10mg x 1 lần/ ngày, Fexofenadine 180mg x 1 lần/ ngày.
Khi khởi đầu với liều chuẩn thuốc kháng H1 mà chưa đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, bác sĩ có thể tăng liều 2 - 4 lần hoặc chuyển sang thuốc kháng histamin khác.
Nếu tình trạng ngứa ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể sử dụng thuốc thuốc kháng H1 có tính an thần như Chlorpheniramine.
2.2 Glucocorticoid
Sử dụng phối hợp với thuốc kháng H1 và H2 để giảm triệu chứng trong điều trị mề đay mạn tính nặng không đáp ứng với các thuốc trên. Các loại Glucocorticoid thường sử dụng trong điều trị mề đay mãn tính gồm: Prednisolon (viên 5mg), Prednison (viên 5mg), Methylprednisolon (viên 4mg, 16mg, lọ tiêm 40mg, 125mg và 500mg).
Chỉ nên dùng Glucocorticoid với liều thấp nhất có hiệu quả, ngắn ngày (khoảng 5-7 ngày) để hạn chế tác dụng phụ.
2.3 Thuốc kháng leukotriene
Sử dụng kết hợp với thuốc kháng histamin làm tăng tác dụng điều trị bệnh mề đay mạn tính. Tuy nhiên, sử dụng một mình thuốc kháng leukotriene không mang lại nhiều lợi ích so với thuốc kháng histamin. Montelukast 10mg/ ngày có thể có ích cho bệnh nhân bị mề đay cấp tính do Aspirin hoặc các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID) khác.
2.4 Thuốc ức chế miễn dịch
Cyclosporine và Methotrexate có thể được dùng trong điều trị mề đay mạn tính tự miễn. Cyclosporine chỉ được khuyến cáo cho bệnh nhân mề đay mạn tính nặng không dùng được thuốc kháng histamin đường uống liều cao. Liệu pháp Cyclosporine cho bệnh mề đay mãn tính sử dụng tối đa trong 3 tháng hoặc ít hơn.
2.5 Thuốc kháng kháng thể IgE
Omalizumab đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị bệnh mề đay mãn tính tự phát ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên vẫn còn triệu chứng dù đã điều trị bằng thuốc kháng histamin kháng H1. Omalizumab có hiệu quả trên 80% bệnh nhân được điều trị nhưng cần tiêm hàng tháng và bệnh thường tái phát khi ngừng thuốc.
3. Điều trị mề đay bằng các thảo dược tự nhiên
3.1. Lá chè
Lá chè xanh chứa hàm lượng chất chống oxy hóa lớn. Đặc biệt, lá chè xanh là thảo dược chứa hàm lượng EGCG (Epigallocatechin Gallate), catechin, quercetin có khả năng giảm viêm, chống sưng, giảm ngứa và đẩy nhanh tốc độ phục hồi mô da. Cách dùng lá chè xanh trong điều trị mề đay:
Cách 1: Giã nát lá chè xanh, thêm muối trắng rồi đắp hỗn hợp này lên vùng da bị mề đay trong khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch.
Cách 2: Rửa sạch lá chè xanh rồi cho vào nồi đun sôi cùng 2-3 lít nước, sau đó hòa chung với nước lạnh để tắm.
3.2. Quả Nhàu
Nghiên cứu cho thấy trong quả nhàu có rất nhiều thành phần phần hóa học bao gồm các loại vitamin, khoáng chất, tinh dầu và axit hữu cơ. Trong Y học cổ truyền, quả nhàu có vị chát, nồng, tính mát, rất tốt đối với sức khỏe. Một số cách dùng trái nhàu trị mề đay gồm:
- Cách 1: Uống nước ép quả nhàu. Chuẩn bị trái nhàu tươi ngâm với nước muối làm sạch, để ráo. Đem ép lấy nước để uống, thường nước ép nhàu có vị khá khó uống, bạn có thể cho thêm một chút muối.
- Cách 2: Quả nhàu ngâm rượu, có thể dùng quả tươi hoặc khô đều được. Sau khi rửa sạch thì cho 1kg trái nhàu khô hoặc tươi đem ngâm với khoảng 3-4 lít rượu gạo trắng trong bình thủy tinh. Đậy nắp bình kín, thời gian ngâm đối với trái nhàu khô sau 45 ngày, với quả tươi có thể cần đến 2 tháng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 1 ly nhỏ vào trước bữa ăn.
- Cách 3: Chữa mề đay bằng rượu quả nhàu thoa lên phần da bị bệnh. Giã nát 2 quả nhàu trộn đều với 10ml rượu 40 độ rồi lọc lấy nước cốt từ quả nhàu và rượu. Sau đó dùng một miếng gạc hoặc bông mềm, thấm hỗn hợp trên chấm lên vùng da bị mề đay. Mỗi ngày làm ít nhất 3 - 4 lần.
Ngoài ra, một số thảo dược tự nhiên khác mà bạn có thể sử dụng như lá kinh giới, nha đam, lá bạc hà... Tuy nhiên, dùng thảo dược sẽ có tác dụng chậm hơn so với việc dùng thuốc, tuy nhiên rất an toàn và có kết quả tốt. Do vậy, xu hướng kết hợp thêm các sản phẩm thảo dược để cải thiện bệnh mề đay mẩn ngứa, dị ứng được nhiều người lựa chọn.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sự phối hợp toàn diện giữa 3 thành phần, tương ứng 3 nhóm tác dụng tổng thể lên bệnh mề đay, mẩn ngứa, đó là:
- Cao gan: Tăng cường chức năng gan cụ thể là tăng khả năng giải độc cho gan.
- Cao nhàu: Điều hoà miễn dịch đồng thời tăng cường chức năng thải độc qua thận, cải thiện triệu chứng mề đay, giúp giảm viêm, ngứa, mẩn đỏ.
- L-carnitine fumarate: Tăng cường năng lượng tế bào, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Nhờ vậy, sản phẩm có khả năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả các trường hợp mề đay, mẩn ngứa cả cấp tính và mạn tính. Sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên nên rất an toàn, có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau.
Tiên lượng của mề đay mãn tính phụ thuộc vào căn nguyên gây mề đay và phản ứng của bệnh nhân với liệu pháp điều trị. Hơn 50% trường hợp mề đay mạn tính cải thiện trong vòng 3-5 năm. Khoảng 20% mề đay mạn tính cần chăm sóc và điều trị triệu chứng trong 10 năm sau khi khởi phát bệnh lần đầu tiên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.