Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh chống nấm

Thuốc kháng sinh chống nấm bao gồm thuốc chống nấm toàn thân và ngoài da. Thuốc kháng nấm có nhiều dạng khác nhau, từ thuốc bôi ngoài da, đến thuốc uống, tiêm tĩnh mạch, ... Cần lưu ý những gì dùng thuốc kháng sinh chống nấm?

1. Tại sao cần điều trị bằng thuốc chống nấm?

Các loại vi khuẩn, nấm thường sinh sôi, phát triển và gây bệnh trong môi trường nhiệt đới ẩm. Trên cơ thể, những nơi có khả năng nhiễm nấm cao nhất là nách, bẹn, kẽ ngón tay, ngón chân, lưng, cổ, ... Nhiễm nấm trên da có thể gây kích ứng da, ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ rất khó chịu. Nhiễm nấm nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm da, bệnh chàm da.

Vi khuẩn nấm rất dễ lây lan trong không khí và khiến bệnh thường xuyên tái phát nếu người bệnh không phát hiện điều trị sớm bằng thuốc chống nấm. Bên cạnh đó, cũng cần phải chủ động phòng ngừa lây nhiễm nấm khi sống chung với người bệnh hoặc trong môi trường thuận lợi của nấm.


Thuốc kháng sinh chống nấm được chỉ định trong một số trường hợp
Thuốc kháng sinh chống nấm được chỉ định trong một số trường hợp

2. Các loại thuốc kháng sinh chống nấm

Nấm gây bệnh ở người được phân thành 2 loại tùy thuộc vào vị trí nhiễm nấm là toàn thân hay nấm da. Do đó, thuốc chống nấm cũng được chia thành thuốc chống nấm toàn thân và chống nấm trên da (hay còn gọi là thuốc chống nấm tại chỗ). Tuy nhiên, thuốc chống nấm toàn thân có thể tác dụng đối với nấm trên da và ngược lại.

2.1 Thuốc chống nấm toàn thân

Thuốc chống nấm toàn thân được dùng khi vi khuẩn nấm lan sang nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Một số loại thuốc kháng sinh chống nấm toàn thân phổ biến có thể kể đến như:

  • Amphotericin B: Là thuốc kháng sinh phổ rộng, chống được nhiều loại nấm như Aspergillus, Candida, Cryptococcus, Histoplasma, .... Thuốc chủ yếu được dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch trong điều trị nấm Candida gây nhiễm khuẩn huyết và các cơ quan nội tạng, nấm Cryptococcus tấn công não và màng não. Amphotericin B có thể gây tác dụng phụ như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, run, tụt huyết áp, tăng ure máu, tổn thương ống thận.
  • Flucytosin: Là thuốc đường uống và dễ hấp thu ở tiêu hóa. Flucytosin là thuốc kháng nấm phổ hẹp nên thường dùng kết hợp với các loại thuốc chống nấm khác để tránh tình trạng kháng thuốc. Flucytosin thường được phối hợp với Amphotericin B trong điều trị nấm Candida. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn, rối loạn chức năng gan, làm giảm tiểu cầu, thiếu máu do ức chế tủy xương.
  • Ketoconazole: Là thuốc đường uống và dễ hấp thu ở tiêu hóa, đặc biệt là sau bữa ăn. Ketoconazole là thuốc chống nấm thường được dùng để điều trị nấm Candida ở âm đạo, nấm thực quản, nấm móng. Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú sữa mẹ không được dùng loại thuốc này. Ketoconazole gây tác dụng phụ là rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, to vú ở nam giới, suy giảm chức năng tình dục ở cả nam giới và nữ giới, ... Ketoconazole cũng được dùng để điều trị nấm da.
  • Nystatin: Nystatin được điều chế ở nhiều dạng khác nhau như thuốc bôi ngoài da, thuốc mỡ, thuốc rửa, viên đặt âm đạo, hậu môn, dịch súc miệng, viên nén hoặc bọc đường để uống, ... Tuy nhiên, Nystatin chủ yếu được dùng phổ biến ở dạng đường uống. Loại thuốc kháng sinh chống nấm này thường được sử dụng trong điều trị nấm Candida ở thực quản, phổi, ruột, âm đạo và kết hợp với thuốc kháng sinh phổ rộng khác.

2.2 Thuốc chống nấm ngoài da

Thuốc chống nấm ngoài da được dùng để điều trị các vùng da bị nhiễm nấm như da đầu, da ở tay, chân, ...

  • Griseofulvin: Là thuốc đường uống và mức độ hấp thu thuốc phụ vào dạng thuốc và thức ăn được tiêu hóa. Thuốc kháng nấm Griseofulvin được dùng để điều trị bệnh nấm da, ở kẽ ngón tay, ngón chân, móng, tóc. Thời gian điều trị của thuốc là tối thiểu 1 tháng đối với nấm ở tóc và có thể lên đến 6 - 9 tháng đối với nấm ở móng. Tác dụng phụ của Griseofulvin là gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mệt mỏi, ngủ gà, nhìn mờ, viêm thần kinh.

Griseofulvin là một trong các thuốc kháng sinh chống nấm
Griseofulvin là một trong các thuốc kháng sinh chống nấm

3. Một số lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh chống nấm

Một số lưu ý trong điều trị và dùng thuốc kháng sinh chống nấm:

  • Thuốc chống nấm toàn thân chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thận trọng trong việc dùng thuốc kháng nấm có chứa corticoid để bôi ngoài da vì thuốc có thể gây tác dụng phụ như rạn da, nứt da, teo da và tạo môi trường để nấm tiếp tục phát triển.

Ngoài dùng thuốc, cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa nấm lây lan và tái nhiễm như:

  • Vệ sinh da sạch sẽ và luôn giữ da thông thoáng, không bịt kín hoặc mặc đồ chật và ẩm, bó sát vào da, nhất là sau khi bôi thuốc kháng nấm.
  • Nếu thời tiết nóng hoặc lao động ra mồ hôi, cần lau khô và làm sạch da, mặc quần áo thấm hút mồ hôi tốt để không tạo điều kiện, môi trường sinh sống của nấm.
  • Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ để loại bỏ nấm, vi khuẩn sinh sống, gây bệnh trên da.
  • Không sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, ... với người bị nấm da để tránh lây nhiễm nấm.

Việc dùng thuốc kháng sinh chống nấm cần có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là chống nấm toàn thân. Ngoài ra, cũng cần kết hợp chăm sóc da đúng cách, vệ sinh nhà cửa để nấm không phát triển gây bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe