Chốc đầu là một bệnh da liễu phổ biến ở trẻ em, có nguyên nhân chủ yếu do tụ cầu vàng, liên cầu. Trẻ bị chốc đầu có thể gặp phải các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
1. Chốc đầu là gì?
Chốc đầu là một tình trạng nhiễm khuẩn hay gặp ở trẻ em, có đặc trưng là các tổn thương bọng nước nông, rải rác, mủ hóa, khi vỡ gây đóng vảy tiết. Nguyên nhân chủ yếu của chốc là tụ cầu vàng, liên cầu hoặc cả hai. Trẻ bị chốc đầu thường dễ lây cho trẻ khác, thậm chí lây từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên bản thân trẻ bệnh. Nếu trẻ không được phát hiện sớm và chữa bệnh chốc đầu kịp thời thì có thể gặp phải các biến chứng tại chỗ và toàn thân.
2. Trẻ bị chốc đầu có biểu hiện gì?
Tùy theo hình thái tổn thương mà chốc đầu ở trẻ được phân thành 2 dạng là chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước.
2.1. Chốc có bọng nước
Nguyên nhân chủ yếu của chốc có bọng nước thường do tụ cầu.
Tổn thương cơ bản:
- Khởi phát là các dát đỏ kích thước 0,5 – 1cm, các mảng da này căng ra và nhanh chóng tạo thành các bọng nước trên đó.
- Bọng nước có bề mặt nhăn nheo, có quầng đỏ xung quanh và sau vài giờ trở thành bọng mủ đục.
- Sau đó vài ngày hoặc vài giờ, bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt làm tóc bết dính, khó chịu.
Chốc đầu ở trẻ em thường khỏi hoàn toàn sau 7 – 10 ngày và tổn thương không để lại sẹo, đôi khi có thâm nhẹ và mờ dần. Tuy nhiên, trẻ bị chốc đầu thường ngứa khiến trẻ không kiềm chế được và gãi khiến tình trạng nặng nề hơn.
2.2. Chốc không có bọng nước
Nguyên nhân thường do liên cầu tan huyết nhóm A gây ra.
Tổn thương cơ bản:
- Trẻ bị chốc đầu không có bọng nước thì trên da đầu vẫn có các mụn mủ. Tuy nhiên mụn mủ nhanh chóng tróc mủ, tiết ra dịch ẩm ướt và không xuất hiện bọng nước.
- Tổn thương có bờ giống như bệnh nấm da, có thể có vảy da màu nâu nhạt, bao quanh là quầng đỏ. Đôi khi xung quanh vết chốc có tổn thương li ti khác.
- Chốc đầu không có bọng nước ở trẻ em thường khỏi sau 2 – 3 tuần.
Chốc đầu ở trẻ em thường không gây nguy hiểm, nhưng nếu không được chữa bệnh chốc đầu đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:
Tại chỗ:
- Chàm hóa: Trẻ bị chốc đầu tái đi tái lại nhiều lần xuất hiện nhiều mụn nước mới, ngứa.
- Chốc loét: Thường gặp ở trẻ em, người già suy dinh dưỡng nặng, người suy giảm miễn dịch. Tổn thương ăn sâu và da đầu, khi khỏi để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Toàn thân:
- Nhiễm trùng huyết: Thường do tụ cầu, đối tượng có nguy cơ cao là người có sức đề kháng yếu.
- Viêm cầu thận cấp: Thường diễn biến trong khoảng 3 tuần.
- Ngoài ra, có thể gặp viêm mô tế bào sâu, viêm quầng, viêm hạch, viêm phổi, viêm xương, ...
3. Cách chữa bệnh chốc đầu ở trẻ em
3.1. Dùng dung dịch kháng khuẩn
Thuốc đỏ (eosine):
- Thuốc đỏ có khả năng sát khuẩn tốt, thường được sử dụng để điều trị vết thương hở, làm khô vết thương. Ưu điểm của thuốc đỏ là dùng được cho trẻ em, dịu nhẹ và an toàn. Nhược điểm là thành phần thuốc đỏ chứa thủy ngân có thể gây ra các tác dụng phụ như mẩn ngứa, bong da, ... khi dùng lâu dài.
- Cách sử dụng: Vệ sinh sạch sẽ vết chốc bằng khăn mềm, sau đó loại bỏ vảy chốc. Nhỏ trực tiếp thuốc đỏ lên hoặc dùng tăm bông bôi lên vết chốc. Sau khi thuốc khô không cần rửa lại với nước.
- Thường dùng để tiêu diệt một số loại vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh. Ưu điểm là an toàn khi bôi cho vết thương hở, không gây khô rát, kích ứng da. Nhược điểm là chỉ diệt khuẩn trong phạm vi hạn chế, tác dụng lâu, gây mất thẩm mỹ khi bôi, gây kích ứng với người có da nhạy cảm.
- Cách sử dụng: Vệ sinh sạch sẽ vết chốc bằng khăn mềm, sau đó loại bỏ vảy chốc. Nhỏ trực tiếp xanh methylene lên hoặc dùng tăm bông bôi lên vết chốc. Sau khi thuốc khô không cần rửa lại với nước. Bôi nhiều lần trong ngày sẽ có hiệu quả chữa bệnh chốc đầu tốt hơn.
Thuốc tím (dung dịch KMnO4 loãng):
- Có công dụng giống thuốc đỏ và xanh methylen trong chữa bệnh chốc đầu, sử dụng được trên tổn thương phồng rộp, rỉ nước, mưng mủ. Nhược điểm là khả năng kháng khuẩn ở mức trung bình, dễ bị oxy hóa, để lại màu trên da khi bôi, không dùng được cho vết thương hở. Lưu ý chỉ dùng dung dịch KMnO4 khi có chỉ định của bác sĩ.
Chlorhexidine:
- Là cách chữa bệnh chốc đầu ở trẻ em thường được sử dụng. Chlorhexidine có phổ tác dụng rộng, diệt được vi khuẩn, virus, nấm và có tác dụng kéo dài. Nhược điểm của Chlorhexidine là gây kích ứng da, rát da, mẩn ngứa, làm chậm quá trình liền sẹo, tổn thương mô hạt.
- Cách sử dụng: Vệ sinh sạch sẽ vết chốc bằng khăn mềm, sau đó loại bỏ vảy chốc. Dùng tăm bông chấm Chlorhexidine lên vết chốc.
- Đậy nắp lọ dung dịch Chlorhexidine sau khi sử dụng, không để miệng lọ chạm vào vết thương vì Chlorhexidine rất dễ nhiễm khuẩn.
3.2. Thuốc mỡ kháng sinh trong chữa bệnh chốc đầu
Nếu trẻ bị chốc đầu ngày càng nặng thì có thể sử dụng thêm thuốc mỡ kháng sinh, bao gồm:
Thuốc mỡ Mupirocin
- Mupirocin là thuốc mỡ kháng sinh phổ hẹp, có tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn Gram dương như tụ cầu vàng, liên cầu nên hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, không ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sẵn có của cơ thể.
- Mupirocin gây cảm giác nóng và châm chích khi dùng tại chỗ.
Kem kháng sinh Acid Fusidic
- Tương tự Mupirocin, Acid Fusidic là kháng sinh phổ hẹp, có tác dụng tốt trên tụ cầu (đặc biệt là tụ cầu vàng và tụ cầu đề kháng methicillin). Acid Fusidic không nhạy cảm với liên cầu nên không hiệu quả trong chữa bệnh chốc đầu do liên cầu gây ra.
- Chỉ sử dụng kem kháng sinh Acid Fusidic khi có chỉ định của bác sĩ, không bôi vào tổn thương hở, đang chảy mủ.
- Cách sử dụng: Dùng đầu tăm bông bôi kem kháng sinh Acid Fusidic lên tổn thương, xoa nhẹ nhàng để thuốc thấm vào da. Bôi 2 – 3 lần / ngày để có hiệu quả nhanh.
3.3. Các điều trị khác
Khi tổn thương lan rộng hoặc lan tỏa toàn thân và có nguy cơ biến chứng thì có thể chỉ định kháng sinh đường uống trong 5 – 7 ngày và điều trị biến chứng (có thể sử dụng các kháng sinh nhóm β-Lactam, Macrolid, Cephalosporin, Penicillin bán tổng hợp, ...). Nếu trẻ ngứa nhiều thì sẽ được chỉ định thêm thuốc kháng histamin như Phenergan, Loratadin, ... Nếu chốc kháng thuốc cần điều trị theo kháng sinh đồ.
4. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chốc đầu
Khi trẻ bị chốc đầu, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần biết chăm sóc đúng cách để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh và hạn chế biến chứng. Các biện pháp nên áp dụng:
- Giữ cơ thể trẻ được thoáng mát: Cho trẻ mặc quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm hút mồ hôi, tránh để hở da nhiều.
- Trẻ bị chốc đầu cần được tắm rửa sạch sẽ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng với tỉ lệ 1/10.000 hoặc một số nước tăm chứa các thảo dược tự nhiên như lá chè xanh để làm khô se tổn thương.
- Cắt tóc gọn gàng giúp cho việc chữa bệnh chốc đầu thuận tiện hơn, dễ dàng vệ sinh, bôi thuốc vết chốc và không cho vi khuẩn có môi trường sinh sôi.
- Không cho trẻ gãi vết chốc vì sẽ khiến tổn thương nặng hơn và lây lan vi khuẩn sang vùng da lành.
- Thay và giặt sạch quần áo cho trẻ mỗi ngày, cắt móng tay ngắn gọn.
- Cho trẻ cho ở những chỗ sạch sẽ, khô ráo, tránh bụi bẩn và côn trùng đốt. Không để trẻ chơi gần các vật cứng, nhọn để hạn chế xây xát da.
- Cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như cá, thịt, sữa, rau xanh, quả chín,...để tăng sức đề kháng.
- Chốc đầu thường dễ lây lan khi trẻ gãi vào tổn thương và sờ vào những vùng da khác trên cơ thể. Do đó, khi trẻ bị chốc nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát sự lây lan của bệnh, đồng thời hạn chế lây sang trẻ khác.
Trên đây là những cách chữa bệnh chốc đầu ở trẻ, cha mẹ có thể tham khảo và chăm sóc trẻ theo tư vấn trên. Tuy nhiên cách tốt và an toàn nhất vẫn là nên đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo tư vấn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.