Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác từng là giảng viên Bộ môn Nhi - trường Đại học Y dược Hải Phòng, được cấp chứng chỉ về Nhi khoa trong và ngoài nước như: Bệnh viện Westmead, Australia; Trường Đại học Y Hải Phòng. Bác có thế mạnh trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trẻ sinh non có tuổi thai nhỏ hơn 37 tuần là đối tượng dễ mắc bệnh lý võng mạc. Có thể phòng và chữa bệnh võng mạc, nhưng nếu không chăm sóc mắt cho trẻ sinh non cẩn thận, các bé có nguy cơ bị suy giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn.
1. Bệnh võng mạc
Ước tính hằng năm trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em sinh non, ra đời sớm hơn thời gian 37 - 42 tuần của một thai kỳ bình thường. Trong số này, có khoảng 20 nghìn trẻ bị mù lòa do bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh và thêm 12.3 nghìn bé bị suy giảm thị lực.
Nguyên nhân là bởi vì khi còn ở trong bụng mẹ, thai nhi có môi trường tối, ấm áp và yên tĩnh, để phát triển. Bé có thể di chuyển trong dịch ối, được cung cấp chất dinh dưỡng và oxy liên tục thông qua dây rốn. Thế nhưng nếu sinh ra quá sớm, mắt của bé chưa hoàn toàn trưởng thành, cộng với việc tăng lượng oxy đột ngột khiến các mạch máu ở võng mạc trở nên bất thường. Trong trường hợp võng mạc bị bong, nguy cơ mù lòa cả hai mắt vĩnh viễn là khá cao.
Do vậy, theo dõi và chăm sóc mắt cho trẻ sinh non là việc làm rất quan trọng. Mặc dù bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh có thể điều trị được nếu như phát hiện sớm, tuy nhiên một vài bệnh lý về mắt sau này vẫn sẽ xảy ra với trẻ. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, các tật khúc xạ như cận hay lác/lé mắt và suy giảm khả năng nhìn là khá nghiêm trọng.
2. Chăm sóc mắt cho trẻ sinh non
2.1. Đối với bé
Các chuyên gia Nhi khoa cho rằng 1 giờ đồng hồ đầu tiên sau sinh được xem là thời điểm vàng để chăm sóc mắt cho trẻ sinh non. Đội ngũ bác sĩ và y tá có khả năng hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc cho trẻ bằng cách:
- Kiểm soát những cơn đau và khó chịu cho bé
- Cung cấp khí oxy trợ thở và theo dõi liều lượng một cách cẩn thận
- Tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng
- Khuyến khích sản phụ cung cấp dưỡng chất cho bé thông qua bú sữa mẹ
- Điều hòa thân nhiệt ổn định trong nôi hoặc lồng ấp
- Giữ ấm trẻ bằng phương pháp Kangaroo - đặt trẻ nằm trên ngực mẹ hoặc bố, tiếp xúc da kề da
Trong trường hợp mắt trẻ có dấu hiệu diễn tiến đến giai đoạn đe dọa thị lực do bệnh võng mạc thì phải được điều trị khẩn cấp trong vòng 48-72 tiếng.
2.2. Trách nhiệm của nhân viên y tế
Đội ngũ chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh bao gồm y tá, bác sĩ sản khoa, nhi khoa, và nhãn khoa cũng như nữ hộ sinh là những người đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm do mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Mỗi người thầy thuốc đều phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc:
- Tiếp thu chương trình đào tạo, học hỏi kiến thức về bệnh võng mạc
- Tuyên truyền nhận thức chung trong cộng đồng, đặc biệt là giáo dục cho bố mẹ của trẻ
- Bác sĩ nhãn khoa phối hợp với phòng nhi sơ sinh để kiểm tra, sàng lọc bệnh võng mạc
- Tích cực theo dõi trẻ sơ sinh và trẻ sinh non nhằm phát hiện, quản lý tật khúc xạ và các bệnh về mắt khác
- Chia sẻ tài liệu, chuyển giao công nghệ chăm sóc mắt và các vấn đề liên quan đến đồng nghiệp.
Đối với những trẻ sinh non mắc bệnh võng mạc giai đoạn nhẹ và giữ được một phần thị lực, nên giới thiệu cho phụ huynh các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc mắt cho trẻ sinh non cũng như trẻ lớn có khả năng nhìn kém. Nếu trẻ không may bị mù hoàn toàn có thể dẫn đến chậm phát triển, nên chuyển trẻ đến những cơ sở phục hồi chức năng chuyên biệt.
3. Sàng lọc phòng bệnh võng mạc
Để quá trình chăm sóc mắt cho trẻ sinh non được toàn diện, phụ huynh cần tiếp tục đưa trẻ đi theo dõi và khám sàng lọc bệnh võng mạc sau khi đã xuất viện. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm giúp thị lực của trẻ ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi bệnh lý này. Phương pháp sàng lọc là dùng đèn soi đáy mắt gián tiếp để kiểm tra và đánh giá mắt của trẻ, thường do bác sĩ chuyên khoa mắt nhiều kinh nghiệm thực hiện.
Trẻ vừa sinh ra có thể khó phát hiện thấy vấn đề lạ ở võng mạc bằng mắt thường, tuy nhiên bệnh sẽ liên tục diễn tiến qua các giai đoạn từ nhẹ đến nặng trong các tuần tiếp theo. Chính vì vậy, việc khám sàng lọc lần đầu tiên nên được thực hiện sớm trong khoảng 30 ngày sau sinh và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý dừng giữa chừng.
Theo tiêu chuẩn tại Việt Nam, đối tượng cần thực hiện tầm soát bệnh võng mạc là tất cả những trẻ sinh non sớm hơn 34 tuần tuổi và có cân nặng khi sinh thấp hơn 2000g (2kg). Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thêm một số yếu tố nguy cơ bao gồm suy hô hấp, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng... cũng cần phải được thăm khám, kiểm tra mắt.
Từ nguyên nhân gây bệnh võng mạc có thể rút ra được cách phòng bệnh hiệu quả nhất chính là ngăn ngừa sinh non. Phụ nữ mang thai nên chú ý tránh xa các tác nhân gây vỡ ối sớm, quản lý tốt thai nghén để bé ra đời đúng thời điểm. Khi thai kỳ bị rút ngắn mà không thể kéo dài, cần đặc biệt lưu ý chăm sóc mắt cho trẻ sinh non và có cân nặng thấp một cách cẩn thận. Đưa trẻ đi khám sàng lọc bệnh võng mạc ngay khi bé còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh; thường xuyên theo dõi trẻ sau khi xuất viện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt chế độ khám theo chỉ dẫn của bác sĩ là những việc bố mẹ nên làm để bảo vệ đôi mắt cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.