Trẻ sơ sinh có sức khỏe rất yếu ớt, đặc biệt là sức khỏe của đôi mắt. Một trong số đó là việc mắt trẻ sơ sinh bị đau, đỏ và đổ ghèn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Vậy trẻ sơ sinh đau mắt phải làm sao và cha mẹ cần chữa đau mắt cho trẻ sơ sinh như thế nào?
1. Nguyên nhân khiến em bé sơ sinh bị đau mắt
Sau 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ, em bé vừa mới chào đời thường phải đối diện với rất nhiều vấn đề khác nhau, một trong số là sự bất thường sức khỏe của đôi mắt với tình trạng đau, đỏ và/hoặc đổ nhiều ghèn. Em bé sơ sinh bị đau mắt tương đối phổ biến, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc mắt bị nhiễm trùng hoặc vệ sinh kém.
Một số nguyên nhân sau đây có thể khiến mắt trẻ sơ sinh bị đau và đỏ:
- Mắt tiếp xúc trực tiếp với nước ối và máu: Trường hợp trẻ vừa sinh ra mắt đã bị đổ ghèn và đau đỏ có thể xuất hiện từ việc dịch nước ối và máu chảy vào mắt trong quá trình sinh thường. Theo bác sĩ, hiện tượng này hoàn toàn bình thường, mắt bé sẽ tự khỏi nên phụ huynh không cần quá lo lắng;
- Tắc tuyến nước mắt: Hay còn gọi là tắc tuyến lệ với tỷ lệ xảy ra ở trẻ sơ sinh rơi vào khoảng 10%. Dấu hiệu gợi ý tắc tuyến lệ là bé liên tục chảy nước mắt ngay cả khi không quấy khóc và đôi khi gây đau mắt. Tình trạng chảy nước mắt có xu hướng tăng lên khi thời tiết lạnh hay bé ở nơi nhiều gió hoặc nắng... Việc nước mắt chảy liên tục có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật tấn công mắt và dẫn đến nhiễm trùng thứ phát. Tình trạng em bé sơ sinh bị đau mắt và chảy nước mắt liên tục do tắc tuyến lệ thường sẽ tự khỏi sau một vài tháng, sau đó các triệu chứng bất thường tại mắt cũng biến mất theo;
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Bên cạnh việc em bé sơ sinh bị đau mắt, vi khuẩn gây nhiễm trùng còn khiến mắt đổ nhiều ghèn, có mủ và làm 2 mí mắt dính lại mỗi khi ngủ dậy. Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể xảy ra 1 hoặc cả 2 bên mắt và liên quan đến việc mắt trẻ tiếp xúc với một số tác nhân trong quá trình chuyển dạ như lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae) hay Chlamydia;
- Viêm kết mạc do virus: Để có cách chữa đau mắt cho trẻ sơ sinh hiệu quả, việc xác định chính xác nguyên nhân là vô cùng cần thiết. Theo đó, viêm kết mạc do virus là một trong những nguyên nhân thường gặp ở trẻ sơ sinh với một số biểu hiện như đau mắt, đỏ mắt, tăng tiết nước mắt kèm theo tính chất ghèn nhầy lỏng. Một số trường hợp đôi khi kèm theo sốt, tuy nhiên viêm kết mạc do virus không sinh ra mủ ở mắt và đa phần xảy ra ở cả 2 bên;
- Vệ sinh mắt kém: Quá trình vệ sinh đôi mắt cho trẻ sơ sinh kém cũng là một nguyên nhân khiến mắt bị đau, đỏ và đổ ghèn. Hậu quả là 2 mắt dính lại và tăng nguy cơ nhiễm trùng;
- Chạm tay bẩn vào mắt: Việc trẻ sơ sinh không được vệ sinh tay chân thường xuyên sẽ dễ dẫn đến tình trạng con đưa tay bẩn chà xát vào mắt và dẫn đến nguy cơ đau mắt và đổ ghèn bất thường. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không cần quá lo lắng vì cách chữa đau mắt cho trẻ sơ sinh do nguyên nhân này rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch mắt bằng nước ấm vài lần sẽ tự khỏi;
- Dị vật trong mắt: Với môi trường sống ô nhiễm như hiện nay thì thật khó để phòng tránh việc các dị vật nhỏ như cát, bụi... bay vào mắt trẻ sơ sinh. Những dị vật nhìn có vẻ nhỏ và không quá nguy hiểm này khi dính vào mắt và không được loại bỏ sẽ khiến cơ thể phản ứng bằng cách sinh ghèn, đỏ và gây đau. Một vấn đề mà phụ huynh cần lưu ý là em bé sơ sinh bị đau mắt và có các biểu hiện nhiễm trùng nhưng không khỏi dù đã điều trị tích cực thì nên xem xét đến khả năng mắt có dị vật.
2. Trẻ sơ sinh đau mắt phải làm sao?
Trẻ sơ sinh đau mắt phải làm sao là trăn trở của nhiều phụ huynh, lý do là vì đôi mắt giai đoạn này đặc biệt mong manh, yếu ớt và rất nhạy cảm. Theo các chuyên gia, để giúp mắt bé phát triển tốt nhất và hạn chế những bất thường như đau, đỏ hay đổ ghèn thì cha mẹ nên lưu ý cần có những biện pháp chăm sóc mắt phù hợp cho đối tượng đặc biệt này.
Theo khuyến cáo của Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, việc khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt là khám mắt cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết nhằm mục đích phát hiện sớm các bệnh về mắt mà con có thể gặp phải, qua đó tìm ra biện pháp can thiệp kịp thời và phù hợp. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu những bé sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và ngủ đủ giấc sẽ có đôi mắt khỏe mạnh hơn những trường hợp bú sữa công thức, do đó bà mẹ cần tăng cường cho con bú mẹ nếu sức khỏe cho phép.
Khi ngủ, cơ mi khép lại và đôi mắt của trẻ sơ sinh sẽ được thư giãn. Trường hợp bé ngủ trong phòng có đèn ngủ sẽ khiến mắt liên tục bị kích thích bởi ánh sáng, dẫn đến mắt hoạt động liên tục, đồng tử co giãn và cơ mi không được nghỉ ngơi đầy đủ. Do đó, một trong những chữa đau mắt cho trẻ sơ sinh đơn giản là cho con ngủ trong môi trường đủ tối, hạn chế ánh sáng cường độ cao để mắt có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục.
Bên cạnh đó, theo sinh lý bình thường, trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ nên khi bé ngủ vào ban ngày, phụ huynh cũng nên kéo rèm để mắt không bị kích thích liên tục bởi ánh sáng.
Nếu chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh thì tình trạng mắt đỏ, đau và đổ nhiều ghèn sẽ khiến phụ huynh vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng, thay vào đó nên học những cách giữ gìn và vệ sinh phù hợp cho bộ phận đặc biệt nhạy cảm này.
3. Các bước vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh
Em bé sơ sinh bị đau mắt kèm đỏ và ghèn đọng nhiều ở khóe mắt cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh để lâu sẽ dẫn đến những biến chứng khác. Trong quá trình vệ sinh mắt cho em bé sơ sinh, bà mẹ lưu ý phải luôn giữ đôi tay sạch sẽ nhằm tránh lây nhiễm vi sinh vật vào mắt con.
Các bước vệ sinh mắt trẻ sơ sinh đi đau đỏ và đổ ghèn:
- Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch;
- Tiến hành lau khô mắt của trẻ sơ sinh bằng gạc sạch (hoặc có thể dùng khăn sử dụng một lần). Lưu ý lau khô mắt bằng gạc hoặc khăn riêng cho mỗi bên;
- Bước tiếp theo là làm ướt miếng gạc vô trùng bằng nước sạch và đủ ấm (có thể sử dụng nước muối sinh lý). Lưu ý nên sử dụng gạc thay vì bông gòn để tránh vương các sợi bông vào mắt bé sơ sinh và mỗi bên mắt cần dùng miếng gạc riêng;
- Tiến hành lau nhẹ nhàng 1 bên mắt, bắt đầu từ khóe đi ra đuôi mắt (theo chiều từ trong ra ngoài), hoàn tất một bên thì chuyển sang mắt còn lại;
- Tiến hành lau khô mắt cũng theo nguyên tắc từ trong ra ngoài cho mỗi bên mắt bằng gạc riêng;
- Trong quá trình vệ sinh mắt, cha mẹ lưu ý không chạm trực tiếp vào mắt hoặc cố gắng làm sạch bên trong mí mắt vì có thể gây tổn thương đến cơ quan đặc biệt nhạy cảm này;
- Bước cuối cùng là thu dọn gạc, khăn bỏ vào thùng rác và vệ sinh tay trước khi tiếp xúc với bé.
4. Dự phòng đau mắt ở trẻ sơ sinh
Để hạn chế tình trạng em bé sơ sinh bị đau mắt, việc đầu tiên phụ huynh cần lưu ý là đeo kính chống bụi, chống nắng khi cho bé ra ngoài trời nhằm mục đích bảo vệ tối đa khỏi những tổn thương do các tác nhân bên ngoài như khói, bụi, ánh nắng mặt trời...
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, trong đó cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có những dưỡng chất cần thiết và tốt cho sức khỏe đôi mắt. Với trẻ không bú mẹ, phụ huynh cần chọn loại sữa công thức phù hợp.
Ngoài ra, trong thời gian xảy ra dịch đau mắt đỏ, cha mẹ cần lưu ý cách ly trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏi những người xung quanh để tránh lây nhiễm bệnh cho bé. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ thì nguy cơ cao sẽ ảnh hưởng đến thị lực của bé sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.