Bạn phát hiện bé bị nổi mụn ở mi mắt? Rất có thể bé bị chắp mắt do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi bị nhiễm trùng. Triệu chứng này thường xuất hiện, rồi biến mất sau khi điều trị nhưng nếu không được điều trị dứt điểm bệnh rất dễ tái phát lại. Vậy các phụ huynh cần làm gì khi bé bị nổi mụn ở mi mắt?
1. Chắp mắt là gì?
Chắp mắt là tình trạng bé bị nổi mụn ở mi mắt gây đau, thường xuất hiện ở mí trên hoặc mí dưới của bé. Chắp mắt có thể xảy ra ở bên trong hoặc bên ngoài mí mắt và cũng có thể xuất hiện ở mép mí mắt hoặc trên lông mi của trẻ.
Ban đầu kích thước chắp rất nhỏ, chỉ khoảng bằng hạt cát và không gây đau. Khi dầu tích tụ trong mô ngày càng nhiều dẫn đến tắc nghẽn gây viêm, dấu hiệu chắp đã lớn dần và đau đớn sẽ xuất hiện.
Chắp mắt không phải là bệnh lý lây nhiễm như đau mắt đỏ, ban đầu phụ huynh có thể thấy trẻ đột nhiên chảy nước mắt nhiều hơn và sau đó bé bị nổi mụn nước ở mi mắt. Tuy nhiên, cha mẹ cần cẩn thận trường hợp chắp mắt bị bội nhiễm, vi khuẩn xâm nhập khiến sưng viêm nặng hơn, kèm theo đau đớn và chảy mủ.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị chắp mắt
Chắp mắt thường bị nhẹ và sẽ tự biến mất trong một tuần. Nguyên nhân trẻ em hoặc trẻ sơ sinh bị nổi mụn ở mi mắt có thể là do:
- Trẻ bị nhiễm trùng tuyến dầu trong mi mắt.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus gây ra. Vi khuẩn này có nhiều ở mũi bé, có thể khi bé dụi mũi và sau đó dụi vào mắt thì cũng góp phần đưa vi khuẩn lên trên mi mắt.
Lưu ý: Nếu bé bị chắp mắt kéo dài hơn hai tuần, cha mẹ nên đưa bé đi bác sĩ để được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh diễn biến xấu.
3. Triệu chứng của chắp mắt ở trẻ
- Bệnh chắp mắt có thể khiến trẻ cảm thấy đau đớn, bỏng rát vì những vết chắp có thể chứa đầy mủ.
- Trẻ còn có thể cảm thấy bị cộm, khó chịu, vì vết chắp xuất hiện ở dưới mí mắt tạo cảm giác như có hạt bụi lẫn bên dưới mí.
- Đôi khi, cha mẹ sẽ thấy có chất lỏng màu trắng hoặc vàng chảy ra từ vết chắp của trẻ. Trong trường hợp này, cần vệ sinh cẩn thận tránh để chắp mắt bị bội nhiễm, hoặc vi khuẩn xâm nhập làm tình trạng sưng, viêm nặng hơn, có thể gây đau đớn và chảy mủ ở trẻ.
Lưu ý: Nếu trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị chắp mắt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay sau khi trẻ bị bệnh. Tránh để vết chắp lan rộng ra toàn bộ mi mắt trên hoặc mí mắt dưới, vì có thể biến thành viêm tế bào quanh ổ mắt trẻ và gây nguy hiểm cho thị lực của trẻ.
4. Cách điều trị chắp mắt ở trẻ em
Đa phần chắp mắt là lành tính, chỉ một số ít trường hợp bé bị nổi mụn ở mi mắt với kích thước quá lớn ảnh hưởng đến mắt hoặc nhiễm trùng cần đến bệnh viện để điều trị, nếu không các bác sĩ sẽ khuyên phụ huynh nên vệ sinh và theo dõi để chắp tự biến mất. Thường chắp sẽ biết mất và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau vài tuần hoặc muộn hơn là vài tháng.
Tuy nhiên nếu được điều trị, chắp mắt sẽ bớt sưng hơn và khỏi nhanh hơn. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc khi trẻ bị chắp.
- Chườm ấm cho mắt trẻ
Phụ huynh có thể lấy một chiếc khăn mỏng nhúng vào nước ấm sau đó vắt khô đi một chút và áp lên mi mắt bé. Có thể làm 3 lần một ngày, mỗi lần trong 10 phút cho đến khi chắp mắt giảm kích thước rồi biến mất hoàn toàn.
Lưu ý, chỉ dùng nước ấm không được dùng nước nóng vì có thể làm bỏng trẻ, trong quá trình này, khăn ấm có thể bị nguội nên cần liên tục làm ướt khăn để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
- Xoa bóp mắt cho trẻ
Cha mẹ có thể xoa mắt cho trẻ trước khi đi ngủ hoặc sau khi chườm ấm sẽ giúp làm thông ống dẫn bị tắc, từ đó chắp sẽ tự giảm. Chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng ở khu vực xung quanh chắp, không cố gắng ấn, bóp chắp gây đau đớn cho trẻ cũng như làm tăng nguy cơ tổn thương và nhiễm trùng.
- Dùng thuốc
Bác sĩ có thể gợi ý bạn sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt sát khuẩn, thuốc mỡ kháng sinh bôi trực tiếp lên mép mi mắt để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
Nếu những việc này được thực hiện liên tục trong nhiều tuần nhưng chắp mắt vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ điều trị. Hầu hết trường hợp chắp mắt không tự lặn trẻ sẽ được chỉ định tiêm steroid, có tác dụng giảm viêm làm xẹp khối u sau một hai tuần.
Nếu cách tiêm steroid vẫn không hiệu quả, có thể dùng phẫu thuật để loại bỏ chắp mắt. Song các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc phẫu thuật mắt ở trẻ em, bởi nguy cơ biến chứng rất cao và gây đau đớn nặng nề cho trẻ.
5. Biện pháp phòng ngừa chắp mắt cho trẻ
- Nếu bé chỉ bị một bên mắt, không dùng chung khăn đã lau mắt bị bệnh cho bên mắt còn lại vì vi khuẩn có thể theo đó lây lan từ mắt này sang mắt khác. Không nên dùng chung khăn với trẻ bị bệnh.
- Cha mẹ hãy nhớ rửa tay thật kỹ trước và sau khi chạm vào mắt của trẻ.
- Để bảo vệ mắt khỏi nguy cơ nhiễm trùng chắp mắt nói riêng và nhiễm trùng mắt nói chung, bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo nên thực hiện chế độ rửa mắt bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0.9% cho bé 1 lần/ngày.
- Nếu trẻ đi học nên lưu ý người trông trẻ không dùng chung khăn với người khác, nhắc trẻ nên thường xuyên rửa tay trong ngày.
Chắp mắt có thể tự khỏi, tuy nhiên, để tránh chắp mắt ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt là nguy cơ bội nhiễm gây đau đớn, thậm chí hỏng mắt, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám và điều trị sớm. Bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra tình trạng mắt cho trẻ và điều trị hoặc theo dõi ngăn ngừa nhiễm trùng nghiêm trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.