Các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Ngoại thần kinh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tai biến mạch máu não là bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu, chỉ sau ung thư và tim mạch. Người bệnh cũng có thể gặp phải các di chứng sau đột quỵ nặng nề như tàn tật suốt đời.

1. Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não hay thường được gọi là đột quỵ não, xảy ra thường do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn dẫn đến nhiều biến chứng hoặc thậm chí có thể tử vong.

Tùy vào phần não bị tổn thương mà những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não sẽ gặp những biến chứng khác nhau, trong đó những biến chứng thường gặp là:

  • Tê liệt tay, chân, nửa người hoặc toàn thân, biến chứng này có thể khắc phục bằng việc thực hiện vật lý trị liệu.
  • Méo miệng do liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh tai biến gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống
  • Mất trí, trí nhớ kém.
  • Mất khả năng tự chăm sóc bản thân.
  • Tử vong

Tai biến mạch máu não được chia làm hai loại chính là nhồi máu nãoxuất huyết nhu mô não, chảy máu khoang dưới dưới nhện.


Tai biến mạch máu não được chia làm hai loại chính là nhồi máu não và xuất huyết não
Tai biến mạch máu não được chia làm hai loại chính là nhồi máu não và xuất huyết não

2. Các dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não có thể gây nhiều triệu chứng như: nhức đầu, rối loạn ý thức... nhưng chúng ta chỉ cần nhớ ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90-95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T:

  • Liệt mặt (Face): Miệng người bệnh sẽ bị lệch sang một bên.
  • Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Người bệnh không thể cầm, nắm hay đi lại khó khăn
  • Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Khó nói, không nói được hoặc lời nói không rõ...

Nếu có cùng lúc 3 dấu hiệu trên, nguy cơ rất cao bệnh nhân bị đột quỵ nên cần khẩn trương nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể để tận dụng thời điểm vàng cứu sống bệnh nhân.

3. Nguy cơ gây tai biến mạch máu não

3.1 Nguy cơ không thế tác động được

  • Tuổi, đa số gặp trên 45 tuổi
  • Giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ)
  • Chủng tộc
  • Di truyền

Những yếu tố này không thể tác động đến nhưng sự xuất hiện của nó đặt những đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao, do đó cần phát hiện sớm và giải quyết các yếu tố nguy cơ khác mà ta có thể tác động được.

3.2 Yếu tố nguy cơ có thể tác động được

  • Tăng huyết áp động mạch: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với tất cả các loại tai biến mạch máu não. Khi huyết áp tăng cao, dễ gây tổn thương nội mạc thành mạch. Kiểm soát tăng huyết áp tâm trương và tăng huyết áp tâm thu sẽ làm giảm tai biến mạch máu não.
  • Đái tháo đường: Đái tháo đường gây tổn thương có hệ thống toàn bộ hệ thống động mạch, trong đó có động mạch ở não. Đái tháo đường làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ não từ 2-6,5 lần, tăng tỷ lệ tử vong lên 2 lần và là yếu tố nguy cơ đặc biệt gây ra các biến cố tim mạch và đột quỵ não.
  • Các bệnh tim: Nhiều bệnh tim có thể tăng nguy cơ tai biến mạch máu não như: rung nhĩ, viêm màng trong tim, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim diện rộng, thông liên nhĩ, phình thành nhĩ trái...
  • Tăng lipid máu: Khi hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid “ngấm” vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch.

Hút thuốc lá, nghiện rượu bia: Thuốc lá làm giảm nồng độ HDL trong máu, gây tổn thương tế bào nội mạc của các động mạch, tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch phát triển.


Hút thuốc lá có thể tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch phát triển
Hút thuốc lá có thể tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch phát triển

  • Tai biến thiếu máu não thoáng qua: Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua biểu hiện bằng những triệu chứng thiếu máu não ngắn tự hồi phục trong vòng 1 giờ. Các cơn này tự qua đi không cần điều trị. Sau một thời gian các cơn này lại tái lại. Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ não thực thụ. Do đó những người có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cần nhanh chóng đi khám để được điều trị dự phòng.
  • Tiền sử đột quỵ cũ: Bệnh nhân có tiền sử đột quỵ cũ có nhiều nguy cơ tái phát.
  • Béo phì: Béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và tăng glucose máu. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.
  • Phình động mạch não: Phình động mạch não là nguyên nhân tương đối phổ biến gây đột quỵ chảy máu não ở người trẻ tuổi. Phình động mạch rất dễ vỡ, khi vỡ túi phình động mạch ở não gây ra chảy máu khoang dưới nhện của nhu mô não . Khoảng 10% bệnh nhân vỡ phình động mạch não tử vong trước khi đến viện. Phình động mạch thường diễn biến âm thầm, không triệu chứng. Dấu hiệu cảnh báo biểu hiện bằng đau đầu đột ngột, dữ dội, đau sau cổ, cứng gáy...
  • Dị dạng động – tĩnh mạch não: Dị dạng động tĩnh mạch não là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não. Ở vị trí dị dạng, mạch máu dị dạng có hình dạng và cấu trúc bất thường, rất dễ bị vỡ ra gây chảy máu nhu mô não hoặc khoang dưới nhện. Đa số bệnh nhân có dị dạng động tĩnh mạch não có diễn biến âm thầm. Một tỷ lệ nhỏ bị đau đầu kéo dài, co giật động kinh...

Dị dạng mạch não rất dễ bị vỡ ra gây chảy máu não
Dị dạng mạch não rất dễ bị vỡ ra gây chảy máu não

3.3 Các yếu tố nguy cơ khác

  • Ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn không hợp lý, hoạt động thể lực quá mức, bị stress tâm lý, các cơn nghiện cấp tính.
  • Đông máu: Các yếu tố đông máu liên quan tới tỷ lệ bệnh tim mạch nói chung, trong một nghiên cứu Wilhelmsen nhận thấy mối liên quan giữa tăng Fibrinogen với tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não ở nam giới trên 54 tuổi.
  • Homocysteine: Đây là sản phẩm chuyển hoá của axit amin methionine liên quan tới vitamin B6, vitamin B12 và axit Folic.
  • Sử dụng thuốc phiện và các dẫn chất của nó: Tất cả những lạm dụng thuốc có chứa Cocain, Heroin, Amphetamin, LSD, đều làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ. Tai biến này có thể xảy ra ngay sau lần dùng đầu tiên do ngộ độc cấp hoặc xảy ra do ngộ độc mãn. Triệu chứng lâm sàng về thần kinh thường xuất hiện trong 48 giờ đầu sau dùng thuốc, tai biến có thể là thiếu máu não hoặc chảy máu não.
  • Dùng thuốc tránh thai chứa nhiều oestrogen: Nếu liều dùng Oestrogen > 50 microgram thì có nguy cơ đột quỵ thiếu máu não cao hơn liều thấp. Cơ chế do rối loạn đông máu, tăng kết dính tiểu cầu và hoạt hóa enzym chuyển đổi prothrombin, gây rối loạn tổng hợp prostacyclin và viêm nội mạc các mạch máu đường kính nhỏ và vừa.
  • Migraine: Migraine và đau đầu nhiều có thể là một yếu tố nguy cơ đột quỵ cho cả nam và nữ, đặc biệt xảy ra trước 50 tuổi. Theo đó, có khoảng 2-3% đột quỵ thiếu máu não xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử đau đầu migraine. Ở bệnh nhân dưới 45 tuổi, khoảng 15% người bị đột quỵ có tiền sử migraine hoặc migraine có tiền triệu.
  • Bệnh tế bào Sickle: Những người có bệnh tế bào sickle thì nguy cơ đột quỵ ở tuổi trẻ cao.
  • Phụ nữ mang thai: Mặc dù có rất ít trường hợp, nhưng hầu hết là ở những phụ nữ có tăng huyết áp và nguy cơ cao hơn ở giai đoạn hậu sản.
  • Trầm cảm: Một vài nghiên cứu cho thấy trầm cảm có thể là nguyên nhân gây tai biến đột quỵ.

Các thuốc kháng viêm NSAIDS: ibuprofen và diclofenac có thể tăng nguy cơ đột quỵ của đột quỵ, đặc biệt ở những bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ đột quỵ khác.


Migraine và đau đầu nhiều có thể là một yếu tố nguy cơ đột quỵ
Migraine và đau đầu nhiều có thể là một yếu tố nguy cơ đột quỵ

4. Phòng ngừa tai biến mạch máu não

  • Điều trị các nguyên nhân tai biến: Việc hiểu rõ các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não là một căn cứ để phòng ngừa tai biến mạch máu não. Do vậy, những người bị đái tháo đường; Tăng huyết áp; Bệnh tim mạch; Rối loạn mỡ máu cần điều trị để phòng ngừa tai biến.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực như: Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích. Tránh tình trạng béo phì bằng cách tập thể dục hàng ngày. Tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài. Chế độ ăn lành mạnh, nên có nhiều rau, hoa quả; hạn chế ăn quá mặn, quá nhiều mỡ động vật.
  • Tái khám định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).\

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang sở hữu Hệ thống chụp MRI 3.0 Tesla được trang bị tối tân bởi hãng GE Healthcare (Mỹ) với chất lượng hình ảnh cao, cho phép đánh giá toàn diện, không bỏ sót tổn thương mà lại giảm được thời gian chụp. Công nghệ Silent giúp hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.Với hệ thống MRI tối tân và áp dụng các phương pháp can thiệp mạch não hiện đại, đội ngũ chuyên gia chẩn đoán hình ảnh và thần kinh giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, Vinmec là địa chỉ khám, tầm soát nguy cơ đột quỵ uy tín được khách hàng tin cậy.

Trong thời gian qua; Vinmec đã cấp cứu, điều trị kịp thời thành công nhiều trường hợp đột quỵ, không để lại di chứng: Cứu sống người bệnh bị 2 lần đột quỵ não liên tiếp; Ứng cứu nữ du khách nước ngoài thoát khỏi “cửa tử” đột quỵ;...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe