Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán & điều trị các bệnh lý Nhi khoa; từng có thời gian công tác tại khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Phụ Sản Nhi Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhi, hồi sức, cấp cứu nhi.
Sặc sữa lên mũi là một tai biến vô cùng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Trẻ bị sặc sữa lên mũi khá phổ biến và có thể gây tử vong nếu không được xử trí nhanh chóng, kịp thời. Vậy những yếu tố nào dễ gây sặc sữa lên mũi ở trẻ sơ sinh?
1. Những nguyên nhân dễ gây sặc sữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị sặc sữa có thể bắt nguồn những yếu tố sau:
- Cho trẻ bú bình nhưng núm vú để xa, miệng trẻ ngậm không kín, bình sữa dốc không đủ cao. Hậu quả là trẻ nuốt nhiều hơi khi bú, dẫn đến chướng bụng, nôn sau bú.
- Lỗ thông đục ở đầu vú cao su to quá, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp
- Ép trẻ bú quá nhiều, dẫn đến trớ sữa. Có khi cha mẹ bóp mũi cho trẻ há miệng ra để đổ sữa, bột vào, làm bé sặc sữa lên mũi.
- Trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ: Nhiều mẹ có thói quen cho bé nằm bú bình, trẻ vừa ăn vừa ngủ. Tuy nhiên trong lúc bú rất có thể bé sẽ ngủ quên, miệng ngậm núm vú vẫn chảy nhưng không hề nuốt. Khi thở mạnh bé vô tình hít sữa lên mũi vào khí quản, phế quản, dẫn đến tình trạng sặc sữa lên mũi, khó thở.
- Đặt trẻ nằm ngay sau lúc bú: Trẻ sơ sinh đang bú hoặc sau khi bú thường chìm vào giấc ngủ luôn. Nhiều mẹ thấy vậy thường đặt bé nằm ngủ cố định ở tư thế ngửa đầu. Điều này rất nguy hiểm vì mới ăn no nên khả năng sặc sữa lên mũi rất cao, thêm việc không thể tự xoay đầu khiến bé không thể tự thoát khỏi cơn ngạt, khó thở.
- Không theo dõi trẻ thường xuyên sau bú (nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do sặc mà cha mẹ vẫn không biết).
- Trẻ 3 - 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết nói chuyện, nên người vừa cho bú vừa nói chuyện, trẻ mải hóng chuyện, ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt, lúc thích chí, trẻ toét miệng cười, sữa tràn vào khí quản gây sặc sữa lên mũi.
Khi trẻ sặc, sữa đi vào đường hô hấp, gây ngạt thở, dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng như tổn thương não (xuất huyết, chết não...), ngừng tim, viêm phổi (do khi hít phải thức ăn, vi trùng đường ruột được đưa lên phổi)...
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Xử trí sặc sữa lên mũi
Cách xử lý khi trẻ bị sặc sữa lên mũi chính xác bà mẹ cần phải được thực hiện theo những bước sau. Lưu ý nếu sau mỗi bước mà bé đã thở ổn định bình thường thì không cần làm các bước tiếp theo.
Bước 1: Để bé ngồi dậy
Khi bé có dấu hiệu bị sặc sữa lên mũi, mẹ cần thực hiện sơ cấp cứu cơ bản ngay lập tức.
Khi bị sặc sữa, bạn nên cho bé ngồi dậy thẳng lên, để bé ho và phun sữa ra. Trẻ vẫn ho thì tức là đường thở chỉ bị tắc chút xíu.
Lau sạch sữa ở miệng, mũi và các bộ phận khác.
Bước 2: Hút sữa
Nếu trẻ khó thở, da trở nên tím tái hơn, bạn cần phải hút sữa từ mũi và miệng ngay lập tức. Đây là bước sơ cứu đầu tiên trong khi đợi xe cấp cứu.
Dùng miệng của mình hút sữa ngay lập tức, càng nhanh và mạnh. Sau đó kích thích để trẻ thở ra được bằng cách nhéo một cái.
Bước 3: Dốc ngược lên và vỗ nhẹ
Sau khi thực hiện đến bước thứ 3 mà trẻ vẫn có biểu hiện khó thở, da tím tái thì bạn hãy dốc ngược bé lên.
Đặt bé nằm úp lên cánh tay của bạn, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng, 5 cái một. Lật bé trở lại để đánh giá xem trẻ đã ọc sữa ra hết chưa và đã hít thở lại bình thường chưa.
Bước 4: Ấn ngực
Nếu đến bước 3 rồi bé vẫn không có dấu hiệu thở thì bạn cần thực hiện cách sơ cứu khác.
Bằng cách đặt bé nằm ngửa ra, một tay giữ đầu, một tay ấn nhẹ vào ngực của bé để bé hít thở.
Bước 5: Đưa đi cấp cứu
Nếu trong trường hợp trẻ vẫn chưa thở được hãy thực hiện lại từ bước 2, 3, 4 trong quá trình đưa bé đi cấp cứu.
3. Chống sặc sữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị sặc sữa lên mũi là hiện tượng thường gặp, tuy nhiên nếu như mẹ biết cách chăm sóc và cho con bú thì bé sẽ không mắc phải điều này.
- Tuyệt đối mẹ không nên để bé vừa bú vừa ngủ. Hơn nữa, khi cho con bú mẹ cũng không nên cười đùa với bé, điều này sẽ khiến bé dễ cười dẫn tới sặc sữa.
- Khi cho trẻ bú nên ngồi ở nơi yên tĩnh, bạn cũng đừng vui đùa khi trẻ bú để tránh cho trẻ bị phân tâm.
- Cho bú ở tư thế đầu cao (bế, hoặc đặt trẻ vào loại ghế nửa nằm nửa ngồi). Tránh để trẻ nằm thẳng đầu. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, phải lấy đàm trong mũi, miệng ra trước khi cho bú.
- Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày. Với những trẻ bú bình, hãy lựa chọn bình sữa với lỗ ở núm vú bình thường, không quá to, điều này giúp sữa chảy xuống nhẹ nhàng bé sẽ không bị sặc sữa lên mũi.
- Khi cho bé bú bình hãy nhớ nghiêng bình sữa 45 độ để sữa chảy xuống đầy lỗ trong núm vú, bé sẽ không phải mút nhiều khiến không khí vào dễ xảy ra tình trạng sặc sữa lên mũi hoặc nôn sau khi bú.
- Đối với trẻ bị viêm đường hô hấp trên, phải cho bú từ từ (không đục lỗ quá to ở núm vú cao su), nếu trẻ nuốt sữa không kịp thì phải cho ngừng ngay.
- Sau khi cho bú, phải bế trẻ đứng tối thiểu 15 phút và vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi.
- Không để trẻ nằm sấp hoặc mặt quay vào tường. Thường xuyên theo dõi giấc ngủ của trẻ.
- Không cho trẻ nằm trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh để tránh rối loạn nhịp thở.
Trường hợp trẻ bị bệnh tim hoặc viêm phổi quá nặng, cần hỏi kỹ bác sĩ về việc cho cho con bú đúng cách. Nếu bạn vẫn đang mơ hồ chưa biết phải chăm sóc bé như thế nào khi trẻ sinh non, bệnh tim, viêm phổi nặng thì bạn nên đến gặp các bác sĩ Nhi để được tư vấn chi tiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.