Chứng mất trí nhớ thường xảy ra ở những người có tuổi tác cao, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm đột quỵ, chấn thương sọ não hoặc suy giảm trí tuệ. Chứng bệnh này cũng gây ra một số vấn đề về khả năng nhận thức, chẳng hạn như ghi nhớ, suy luận, phán đoán, hay sử dụng ngôn ngữ.
1. Chứng mất trí nhớ là gì?
Hội chứng mất trí nhớ là một tình trạng có liên quan đến sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng ghi nhớ cũng như nhận thức, bao gồm trí nhớ, sự chú ý, lý luận logic, ngôn ngữ và kỹ năng giải quyết các vấn đề mang tính chất xã hội hoặc nghề nghiệp.
Mất trí nhớ là một biểu hiện nặng hơn của mất ký ức, nó có thể xuất phát từ các tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như đột quỵ, suy giảm trí tuệ và chấn thương sọ não. Những người mắc hội chứng này thường bị mất một phần hoặc toàn bộ trí nhớ, tùy theo mức độ tổn thương. Ngoài ra, mất trí nhớ có thể là mất tạm thời hoặc một số trường hợp sẽ mất vĩnh viễn.
Theo nghiên cứu cho biết, chứng mất trí nhớ thường ảnh hưởng nhiều đến những người trưởng thành có độ tuổi từ 60 trở lên. Các nhà khoa học cũng ước tính rằng, tần suất của hội chứng mất trí nhớ ở những người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi cứ sau 5 năm.
2. Nguyên nhân gây chứng mất trí nhớ
Thực tế, chứng mất trí nhớ sẽ xuất hiện với tần suất tăng dần theo độ tuổi. Một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là căn bệnh Alzheimer- một dạng sa sút trí tuệ thường gặp nhất. Ngoài ra, một số tác nhân khác, bao gồm:
- Mất trí nhớ thể Lewy
- Sa sút trí tuệ do mạch máu
- Bệnh Parkinson
- Bệnh sa sút trí tuệ tiền đình - thái dương
- Các vấn đề về tuyến giáp
- Ngộ độc thuốc
- Thiếu Thiamin
- Chứng nghiện rượu
- Chấn thương não
- Nhiễm trùng não: như viêm màng não và giang mai
- Đột quỵ
- Đa xơ cứng
- Nhiễm HIV
- Tràn dịch não
- Khối u não
- Bệnh Pick
3. Chẩn đoán chứng mất trí nhớ
Trong chẩn đoán hội chứng mất trí nhớ, bác sĩ sẽ dựa trên một số tiêu chí nhất định, bao gồm suy giảm sự chú ý, trí nhớ, định hướng, ngôn ngữ, khả năng phán đoán, kỹ năng vận động, xác định không gian và các chức năng khác.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét về bệnh sử của bệnh nhân và thực hiện kiểm tra thể chất. Một số xét nghiệm được áp dụng trong việc chẩn đoán chứng mất trí nhớ, bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu
- Chụp X-quang ngực
- Quét não (CT hoặc MRI)
- Điện não đồ (EEG)
- Chọc dò tủy sống giúp phân tích dịch tủy sống
Thực hiện chẩn đoán càng sớm thì khả năng cải thiện chứng mất trí nhớ càng cao, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
4. Điều trị chứng mất trí nhớ
Điều trị chứng mất trí nhớ thường hướng đến việc kiểm soát các triệu chứng và xác định nguyên nhân gây bệnh.
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho chứng mất trí nhớ, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể cải thiện được chứng bệnh này thông qua một số cách sau:
Sử dụng thuốc ức chế acetylcholinesterase: chẳng hạn như donepezil và galantamine. Các loại thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình thay đổi nhận thức ở những người bị chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc chỉ ở mức khiêm tốn và không thể ngăn chặn tình trạng bệnh trở nên xấu đi. Vì vậy, bệnh nhân vẫn phải tìm đến sự hỗ trợ của những phương pháp khác.
Đối với những người mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff, xảy ra do cơ thể thiếu hụt Thiamin (vitamin B1), cần được điều trị bằng cách điều chỉnh lượng vitamin cũng như chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Ngoài ra, thiếu Thiamin có liên quan đến sự quá mức của lượng cồn trong cơ thể, vì vậy, để kiểm soát được chứng mất trí nhớ, bạn nên cố gắng đào thải chúng ra bên ngoài.
Thêm vào đó, các yếu tố như sự kích động hoặc những vấn đề về mặt cảm xúc cũng cần được kiểm soát. Đây là một phần quan trọng trong quá trình điều trị chứng mất trí nhớ. Để làm được điều này, bạn nên tham gia vào các hoạt động tập thể nhiều hơn, thường xuyên giao lưu với bạn bè, rèn luyện thể chất để tăng cường sức khỏe và thư giãn tâm hồn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm đến các chuyên gia trị liệu để được hướng dẫn và cải thiện khả năng ghi nhớ của mình. Việc điều trị có thể bao gồm sử dụng âm thanh, hình ảnh hoặc mùi hương quen thuộc để khơi gợi và kích hoạt trí nhớ của bạn.
Nếu bạn thường xuyên quên mất các cuộc hẹn, ngày tháng hay giờ uống thuốc; bạn nên thiết lập các cài đặt nhắc nhở trên điện thoại, máy tính hoặc ghi chú vào giấy để giúp bản thân không bị bỏ lỡ những lịch trình quan trọng. Đây cũng là một cách rất hữu ích giúp xác định và ghi nhớ các hoạt động trong một ngày của bạn.
Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng trong quá trình điều trị chứng mất trí nhớ, đó là việc thay đổi lối sống. Điều này bao gồm:
- Áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh: bổ sung nhiều vitamin, các loại rau xanh, hoa quả, hạn chế các chất béo, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, hoặc thiền định.
- Giữ phòng ốc luôn gọn gàng, sạch sẽ, tránh bừa bộn khiến việc ghi nhớ bị ảnh hưởng.
- Lên danh sách những việc cần làm trong một ngày
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com