Các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh lao được gây ra bởi vi khuẩn là Mycobacterium tuberculosis là bệnh truyền nhiễm gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm. Việc chẩn đoán bệnh lao ngoài dựa vào các triệu chứng điển hình của bệnh thì xét nghiệm tìm vi khuẩn lao đóng vai trò quyết định.

1. Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao ở đâu?

Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao có thể sử dụng các mẫu bệnh phẩm từ đờm, dịch hút phế quản hoặc dịch dạ dày của người bệnh để làm các xét nghiệm vi sinh tìm vi khuẩn. Kỹ thuật lấy đàm ảnh hưởng rất lớn tới độ chính xác của xét nghiệm bệnh lao, cách lấy đờm bệnh phẩm như sau:

  • Vào ngày trước khi lấy đàm, bệnh nhân cần uống nhiều nước và có thể uống thuốc long đờm nếu cần.
  • Buổi sáng làm xét nghiệm vi khuẩn lao khi thức dậy, người bệnh không được dùng chất sát trùng, dung dịch súc miệng hoặc vệ sinh răng miệng, không được ăn uống (có thể uống nước lọc).
  • Hít thở 2 lần thật sâu: Lần đầu khoảng 5 giây và thở ra chậm, lần thứ 2 hít thật sâu và ho mạnh cho đến khi có đờm trong miệng, khi ho luôn che miệng bằng khăn giấy.
  • Cố gắng lấy đàm, tránh chỉ lấy nước bọt đơn thuần, nếu bệnh nhân xét nghiệm chẩn đoán lao phổi, lao màng bụng, lao hạch...không thể khạc đàm, có thể cho uống thuốc long đờm hoặc khí dung nước muối sinh lý ưu trương và vỗ rung để dễ khạc hơn.

Bệnh lao được gây ra bởi vi khuẩn là Mycobacterium tuberculosis
Bệnh lao được gây ra bởi vi khuẩn là Mycobacterium tuberculosis

2. Các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao

Một số các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao cần thực hiện bao gồm:

Kỹ thuật soi trực tiếp

Đây là kỹ thuật vi sinh chỉ cho phép phát hiện vi khuẩn kháng acid (AFB) chứ không hoàn toàn là vi khuẩn lao.

  • Ưu điểm: Kỹ thuật này là dễ thực hiện, cho kết quả nhanh và chi phí thấp cũng như có thể thực hiện ở bất cứ đâu.
  • Nhược điểm: Độ nhạy của phương pháp này khá thấp, chỉ đạt 30-40% khi soi chỉ 1 mẫu bệnh phẩm và 65-75% khi đối chiếu nhiều mẫu bệnh phẩm.

Kết quả chỉ dương tính khi số lượng vi khuẩn lao trong bệnh phẩm đạt trên 10000 vi khuẩn/ml. Vì vậy để tăng số lượng vi khuẩn trong bệnh phẩm có thể dùng phương pháp thuần nhất đờm là làm loãng đờm bằng NaOH rồi ly tâm lấy cặn, nhuộm Niehl-Neelsen.

Kết quả sai sót trong phương pháp này có thể là do những vật phẩm bắt màu giống AFB khiến xảy ra sai số hoặc bệnh phẩm lây nhiễm vi khuẩn từ dụng cụ xét nghiệm vi khuẩn lao, phương pháp lấy bệnh phẩm và lưu trữ không đúng.

Phương pháp nuôi cấy

Đây là kỹ thuật giúp chắc chắn xác định vi khuẩn lao với các đặc điểm sau:

  • Ưu điểm: Phân lập và định danh được vi khuẩn lao cũng như làm kháng sinh đồ với các thuốc điều trị bệnh lao.
  • Nhược điểm: Thời gian có kết quả khá lâu và đắt tiền, đòi hỏi cở thực hiện phải có các trang thiết bị hiện đại hơn. Việc nuôi cấy cũng được thực hiện trên những môi trường khác nhau tùy thuộc vào mục đích của xét nghiệm
  • Nuôi cấy trong môi trường đặc

Là những môi trường giàu dinh dưỡng như Ogawa, Dubos, phổ biến nhất là Lowenstein Jensen. Thời gian vi khuẩn lao mọc khoảng 3-6 tuần và kết luận âm tính khi sau 2 tháng không có biểu hiện mọc của vi khuẩn.

Nuôi cấy trong môi trường lỏng

Là những môi trường được ứng dụng trong thời gian gần đây vì cho kết quả nhanh hơn (khoảng 2 tuần) nhưng đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền và hiện đại hơn. Các môi trường có thể là hệ thống BACTEC TB 460 hoặc MGIT

Kỹ thuật sinh học phân tử

Là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay trong việc chẩn đoán lao, gồm các kỹ thuật như sau:

  • Phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Xét nghiệm PCR có ưu điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, kết quả nhanh chỉ trong 2 ngày và chẩn đoán bệnh lao cả kháng thuốc nhanh, thực hiện được trên các mẫu bệnh phẩm đa dạng như đờm, dịch phế quản, dịch màng phổi, dịch não tủy. Tuy nhiên thì giá thành của xét nghiệm này khá đắt đỏ, đòi hỏi trang thiết bị phức tạp và không phân biệt được vi khuẩn lao sống hay chết nên dễ có dương tính sai, cần phải đối chiếu với cả X-quang và lâm sàng để xác định bệnh.
  • Xét nghiệm Xpert-MTB: Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao cũng như kết quả nhanh, đồng thời còn xác định nhanh kháng rifampicin và không phản ứng chéo với các mycobacteria khác.

Việc chẩn đoán bệnh lao ngoài dựa vào các triệu chứng điển hình của bệnh thì xét nghiệm tìm vi khuẩn lao đóng vai trò quyết định
Việc chẩn đoán bệnh lao ngoài dựa vào các triệu chứng điển hình của bệnh thì xét nghiệm tìm vi khuẩn lao đóng vai trò quyết định

3. Các xét nghiệm miễn dịch

Trong khi các xét nghiệm vi sinh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao nhờ phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn lao thì các xét nghiệm miễn dịch sau sẽ giúp định hướng sớm tình trạng nhiễm lao của người mắc lao tiềm ẩn.

3.1 Phản ứng Mantoux

Có ý nghĩa đánh giá tình trạng nhiễm lao và định hướng để chẩn đoán bệnh lao.

  • Nguyên lý: Xét nghiệm này dùng tuberculin để tiêm trong gia nhằm kiểm tra tình trạng mẫn cảm của tế bào lympho với trực khuẩn lao. 48-72h sau tiêm các lympho đã mẫn cảm sẽ bị hoạt hóa tạo ra phản ứng tăng mẫn cảm.

Kết quả sẽ dựa vào đường kính quầng phản ứng tại chỗ tiêm, dương tính trong các trường hợp sau:

  • Lớn hơn 5mm ở người mắc HIV, người mới tiếp xúc với bệnh nhân lao và người lao phổi cũ dùng corticoid kéo dài.
  • Lớn hơn 10mm ở người mới nhập cư từ vùng có tỉ lệ bệnh lưu hành cao, người đái tháo đường, suy thận mạn, cắt đoạn dạ dày.
  • Lớn hơn 15mm ở người không có yếu tố nguy cơ cao.

3.2 Xét nghiệm QuantiFERON-TB (QFT)

Có giá trị xác định lao hoạt động, chẩn đoán phân biệt giữa nhiễm lao và tiêm chủng BCG cũng như dự báo sự tái hoạt động trở lại của bệnh lao trong cá thể tiềm tàng, giúp theo dõi điều trị

  • Nguyên lý là xét nghiệm định lượng interferon-g tiết ra ở tế bào lympho sau khi ủ qua đêm với PPD
  • Ưu điểm của xét nghiệm là cho kết quả nhanh trong ngày, bệnh nhân chỉ cần tới 1 lần và có độ nhạy, độ đặc hiệu cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe