Các xét nghiệm sinh sản cho phụ nữ: Pap Smear, Xét nghiệm rụng trứng và nhiều hơn nữa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Các xét nghiệm sinh sản cho phụ nữ được bác sĩ chỉ định để tìm ra nguyên nhân gây vô sinh ở nữ. Khả năng sinh sản của nữ giới sẽ giảm theo thời gian, do đó thực hiện các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân để điều trị sớm là vô cùng cần thiết.

1. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm sinh sản cho phụ nữ?

Nếu hai vợ chồng đã cố gắng trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa có con, các bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu về sản khoa để được làm các xét nghiệm sinh sản cho phụ nữ và nam giới. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu người vợ dưới 35 tuổi, hai vợ chồng nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản nếu quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai trong 12 tháng mà chưa có thai. Nếu người vợ trên 35 tuổi, nên kiểm tra sau 6 tháng chưa có thai. Cần đi khám sớm hơn, nếu các bạn lo lắng về khả năng sinh sản như vợ hoặc chồng đã từng điều trị ung thư hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục,...

Theo đó, hai vợ chồng cần phải đi khám cùng nhau. Bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi về sức khỏe và lối sống của hai vợ chồng như:

  • Đã từng điều trị bệnh dài hạn hay thực hiện phẫu thuật hay không? Có đang điều trị bằng loại thuốc nào hay không?
  • hút thuốc lá, uống rượu, thường xuyên sử dụng thức ăn hoặc đồ uống có caffein, có sử dụng các chất kích thích trái phép hay không?
  • Có sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất độc hại, chất phóng xạ?

Bác sĩ cũng sẽ hỏi những câu hỏi về đời sống tình dục của hai vợ chồng như: Tần suất quan hệ tình dục của hai vợ chồng; trước đây đã sử dụng những phương pháp tránh thai nào; có mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục; những khó khăn trong quá trình quan hệ tình dục...

Những câu hỏi dành riêng với người vợ như:

  • Đã từng có thai trước đây không? Có từng sẩy thai không
  • Các chu kỳ kinh nguyệt trong năm qua như thế nào, có đều hay không, có sự thay đổi trong lượng máu kinh hoặc xuất hiện cục máu đông; đã bao giờ đi khám bác sĩ về vô sinh và đã được điều trị chưa?

Các bạn có thể cảm thấy ngại ngùng khi trả lời các câu hỏi các hỏi về đời sống tình dục của mình, tuy nhiên việc trao đổi cởi mở và chính xác có vai trò rất quan trọng giúp bác sĩ đánh giá tổng quát ban đầu về tình trạng sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng.

Khả năng sinh sản của nữ giới sẽ giảm theo tuổi tác, do đó đi khám để điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Mặt khác, việc điều trị hiếm muộn có thể sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và vô cùng khó khăn, do đó hai vợ chồng cần phải cùng nhau cố gắng, hỗ trợ lẫn nhau. Không nên quá lo lắng, căng thẳng vì stress cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.


Khám sức khỏe sinh sản ở cả 2 vợ chồng rất cần thiết
Khám sức khỏe sinh sản ở cả 2 vợ chồng rất cần thiết

2. Các xét nghiệm sinh sản cho phụ nữ thường thực hiện

Một xét nghiệm riêng lẻ sẽ không thể đánh giá toàn diện, do đó bác sĩ sẽ chỉ định nhiều xét nghiệm khác nhau để tìm ra bất thường trong khả năng sinh sản ở phụ nữ. Các xét nghiệm thường được thực hiện là:

2.1. Pap smear

Xét nghiệm Pap smear là một xét nghiệm tế bào học. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ thu thập mẫu tế bào ở bề mặt cổ tử cung, sau đó phết và xem trực tiếp dưới kính hiển vi để tìm ra sự thay đổi, biến dạng bất thường của tế bào nếu có. Xét nghiệm Pap Smear giúp tầm soát phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung và các bệnh lý viêm nhiễm vùng tử cung. Các bệnh lý này có thể ảnh hưởng việc mang thai.

2.2. Xét nghiệm rụng trứng

Nếu hai vợ chồng quan hệ vào thời điểm rụng trứng thì khả năng mang thai sẽ cao hơn. Do đó, xác định thời điểm rụng trứng ở phụ nữ rất quan trọng. Có nhiều xét nghiệm rụng trứng bác sĩ có thể chỉ định thực hiện như:

  • Xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormon progesteron trong máu, nồng độ hormone tăng cho biết phụ nữ đang rụng trứng.
  • Thực hiện test nước tiểu tại nhà để phát hiện hormone Luteinizing (LH). Hormone này tăng cao ngay trước thời điểm rụng trứng.

Nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên sau khi rụng trứng nên kiểm tra thân nhiệt cơ thể vào mỗi buổi sáng cũng là một cách xác định thời điểm rụng trứng. Kiểm tra thân nhiệt liên tục trong một vài tháng, sẽ giúp xác định được thời điểm rụng trứng trong tháng.


Thực hiện test nước tiểu tại nhà là một cách xét nghiệm rụng trứng
Thực hiện test nước tiểu tại nhà là một cách xét nghiệm rụng trứng

2.3. Xét nghiệm hormon tuyến giáp

Rối loạn chức năng tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và mang thai, do đó xét nghiệm hormon tuyến giáp rất quan trọng để phát hiện nguyên nhân vô sinh từ tuyến giáp.

2.4. Xét nghiệm nội tiết

Các xét nghiệm nội tiết được thực hiện để đánh giá buồng trứng cũng như khả năng dự trữ noãn.

  • Xét nghiệm hormone FSH: FSH được giải phóng từ thùy trước tuyến yên trong não, giúp kích thích noãn bào phát triển. Phụ nữ khỏe mạnh bình thường có nồng độ FSH trong máu cao chứng minh sự trưởng thành của buồng trứng. Ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường có chỉ số FSH thấp, có nguy cơ vô sinh cao.
  • Xét nghiệm hormone AMH là một xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá buồng trứng. AMH là hormon được tiết trực tiếp từ các tế bào trong nang buồng trứng. Định lượng hormone AMH giúp cho biết số lượng noãn còn lại trong buồng trứng. Nếu hàm lượng AMH thấp thì khả năng vô sinh sẽ cao.
  • Xét nghiệm hormone Prolactin: được tiết ra từ thùy trước tuyến yên, Prolactin ức chế hormone FSH và hormone bài tiết gonadotropin (GnRH). Nếu nồng độ Prolactin trong máu cao không gây kích thích rụng trứng, gây tình trạng vô sinh.
  • Xét nghiệm hormone LH: Hormone LH có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chức năng của buồng trứng. Nếu nồng độ LH trong cơ thể cao bất thường, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh suy buồng trứng nguyên phát, nếu nồng độ LH thấp bất thường có thể là dấu hiệu của suy buồng trứng thứ phát.
  • Xét nghiệm hormone Estradiol: Estradiol là hormone do buồng trứng tiết ra. Định lượng hormon Estradiol được thực hiện cùng với nhiều xét nghiệm khác giúp đánh giá buồng trứng. Phụ nữ có thể mắc các bệnh lý buồng trứng, suy tuyến sinh dục khi xét nghiệm cho thấy chỉ số Estradiol cao hoặc thấp bất thường.

Chỉ số xét nghiệm hormone FSH thấp có nguy cơ vô sinh cao.
Chỉ số xét nghiệm hormone FSH thấp có nguy cơ vô sinh cao.

3. Đánh giá buồng trứng và các cơ quan sinh sản bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Ngoài thực hiện các xét nghiệm sinh sản cho phụ nữ thì để tìm ra nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bác sĩ cũng sẽ chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá buồng trứng và các cơ quan sinh sản như siêu âm, nội soi,... Siêu âm có thể phát hiện các bệnh lý tử cung gây cản trở quá trình mang thai như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung,u nang buồng trứng ...Siêu âm cũng có thể phát hiện dấu hiệu cho thấy ống dẫn trứng nối giữa buồng trứng và tử cung bị tắc nghẽn, ngăn chặn sự di chuyển của trứng, gây vô sinh.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tương phản (hysterosalpingo contrast ultrasonography) để kiểm tra chính xác hơn tình trạng ống dẫn trứng. Một chất lỏng đặc biệt được bơm vào tử cung thông qua một ống đặt vào cổ tử cung, siêu âm sẽ giúp xem xét sự di chuyển của chất lỏng khi đi chuyển qua ống dẫn trứng nhằm phát hiện sự tắc nghẽn hoặc các bất thường khác của ống dẫn trứng.

Nội soi thường được thực hiện khi kết quả siêu âm cho thấy có bất thường buồng tử cung, ống dẫn trứng, vòi trứng,... Nội soi vừa là phương pháp chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị vô sinh. Sau khi nội soi xác định chính xác các bất thường, bác sĩ có thể kết hợp phẫu thuật xử lý nguyên nhân đó ngay trong ca mổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe