Viêm gan B cấp tính nhìn chung vẫn biểu hiện lâm sàng như một tình trạng viêm gan do các nguyên nhân khác, chỉ có xét nghiệm sinh hóa, vi sinh mới biết tác nhân nào. Hiểu về các xét nghiệm dưới đây sẽ phần nào giúp nhận định kết quả bệnh lý cho chính mình.
1. Xét nghiệm HBsAg
HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, là dấu hiệu huyết thanh học đầu tiên xuất hiện trong nhiễm trùng cấp tính mới. Kháng nguyên này có thể xác định trong máu sớm nhất là 1 tuần và muộn nhất là 9 tuần, trung bình một tháng sau khi tiếp xúc lần đầu tiên với virus viêm gan B.
Kết quả xét nghiệm HBsAg "dương tính" hoặc "có phản ứng" có nghĩa là người đó bị nhiễm viêm gan B. Xét nghiệm này có thể phát hiện sự hiện diện thực sự của virus viêm gan B thông qua nhận diện protein bề mặt.
Theo đó, nếu một người kiểm tra HBsAg dương tính, cần làm thêm nhiều xét nghiệm tiếp theo để xác định xem đây có phải là một bệnh nhiễm trùng cấp tính mới hay không. Hơn thế nữa, kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính có nghĩa là bạn đã bị nhiễm bệnh và có thể truyền virus viêm gan B sang người khác qua máu và dịch tiết từ cơ thể mình.
2. Xét nghiệm Anti-HBs
Anti-HBs hoặc HBsAb là kháng thể chống lại kháng nguyên trên bề mặt virus viêm gan B.
Kết quả xét nghiệm anti-HBs (hoặc HBsAb) "dương tính" hoặc "có phản ứng" cho thấy một người đã được hệ miễn dịch bảo vệ chống lại virus viêm gan B và không thể bị nhiễm bệnh. Sự bảo vệ này có thể là kết quả của việc đã có tiêm vắc-xin viêm gan B từ trước hoặc may mắn đã phục hồi thành công sau khi bị nhiễm viêm gan B trong quá khứ. Không chỉ bạn không bị nhiễm bệnh và mà còn không thể lây bệnh viêm gan B cho người khác.
Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm anti-HBs "âm tính" cùng với HBsAg "dương tính", bạn hoàn toàn chưa từng nhiễm loại siêu vi này, tức khả năng mắc bệnh nếu có tiếp xúc là rất cao. Như vậy, việc chủ động tiêm phòng bằng vắc-xin là vô cùng cần thiết.
Như vậy, trong viêm gan B cấp tính, hệ thống miễn dịch không thể tạo thành kháng thể bảo vệ ngay trong giai đoạn này nên xét nghiệm Anti-HBs thường “âm tính”.
3. Xét nghiệm Anti-HBc
Anti-HBc hoặc HBcAb là kháng thể chống lại kháng nguyên là lõi của virus viêm gan B.
Kết quả xét nghiệm anti-HBc (hoặc HBcAb) "dương tính" hoặc "có phản ứng" cho thấy một người đã từng nhiễm trùng viêm gan B trong quá khứ hoặc hiện tại. Hệ quả là Anti-HBc sẽ không cho biết là tình trạng viêm gan hiện tại là cấp tính hay mạn tính. Tuy vậy, nếu có kết quả anti-HBc, người bệnh vẫn có thể được giả định hai trường hợp là đợt viêm gan này là một đợt cấp tính của viêm gan mạn hoặc của một đợt nhiễm cấp tính mới sau lần trước đã đào thải virus hoàn toàn. Chính vì thế, xét nghiệm này chỉ có thể được phân tích đầy đủ bằng cách dựa vào kết quả của hai xét nghiệm đầu tiên là HBsAg và anti-HBs.
Để khắc phục được tình trạng nêu trên, các máy xét nghiệm vi sinh hiện đại sau này đã có thể nhận diện rõ hơn về cấu trúc của anti-HBc để phân thành hai nhóm là IgM anti-HBc và IgG anti-HBc:
- IgM anti-HBc: kết quả xét nghiệm máu dương tính cho thấy một người bị nhiễm viêm gan B cấp tính mới. IgM anti-HBc thường được phát hiện tại thời điểm xuất hiện các triệu chứng và giảm xuống mức dưới mức có thể phát hiện được sau đợt cấp trong vòng 6 - 9 tháng. Cần lưu ý rằng nếu tình trạng viêm gan B cấp này là đợt bùng phát trong nhiễm HBV mạn tính đã lâu cũng có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm IgM dương tính.
- IgG anti-HBc: xét nghiệm này sẽ dương tính vô thời hạn như một dấu hiệu của việc đã từng nhiễm HBV trong quá khứ.
Bên cạnh đó, kháng thể lõi hoàn toàn không cung cấp bất kỳ sự bảo vệ nào chống lại virus viêm gan B, không giống như kháng thể bề mặt được mô tả ở trên. Chính vì vậy, xét nghiệm này chỉ có thể được phân tích đầy đủ bằng cách dựa vào kết quả của hai xét nghiệm đầu tiên là HBsAg và anti-HBs.
4. Xét nghiệm HBeAg
HBeAg là kháng nguyên vỏ của virus viêm gan B. Kháng nguyên này thường được phát hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính mới.
Kết quả xét nghiệm HBeAg "dương tính" hoặc "có phản ứng" cho thấy một người đã có sự hiện diện của virus viêm gan B cấp tính trong cơ thể và hiện đang phân chia rất mạnh. Theo đó, nếu định lượng tải lượng siêu vi bằng DNA HBV sẽ thấy kết quả rất cao, tỷ lệ thuận với khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Kết quả xét nghiệm HBeAg "âm tính" cho thấy hoặc hoàn toàn không nhiễm virus hay có thể đã nhiễm nhưng virus đang trong trạng thái “ngủ”, không tích cực sinh sản ở gan.
Tuy nhiên, về sau này, khi có sự ra đời của hàng loạt các thuốc diệt virus và đáp ứng lại bằng đề kháng thuốc, kết quả xét nghiệm HBeAg âm tính vẫn có thể được nhận định rằng đang mắc phải virus viêm gan B đột biến thành dòng khác và không nhận diện được. Vì vậy, bác sĩ sẽ cần đến việc chỉ định đo tải lượng siêu vi bằng DNA HBV để cho ra kết quả trực tiếp về tình trạng siêu vi trong máu.
5. Định lượng DNA của virus viêm gan B
Định lượng DNA của virus viêm gan B là xét nghiệm đo tải lượng của virus trong máu.
Nền tảng của xét nghiệm này là dựa trên kỹ thuật Phản ứng chuỗi polymerase (PCR), bằng cách cho bộ máy di truyền của virus nhân đôi trong môi trường nhân tạo, thông qua đó sẽ đếm số lượng nên cho kết quả rất tinh vi và chính xác.
Xét nghiệm này thông thường áp dụng trên các bệnh nhân nhiễm trùng mạn tính hơn là cấp tính. Tuy nhiên, đối với những đợt viêm gan B cấp tính có bản chất là các đợt bùng phát của viêm gan B mạn tính thì xét nghiệm này là cần thiết. Giá trị quan trọng nhất lúc này là để đánh giá hiệu quả điều trị thông qua sự sụt giảm tải lượng virus trong máu sau các mốc định kỳ điều trị thuốc kháng virus.
5. Các xét nghiệm máu đánh giá tình trạng gan
Virus viêm gan B có ái tính với nhu mô gan nên sẽ đặc biệt tấn công gan, nhất là trong giai đoạn cấp. Chính vì thế, trên các đối tượng bệnh nhân này, ngoài các xét nghiệm vi sinh bên trên, bác sĩ còn phải yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm máu để theo dõi sức khỏe của gan. Một số xét nghiệm máu liên quan đến gan phổ biến nhất trong giai đoạn viêm gan B cấp tính được mô tả dưới đây:
- ALT (alanine aminotransferase) hầu như chỉ được tìm thấy ở gan và được theo dõi chặt chẽ nhất trong trường hợp nhiễm viêm gan B. Giới hạn trên của bình thường đối với ALT ở người trưởng thành khỏe mạnh là 35 U/L đối với nam và 25 U/L đối với nữ. Nếu ALT tăng lên trên ngưỡng gấp 10 lần, khả năng viêm gan cấp là rất cao.
- AST (aspartate aminotransferase) được tìm thấy ở gan, tim và cơ nên kém chính xác hơn ALT trong đo lường tổn thương gan. Tương tự như ALT, giới hạn trên của bình thường đối với AST ở người trưởng thành khỏe mạnh cũng khoảng là 35 U/L đối với nam và 25 U/L đối với nữ. Khi bệnh nhân bị viêm gan cấp tính, cùng với ALT, AST cũng sẽ tăng lên trên ngưỡng 10 lần.
- AFP (Alpha-FetoProtein) là một loại protein bình thường được sản xuất ở thai nhi đang phát triển. Theo đó, những người trưởng thành hoàn toàn không có AFP tăng cao trong máu. Xét nghiệm này chỉ được sử dụng để sàng lọc bệnh nhân ung thư gan nguyên phát bị viêm gan mạn tính B. Đồng thời, nồng độ của AFP cũng có giá trị trong những lần viêm gan B cấp tính là đợt bùng phát của viêm gan mạn, như một công cụ đơn giản để tầm soát ung thư gan định kỳ.
- Các xét nghiệm khác như công thức máu, chức năng đông máu, định lượng bilirubin, nồng độ NH3...cũng như một công cụ hình ảnh thường quy là siêu âm gan. Mặc dù không giúp xác định viêm gan B cấp tính, các xét nghiệm này lại rất cần thiết trong việc tiên lượng tình trạng sức khỏe gan khi bị ảnh hưởng bởi đợt cấp này cũng như khảo sát nguy cơ xảy ra biến chứng và có phương pháp ngăn chặn kịp thời.
6. Tiêm phòng viêm gan B ở Vinmec
Chính vì sự nguy hại của siêu vi có ái tính với tế bào gan nhóm B, khi số lượng người mắc viêm gan B thể không hoạt động khá phổ biến ở nước ta, nơi có dịch tễ của viêm gan B trên bản đồ thế giới, việc chủ động đề phòng là thực sự quan trọng, nhất là cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao như phụ nữ có thai.
Các xét nghiệm máu mới có giá trị giúp xác định viêm gan B cấp tính. Theo đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ của viêm gan cấp như vàng da vàng mắt, sốt, đau hạ sườn phải, người bệnh cần đi khám sớm để được chỉ định các xét nghiệm viêm gan B. Nếu chỉ số xét nghiệm gan bất thường thì cần can thiệp điều trị kịp thời, tránh diễn tiến viêm gan tối cấp và các biến chứng suy gan nguy hiểm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Riêng trong tháng 12/2019, Vinmec miễn phí tiêm Vắc-xin Viêm gan B sơ sinh (tiêm ngay sau khi sinh) cho bé khi đăng kí Gói tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ từ 0-1 tuổi hoặc từ 0-2 tuổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.