Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành Sản phụ khoa và đã công tác tại tất cả các vị trí ở khu vực phòng khám, phòng sinh, phòng cấp cứu sản phụ khoa, phòng thủ thuật và khu điều trị theo yêu cầu.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải bệnh viêm gan B, đây là bệnh lý phổ biến và có mức độ hủy hoại tế bào gan rất cao. Chính vì thế nhiều phụ nữ khá lo lắng và không biết phải làm gì khi xét nghiệm viêm gan B khi mang thai lại cho kết quả HbsAg dương tính hoặc âm tính.
1. Xét nghiệm HBsAg để làm gì?
HBsAg là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antigen (kháng nguyên bề mặt của siêu vi B). Tiến hành xét nghiệm HBsAg để kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm siêu vi B hay không. Kết quả về chỉ số HBsAg dương tính hoặc âm tính sẽ được thể hiện rất rõ khi thực hiện xét nghiệm.
- Trường hợp kết quả xét nghiệm HBsAg cho ra kết quả (+) dương tính thì có nghĩa là trong huyết thanh của người bệnh đang có chứa kháng nguyên HBsAg và người bệnh đã hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B;
- Nếu như kết quả xét nghiệm HBsAg là âm tính (-) thì người bệnh có thể yên tâm vì không mắc phải virus viêm gan B. Tuy nhiên, để chắc chắn thì người bệnh cần tiến hành thêm một số xét nghiệm khác nữa.
2. Cần làm gì khi bà mẹ có HBsAg dương tính/âm tính?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau trong đó có đường từ mẹ truyền sang con ở giai đoạn sinh nở, dù là sinh thường hay sinh mổ. Lúc này, máu từ nhau thai bong tróc sẽ truyền sang cho trẻ và sản dịch, máu của mẹ sẽ lây cho trẻ sơ sinh.
Khi bà mẹ mang thai bị nhiễm viêm gan B thì khả năng lây truyền cho con là rất lớn. Chính vì thế trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và tiêm một mũi huyết thanh viêm gan B (HBIG) trong 12 giờ đầu sau sinh (nếu có). Sau đó, phải tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B cho trẻ theo đúng lịch. Việc làm này sẽ giúp giảm tỷ lệ lây truyền mầm bệnh từ mẹ sang con tới 95%.
Ngoài ra, trẻ cần được tiến hành xét nghiệm HBsAg và anti-HBs sau khoảng 1-2 tháng tiến hành mũi tiêm cuối để đánh giá miễn dịch bảo vệ. Nếu chưa đạt, cần phải tiêm tiếp 3 mũi vắc xin và tiến hành xét nghiệm lại.
Đặc biệt, trong thời gian mang thai thì người mẹ cần theo dõi sức khỏe và men gan thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa.
Trường hợp thai phụ có kết quả xét nghiệm HBsAg và anti-HBs âm tính thì cần lưu kết quả xét nghiệm vào hồ sơ khám thai và sau này nên đi tiêm phòng vắc xin viêm gan an toàn với đối với phụ nữ có thai.
3. Trẻ sơ sinh bị nghi ngờ mắc viêm gan B thì phải làm thế nào?
Xét nghiệm viêm gan B khi mang thai là việc làm cần thiết để có biện pháp dự phòng tốt nếu như thai phụ mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh nếu nghi ngờ bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm viêm gan B khi mang thai cần thiết và xác định trẻ bị nhiễm viêm gan B thì cần phải tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ về phương án điều trị. Ngoài ra, đối với những trẻ có biểu hiện vàng da thuyên giảm thì nên khám định kỳ 6 tháng/lần.
Để tầm soát bệnh hiệu quả và an toàn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa bị nhiễm virus viêm gan B thì cần tiêm phòng vacxin ngay, còn đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B thì cần có sự tư vấn từ bác sĩ về các biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
4. Phòng tránh lây nhiễm viêm gan B giai đoạn tiền thai phụ
Trên thực tế, bệnh viêm gan B không gây ra bởi sự đột biến gen mà là do sự tấn công của một loại virus lây truyền qua đường máu, chính vì thế khi phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B có thể lây nhiễm cho con nếu như không có biện pháp dự phòng đúng. Một trong những cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con an toàn nhất chính là nên có một kế hoạch rõ ràng trước khi sinh.
Hãy đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân và tiêm phòng vacxin viêm gan B trước khi có ý định sinh con, hoặc nếu như đã mắc bệnh thì phải tuân hướng dẫn và phương pháp điều trị bệnh phù hợp trong từng giai đoạn.
Ngoài ra cần phải lựa chọn thời điểm mang thai phù hợp. Trường hợp đã nhiễm bệnh mà virus phát triển mạnh, khó kiểm soát thì hãy dừng kế hoạch mang thai và tiến hành điều trị, phục hồi các chức năng gan. Thực tế có rất nhiều trường hợp người bệnh đang điều trị viêm gan B nhưng lại có thai ngoài ý muốn, việc tạm dừng điều trị thời điểm này sẽ khiến cho virus gây bệnh phát triển mạnh mẽ hơn. Do đó người bệnh cần phải tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ về trường hợp này.
Biện pháp kiểm soát virus trong thời gian thai kỳ cũng là một trong những phương pháp phòng tránh lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con hiệu quả. Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai phụ bị nhiễm viêm gan B nên tiêm phòng vacxin và việc sử dụng các thuốc tiêm và uống cần thực hiện theo sự chỉ định của bác sĩ.
Viêm gan B là bệnh lý phổ biến và tiến triển nhanh nếu không có biện pháp điều trị kịp thời. Người bệnh có thể bị tổn thương gan, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng và thậm chí là dẫn đến xơ gan, ung thư gan.... Chính vì thế, hãy chủ động tìm hiểu kiến thức về căn bệnh này và có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bằng cách tiêm phòng vacxin viêm gan B càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.