Các xét nghiệm rối loạn lipid máu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lipid máu hay “mỡ máu” là một thành phần quan trọng của cơ thể gồm nhiều cấu trúc khác nhau trong đó thành phần quan trọng nhất là cholesterol. Rối loạn lipid máu sẽ làm tăng lượng cholesterol, triglycerid hoặc cả hai hoặc làm giảm nồng độ lipoprotein phân tử lượng cao (HDL) hoặc tăng nồng độ lipoprotein phân tử lượng thấp (LDL) tác động đến quá trình xơ vữa động mạch. Các xét nghiệm rối loạn lipid máu hay “xét nghiệm mỡ máu” sẽ giúp xác định những rối loạn này để chẩn đoán các tình trạng bệnh lý do quá trình rối loạn lipid máu gây ra.

1. Tổng quan về các thành phần lipid trong máu

LDL Cholesterol: Đây là lipoprotein phân tử lượng thấp, được coi là thành phần “xấu” của cholesterol. Cholesterol xấu này có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể như đột quỵ, xơ vữa động mạch, sỏi thận, nhồi máu cơ tim,... khiến người bệnh tử vong do LDL tăng trong máu sẽ dẫn đến sự lắng đọng của chúng dễ dàng trong mạch máu gây ra mảng xơ vữa động mạch. .Mảng xơ vữa khi hình thành có thể gây hẹp hoặc tắc mạch máu (đặc biệt ở tim và não) hoặc vỡ mạch máu gây ra những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

LDL cholesterol trong máu có thể tăng lên do các yếu tố như gia đình, chế độ ăn uống và vận động, sử dụng thuốc lá, các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp và là chỉ số rất quan trọng trong theo dõi điều trị bệnh lý rối loạn lipid máu.

HDL Cholesterol: chiếm từ 25-35% tổng số cholesterol trong máu và được gọi là cholesterol tốt, đóng vai trò bảo vệ tim mạch vì nó vận chuyển cholesterol từ máu về gan và vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa mạch máu làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch tránh các biến chứng tim mạch nguy hiểm. HDL giảm do các nguy cơ như thuốc lá, thừa cân béo phì, lười vận động.

Triglycerides: Đây cũng là một dạng mỡ trong cơ thể, được tổng hợp ở gan từ acid béo, glucose và protein. Triglycerides được lưu trữ trong các mô mỡ và cơ, được cơ thể sử dụng như một nguồn cung cấp năng lượng khi cần thiết, thường tăng ở đối tượng béo phì, lười vận động, nghiện thuốc lá, nghiện rượu hoặc đái tháo đường. Tăng triglycerides trong máu sẽ thường kèm theo tăng cholesterol toàn phần


LDL và HDL cholesterol trong máu
LDL và HDL cholesterol trong máu

2. Kết quả của xét nghiệm rối loạn lipid máu

Giá trị của các thành phần lipid máu sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh mỡ máu như sau:

Đối với Cholesterol toàn phần:

  • < 200 mg/dl: nguy cơ bệnh động mạch vành thấp
  • 200- 239 mg/dl: mức ranh giới cần chú ý bệnh mạch vành
  • > 240 mg/dl: bệnh nhân bị tăng cholesterol máu và có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao gấp 2 lần bình thường

Đối với HDL - cholesterol:

  • > 60 mg/dl: có ý nghĩa tốt khi HDL- cholesterol tăng giúp bảo vệ cơ thể trước các nguy cơ tim mạch
  • HDL- cholesterol thấp khi dưới 40 mg/dl (với nam giới) hoặc dưới 50 mg/dl (với nữ giới) là một nguy cơ chính của bệnh tim mạch

Đối với LDL- cholesterol:

  • < 100 mg/dl: rất tốt
  • 100-129 mg/dl: Trong giới hạn bình thường
  • 130-159 mg/dl: tăng giới hạn
  • 160-189 mg/dl: chỉ số tăng (nguy cơ cao)
  • > 190 mg/dl: chỉ số rất tăng tương đương với nguy cơ rất cao

Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác
Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác

Đối với Triglycerides:

  • < 150 mg/dl: bình thường
  • 150- 199 mg/dl: tăng nhẹ
  • 200-499 mg/dl: tăng
  • > 500 mg/dl: rất tăng

3. Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không?

Tăng cholesterol chính là một yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ timtai biến mạch máu não. Khi có quá nhiều LDL cholesterol lưu hành trong máu sẽ khiến chúng lắng đọng dần vào các thành mạch máu khiến hình thành các mảng xơ vữa động mạch làm hẹp lòng mạch hoặc thậm chí gây tắc hoàn toàn.

Xơ vữa động mạch được cho là tình trạng xâm nhập của cholesterol và các thành phần khác của xơ vữa động mạch vào trong mạch máu hình thành từ việc tổn thương lớp nội mạc mạch máu. Quá trình xơ vữa động mạch có thể gia tăng theo tuổi, yếu tố gia đình và các yếu tố nguy cơ ngoài rối loạn lipid như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá.


Rối loạn lipid máu gây ra bệnh lý tim mạch
Rối loạn lipid máu gây ra bệnh lý tim mạch

4. Phòng ngừa rối loạn lipid máu như thế nào?

Thông qua các xét nghiệm lipid máu có thể đánh giá được tình trạng rối loạn lipid máu trong cơ thể, một trong những nguy cơ của bệnh tim mạch. Để phòng ngừa rối loạn lipid máu có thể thực hiện những điều sau:

  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Chế độ ăn uống khỏe mạnh, hợp lý, tập thể dục đều đặn và loại bỏ các thói quen như thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia.
  • Có điều chỉnh thích hợp khi ăn các thức ăn làm tăng LDL-cholesterol như: chất béo bão hòa từ mỡ động vật hoặc thực vật như dừa, sữa bơ thực vật, chất béo không bão hoà như thịt lợn, bò, bơ béo, thức ăn liền, đồ ăn nhanh, chiên rán, phủ tạng động vật,...
  • Nên ăn các loại thức ăn như: rau, hoa quả, ngũ cốc và chế biến thô (bánh mỳ đen, gạo thô), sữa không béo, thịt nạc, thịt gia cầm không da, cá béo, đậu, các loại hạt, dầu thực vật không bão hòa.
  • Thuốc lá là nhân tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành xơ vữa động mạch và gây ra cả rối loạn lipid nên cần loại bỏ ngay.
  • Giảm cân và giữ chỉ số khối cơ thể ở mức lý tưởng (BMI: 19-23).

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh lý sớm
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh lý sớm

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe