Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm là một đáp ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch ( đáp ứng miễn dịch tự nhiên – innate immune ) trước sự tấn công của một tác nhân bên ngoài ( vi sinh vật, tác nhân hoá , lý ) hoặc của tác nhân bên trong ( hoại tử do thiếu máu cục bộ , bệnh tự miễn ...) và các biểu hiện của viêm thường chỉ thấy tại chỗ. Cơ thể con người thường xuyên xuất hiện tình trạng viêm do nhiều tác nhân gây nên như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,... . Khi xuất hiện tình trạng viêm, cơ thể sẽ sản xuất ra chất giải phóng vào trong máu và di chuyển tới ổ viêm để chống lại các tác nhân gây viêm.
1. Xét nghiệm CRP
CRP (C – Reactive Protein) Protein phản ứng C là protein có ở pha cấp cổ điển trong các phản ứng viêm. Nó được tổng hợp bởi gan và bao gồm năm chuỗi polypeptide giống nhau tạo thành một vòng năm phần có trọng lượng phân tử 105000 dalton. CRP là chất phản ứng pha cấp nhạy nhất và nồng độ của nó tăng nhanh trong suốt quá trình viêm. CRP phức hợp hoạt hóa con đường bổ thể cổ điển và là một protein viêm giai đoạn cấp không đặc hiệu, khi cơ thể phản ứng với các tác nhân gây viêm, với nhiễm trùng và tổn thương mô. Sự tăng CRP chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, và không phải luôn luôn tăng trong nhiễm trùng huyết có giảm bạch cầu hạt.
Đáp ứng CRP thường xảy ra trước các triệu chứng lâm sàng kể cả sốt. Ở các cá thể bình thường khỏe mạnh, CRP là protein dạng vết với hàm lượng đến 5 mg/L. Sau khi khởi đầu đáp ứng pha cấp, nồng độ CRP huyết thanh tăng cao nhanh và nhiều. Sự tăng bắt đầu trong vòng 6 đến 12 giờ và giá trị cao nhất đạt được trong vòng 24 đến 48 giờ giờ sau khởi phát nhiễm trùng. Nồng độ trên 100 mg/L có liên quan đến kích thích nghiêm trọng như chấn thương nặng và nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết). Đáp ứng CRP có thể ít rõ ràng hơn ở bệnh nhân bị bệnh gan. Thời gian bán hủy sinh học là 19 giờ, giảm 50% nồng độ mỗi ngày sau khi kích thích viêm cấp tính đã được giải quyết. Và khi quát trình viêm cấp kết thúc, CRP nhanh chóng mất đi.
Ứng dụng:
- Lượng CRP tăng cao trong máu gợi ý cho thấy có viêm nhiễm cấp, lượng CRP trong máu giảm xuống có nghĩa là tình trạng bệnh nhân tốt hơn và tình trạng viêm nhiễm giảm. Khi phối hợp với các dữ kiện lâm sàng và xét nghiệm khác, giá trị CRP đo hàng loạt là một phương tiện hữu ích trong việc theo dõi và có thể góp phần trong việc giảm thiểu những trường hợp dùng kháng sinh không cần thiết, cũng như để đánh giá điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bằng kháng sinh; để phát hiện nhiễm trùng trong tử cung đồng thời với vỡ ối sớm;
- Mức độ CRP có thể nhảy vọt lên gấp hàng ngàn lần để phản ứng với hiện tượng viêm và sẽ rất có giá trị trong việc theo dõi diễn biến của bệnh.
- Xét nghiệm CRP cũng được sử dụng để phân biệt giữa các dạng hoạt động và không hoạt động của bệnh nhiễm trùng đồng thời, ví dụ như ở những bệnh nhân lupus ban đỏ hoặc viêm loét đại tràng, theo dõi kết quả điều trị một số dạng viêm khớp và đánh giá điều trị kháng viêm, các bệnh tự miễn, viêm nhiễm vùng tiểu khung (Pelvic Inflammatory Disease), để xác định sự hiện diện các biến chứng sau phẫu thuật ở giai đoạn đầu, chẳng hạn như nhiễm khuẩn vết thương, huyết khối và viêm phổi, và để phân biệt giữa nhiễm trùng và thải ghép tủy xương , viêm ruột thừa, bệnh tim mạch,...
- Theo dõi nồng độ CRP của bệnh nhân sau phẫu thuật có thể hỗ trợ nhận diện các biến chứng không mong muốn (tồn tại dai dẳng hoặc nồng độ tăng). Việc đo sự thay đổi nồng độ CRP cung cấp thông tin chẩn đoán hữu ích về mức độ cấp tính hay trầm trọng của bệnh. Nó cũng cho phép phán đoán về bệnh sinh. Sự tăng cao nồng độ CRP huyết thanh kéo dài thường là dấu hiệu tiên lượng kém, chỉ dẫn sự xuất hiện nhiễm trùng không được kiểm soát.
Tuy xét nghiệm CRP không đủ tính đặc hiệu để chẩn đoán một bệnh lý nào đó, nó vẫn có thể giúp ích với vai trò là một chỉ điểm tổng quát cho viêm nhiễm báo động cho thầy thuốc biết khi nào thì cần phải làm thêm xét nghiệm máu khác để chẩn đoán tình trạng viêm của cơ thể và điều trị. xét nghiệm CRP không đủ tính đặc hiệu để chẩn đoán một bệnh lý nào đó, nó vẫn có thể giúp ích với vai trò là một chỉ điểm tổng quát cho viêm nhiễm báo động cho thầy thuốc biết khi nào thì cần phải làm thêm xét nghiệm máu khác để chẩn đoán tình trạng viêm của cơ thể và điều trị.
2. Xét nghiệm tốc độ lắng máu (ESR)
Máu bình thường là một dịch treo huyết tương có chứa các hồng cầu. Máu lắng (VSS) còn được gọi là độ lắng hồng cầu (tốc độ mà các hồng cầu của máu ngưng kết với nhau), quá trình này xảy ra do tác động của trọng lực kết hợp với sự tương tác rất phức tạp của các lực vật lý và được hình thành bởi tất cả các thành phần có trong máu và một số loại protein. Đây là một xét nghiệm máu không chuyên biệt cho riêng bệnh nào, nhưng lại là một xét nghiệm được áp dụng để tầm soát trong rất nhiều bệnh để đánh giá tình trạng viêm của cơ thể. Xét nghiệm này thực hiện nhằm đo chiều cao cột hồng cầu lắng xuống (đơn vị là mm) của một thể tích máu đã được chống đông, đựng trong một ống nghiệm đặc biệt có chia vạch trong khoảng thời gian là 1 giờ. Chiều cao này có thể chịu tác động bởi số lượng hồng cầu và nồng độ các protein có trọng lượng phân tử cao trong máu do sự thay đổi trong protein máu dẫn đến tình trạng kết tụ các hồng cầu và các tế bào hồng cầu cũng bị kết tụ trong các tình trạng viêm và hoại tử khiến nó “lắng” nhanh hơn là khi các tế bào đứng riêng lẻ.
Ứng dụng: Đo tốc độ lắng máu là một xét nghiệm thực hiện để theo dõi một tình trạng viêm nhiễm hay theo dõi một bệnh lý ác tính nào đó dù không chỉ dẫn chính xác nguồn gốc của tình trạng này. Mặc dù đây là một xét nghiệm máu mang tính thường quy, tầm soát, nhưng lại rất cần thiết trong việc phát hiện và theo dõi bệnh lao, theo dõi quá trình hoại tử mô trong cơ thể, những rối loạn bệnh lý thuộc về thấp học (bệnh lý của khớp, gân, cơ vân, dây chằng,... và những cấu trúc liên quan), thậm chí còn có thể giúp phát hiện ra những bệnh lý mà triệu chứng lâm sàng khá mơ hồ, không rõ ràng.
3. Xét nghiệm công thức bạch cầu
Bạch cầu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán nhiễm trùng: Khi nghi ngờ bệnh nhân có tình trạng viêm của cơ thể, chúng ta thường xét nghiệm công thức máu để đánh giá số lượng và tỉ lệ các loại bạch cầu trong máu
Xét nghiệm công thức bạch cầu là xét nghiệm đơn giản rẻ tiền cho kết quả nhanh chóng đánh 2 thông số gồm tổng số lượng và phần trăm các loại bạch cầu. Bạch cầu có các loại sau: Bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu lympho, bạch cầu mono, bạch cầu ái toan, ái kiềm.
Bạch cầu là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Khi có tình trạng viêm, nhiễm, chấn thương, bạch cầu (BC) tiết ra chất CSF (colony-stimulating factor). Chất này kích thích tủy tăng sản xuất BC, còn gọi là BC chuyền trái (khi đó BC non có số lượng lớn hơn BC trưởng thành) vì vậy số lượng BC có thể gấp đôi trong vài giờ. Cơ chế chống lại các tác nhân lạ của BC là qua cơ chế thực bào. Sự thực bào đó chỉ mang tính tạm thời khác với bệnh BC (sự thực bào luôn xảy ra và tiến triển).
Xét nghiệm công thức bạch cầu được chỉ định trong các bệnh viêm và nhiễm trùng, ung thư máu, ung thư hạch và bất thường tủy xương. Bất kì trường hợp viêm nhiễm hay căng thẳng cấp tính đều có thể làm tăng sản xuất BC. BC có giá trị bình thường 4500-10000/microlit máu. BC có số lượng thay đổi theo tuổi: tăng ở trẻ nhỏ, thai phụ, giảm ở người già. BC giảm trong suy tủy, bệnh collagen sinh ra chất gây độc tế bào (ví dụ như lupus ban đỏ), bệnh gan, lách, nhiễm xạ, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng nặng. BC tăng trong bệnh nhiễm trùng, viêm (ví dụ như dị ứng, viêm khớp dạng thấp), và các bệnh không nhiễm trùng như thiếu máu, ung thư máu, stress nặng về thể chất và tinh thần, tổn thương mô.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.