Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán viêm màng não sơ sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là một bệnh hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm, và có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ sơ sinh mắc viêm màng não mà không được phát hiện và điều trị đúng cách sớm. Do đó cần làm một số xét nghiệm để chẩn đoán viêm màng não sơ sinh như tổng phân tích tế bào máu, CRP, cấy máu, đường huyết cùng lúc chọc dịch não tủy, siêu âm não,...

1. Viêm màng não sơ sinh

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là bệnh do viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm màng não là do vi trùng, siêu vi trùng từ nơi khác trong cơ thể qua đường máu lan vào các dịch não tủy. Một số ít nguyên nhân do các loại nấm, ký sinh trùng hay do phản ứng với hóa chất, bệnh tự miễn nhiễm...

Viêm màng não sơ sinh thường do ba nguyên nhân:

  • Viêm màng não mủ: Gặp ở cả trẻ sơ sinh và trẻ lớn
  • Viêm màng não do lao: Thường gặp ở trẻ lớn hơn 2 tuổi và thường xuất hiện sau một não sơ nhiễm
  • Viêm màng não tế bào lympho: Gặp ở cả trẻ sơ sinh và trẻ lớn

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể mắc viêm màng não:

  • Sốt cao kèm co giật: Là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, ban đầu trẻ có thể chỉ bị sốt nhẹ và dần chuyển sốt cao đến mức báo động. Nhiều trẻ sốt kèm co giật gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp điều trị ngay.
  • Chán ăn, ăn bị nôn trớ: Trẻ bị nôn, trớ do đầy chướng bụng, trẻ chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú, lười ăn, quấy khóc. Cùng với biểu hiện sốt, đây rất có thể là dấu hiệu trẻ bị viêm màng não. Để cải thiện tình tình này, cha mẹ nên thử chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và theo dõi trẻ thêm
  • Trẻ không tỉnh táo, trong trạng thái mơ màng: có dấu hiệu ngủ nhiều hơn bình thường, khó đánh thức dậy, mơ màng, lúc mơ lúc tỉnh. Cha mẹ sẽ thấy trẻ kém lanh lợi, bơ phờ, trẻ kém nhạy cảm, hay cáu gắt, việc vận động cơ thể sẽ khiến trẻ thấy đau, không muốn được bế...
  • Khó cử động vùng cổ, cứng cổ là dấu hiệu đặc trưng của viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện trẻ khó quay đầu, đau khi di chuyển cổ.
  • Thóp thở phồng hơn so với bình thường. Hệ miễn dịch giảm, sức đề kháng yếu khiến trẻ yếu ớt, thiếu sức sống.
  • Có dấu hiệu chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nhiễm trùng tai, nghẹt thở xảy ra cùng một thời điểm hoặc ngay trước sau các triệu chứng khác kể trên.

Viêm màng não có thể để lại di chứng ví dụ như:

  • Lác, câm, mù, điếc, hội chứng não nước,...
  • Tổn thương thần kinh khu trú gây liệt (có thể liệt nửa người, liệt 1 chi,...)
  • Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần
  • Động kinh

Do đó ngoài các dấu hiệu lâm sàng thì cần làm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác viêm màng não sơ sinh.


Sốt cao kèm co giật là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm màng não sơ sinh
Sốt cao kèm co giật là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm màng não sơ sinh

2. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm màng não sơ sinh

2.1 Chọc dịch tủy sống

Chọc dịch tủy sống còn gọi là chọc dịch não tủy. Chọc dịch tủy sống là một xét nghiệm quan trọng có tính chất quyết định trong chẩn đoán, và được tiến hành khi thăm khám lâm sàng có dấu hiệu nghi ngờ viêm màng não. Trong bệnh viêm màng não, hệ thần kinh trung ương bị tổn thương dịch thì đồng thời não tủy cũng sẽ có những thay đổi tương ứng. Chọc dịch não tủy là phương pháp chọc dịch lấy dịch tủy sống, sau đó mang đi xét nghiệm nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, tác nhân gây bệnh, và sự nhạy cảm của vi sinh vật đối với các sản phẩm thuốc. Đây là một kỹ thuật quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh viêm màng não sơ sinh.

  • Dịch não tuỷ đục, Protein tăng, glucoza giảm 1⁄2 Glucoes máu, tế bào tăng đa số bạch cầu đa nhân và nhiều tế bào thoái hoá, mủ. Cấy dịch não tuỷ: Có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, tr­ường hợp không điển hình, dịch não tuỷ có thể trong, có máu hoặc vàng chanh...
  • Khi dịch não tuỷ trong, có thể vẫn là viêm màng não mủ ở giai đoạn sớm mức độ nhẹ (dịch não tuỷ ch­ưa đục), như­ng thư­ờng gặp là viêm màng não mủ “mất đầu” (là viêm màng não mủ đã đ­ược điều trị phủ đầu bằng kháng sinh và đang phục hồi). Tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với các viêm màng não n­ước trong khác hoặc phản ứng màng não.
  • Khi dịch não tuỷ có máu, có thể là viêm màng não mủ có xuất huyết màng não (th­ường do màng não cầu...), như­ng cần chẩn đoán phân biệt với xuất huyết d­ưới nhện do căn nguyên khác hoặc do lỗi kỹ thuật khi chọc ống sống thắt lư­ng.
  • Khi dịch não tuỷ màu vàng chanh: Có thể là viêm màng não mủ có xuất huyết, hồng cầu đang thoái hoá hoặc viêm màng não do lao...

2.2 Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp đánh giá mức độ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, có thể cần phải cấy máu và cấy bệnh phẩm tại vị trí nhiễm trùng để xác định tác nhân gây bệnh.

Công thức máu xem xét số lượng và công thức bạch cầu giúp định hướng nhóm nguyên nhân gây bệnh, Procalcitonin, CRP.


Công thức máu xem xét số lượng và công thức bạch cầu giúp định hướng nhóm nguyên nhân gây bệnh
Công thức máu xem xét số lượng và công thức bạch cầu giúp định hướng nhóm nguyên nhân gây bệnh

2.3 Siêu âm não

Siêu âm não giúp chẩn đoán phân biệt xuất huyết não và phát hiện được biến chứng viêm não thất, não úng thủy. Siêu âm não sẽ siêu âm qua thóp của trẻ.

2.4 Xét nghiệm vật lý chụp hình (CT, MRI)

Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ được sử dụng để chẩn đoán các biến chứng của viêm màng não gây ảnh hưởng đến não.

Chụp sọ thường, chụp xoang và chụp ống tai - xương chũm nhằm phát hiện được tình trạng tăng áp lực nội sọ kéo dài và cả một số yếu tố nguy cơ của viêm màng não.

Ngoài ra trong trường hợp đặc biệt có thể làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu ví dụ như xác định kháng nguyên - kháng thể, phản ứng khuếch tán gen, ion máu,...

Tóm lại, viêm màng não sơ sinh là bệnh không hiếm gặp, có thể để lại di chứng rất nặng nề và có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó khi phát hiện những dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đi đến các cơ sở y tế, để được làm các xét nghiệm chẩn đoán sớm nhất và có được biện pháp can thiệp kịp thời.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe