Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chạy thận nhân tạo là một chỉ định khá phổ biến trong điều trị bệnh suy thận mạn tính, giúp kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
1. Các trường hợp suy thận mạn có chỉ định chạy thận nhân tạo
Suy thận mạn là một bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, có tới 16.8% người trên 20 tuổi trở lên mắc bệnh suy thận mạn, trong đó có hơn 500.000 người đang điều trị bằng lọc máu và ghép thận. Ở Việt Nam, tuy chưa có một nghiên cứu về tỷ lệ suy thận mạn trên toàn quốc nhưng theo các nghiên cứu riêng lẻ ở từng vùng cho thấy tỷ lệ suy thận mạn đang ngày càng tăng cao.
Định nghĩa bệnh thận mạn được thay đổi, cập nhật nhiều lần khác nhau. Theo hướng dẫn của hội đồng cải thiện kết quả toàn cầu về bệnh thận KDIGO (Kidney Diseasr Improving Global Outcome-KDIGO) năm 2012: “Bệnh thận mạn là tình trạng tổn thương thận về cấu trúc hoặc chức năng, biểu hiện bằng sự có mặt albumin niệu hoặc sự suy giảm chức năng thận được xác định qua sự suy giảm mức lọc cầu thận (<60ml/ph/1.73m2) hoặc các bất thường về hình ảnh học của thận tồn trại trên 3 tháng”.
Trong đó, suy thận mạn giai đoạn 5 là giai đoạn nặng nhất, với mức lọc cầu thận (GFR) < 15 ml/ph/1.73 m2, biểu hiện bằng các hội chứng ure máu và tăng azote máu. Suy thận mạn giai đoạn cuối cần được điều trị thay thế thận, nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ tử vong. Có 3 phương pháp điều trị thay thế thận là:
- Ghép thận
- Thẩm phân phúc mạc
- Chạy thận nhân tạo
Chỉ định chạy thận nhân tạo là một chỉ định tương đối phổ biến, giúp cải thiện, cứu sống, kéo dài cuộc sống của hàng trăm nghìn người suy thận giai đoạn cuối. Hầu hết các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đều có thể được chỉ định chạy thận nhân tạo, ngoại trừ khi bệnh nhân không có đường lấy máu thích hợp. Các chống chỉ định tương đối là bệnh nhân sợ kim tiêm, bị suy tim hoặc rối loạn đông máu.
2. Chạy thận nhân tạo được thực hiện như thế nào?
Bệnh nhân cần được chuẩn bị vài tuần hoặc vài tháng trước lần chạy thận nhân tạo đầu tiên. Trong quá trình chạy thận lọc máu, một cây kim sẽ được đưa vào để dẫn máu ra ngoài cơ thể, máu chạy tới máy chạy thận và từ máy chạy thận vào lại cơ thể qua một cây kim khác. Do đó, vùng đưa kim vào cơ thể cần được hoàn toàn hồi phục trước khi việc chạy thận bắt đầu.
Để tạo vùng đưa kim, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để tạo đường mạch máu ở tay hoặc ở chân bằng cách thực hiện nối dưới da giữa động mạch và tĩnh mạch, phương pháp này gọi là phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch (FAV). Nếu mạch máu của bệnh nhân không đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện FAV, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp Graft, trong đó một ống nhựa mềm sẽ được sử dụng để thông nối giữa động mạch và tĩnh mạch dưới da. Đôi khi, bác sĩ có thể tạo đường dẫn tạm thời bằng một ống nhựa hẹp gắn vào tĩnh mạch lớn ở cổ hoặc tĩnh mạch bẹn, gọi là ống thông Carather.
Chạy thận nhân tạo được thực hiện tại các cơ sở y tế có cơ sở vật chất và chuyên môn đảm bảo. Bệnh nhân thông thường sẽ được lọc máu 3 lần trong tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 3-4 giờ, thời gian lọc máu tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể.
Trong suy thận mạn giai đoạn cuối, phải điều trị bằng chạy thận nhân tạo, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống. Chế độ ăn giảm đạm, phụ thuộc vào số lần chạy thận mỗi tuần. Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn giảm muối, phospho, canxi. Vì ăn giảm đạm, nên bệnh nhân cần ăn tăng cường đường, tinh bột, chất béo để tránh suy dinh dưỡng. Bệnh nhân cũng chú ý uống nước với lượng vừa phải, không được uống quá nhiều nước.
Bệnh nhân suy thận cần lao động nhẹ nhàng, tập luyện thể lực cường độ thấp để không ảnh hưởng đến chức năng thận, tình trạng suy thận không trầm trọng thêm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.