Các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Siêu âm đầu dò âm đạo là một phương pháp được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý về tử cung, buồng trứng. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng được sử dụng để xác định về khả năng có thai, sức khỏe của thai nhi hoặc dùng hỗ trợ can thiệp một số thủ thuật phụ khoa,...

1. Siêu âm đầu dò âm đạo là gì?

Trong lĩnh vực sản phụ khoa, siêu âm đầu dò âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo) thường được sử dụng. Siêu âm đầu dò được sử dụng để kiểm tra các cơ quan sinh sản nữ, bao gồm buồng trứng, tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng và âm đạo. Thông qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ có thể đánh giá được sự phát triển hoặc các dấu hiệu bất thường của các cơ quan sinh dục hoặc bào thai.

Khác với siêu âm vùng bụng - chậu thông thường (đầu dò nằm bên ngoài khung chậu), kỹ thuật siêu âm đầu dò đưa đầu dò siêu âm vào sâu 5 - 8cm trong âm đạo.


Siêu âm đầu dò là kỹ thuật đưa đầu dò vào sâu khoảng 5-8cm trong âm đạo
Siêu âm đầu dò là kỹ thuật đưa đầu dò vào sâu khoảng 5-8cm trong âm đạo

2. Chỉ định và chống chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo

2.1 Chỉ định

Các chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo bao gồm:

Trong phụ khoa

  • Siêu âm các cơ quan sinh dục gồm tử cung, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng.
  • Siêu âm chẩn đoán xác định một số bệnh lý phụ khoa như viêm, u, lạc nội mạc.
  • Siêu âm theo dõi một chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
  • Siêu âm theo dõi quá trình điều trị vô sinh.
  • Siêu âm chẩn đoán tình trạng mang thai ngoài tử cung.

Trong sản khoa

Siêu âm đầu dò được chỉ định trong chẩn đoán thai nghén sớm, giúp xác định:

  • Có thai hay không;
  • Xác định số lượng thai;
  • Đánh giá tim thai;
  • Xác định tuổi thai;
  • Xác định hình thái của thai.

Đối với trường hợp thai nhi đã lớn, siêu âm ngã âm đạo được dùng trong trường hợp nghi ngờ nhau tiền đạo hoặc đánh giá cổ tử cung (hở eo, độ dài cổ tử cung).

Trong một số thủ thuật sản phụ khoa

Siêu âm đầu dò được sử dụng để hỗ trợ:

  • Siêu âm cổ tử cung;
  • Chọc hút noãn;
  • Chọc dò cùng đồ sau;
  • Siêu âm tầng sinh môn;
  • Chọc hút dịch ở bệnh nhân u nang buồng trứng;
  • Chụp buồng tử cung bằng kỹ thuật siêu âm.

Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh sản, phụ khoa
Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh sản, phụ khoa

2.2 Chống chỉ định

  • Không áp dụng cho trẻ em gái hoặc phụ nữ chưa quan hệ tình dục;
  • Người đang bị viêm nhiễm cấp tính vùng âm đạo hoặc phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt.

3. Kỹ thuật siêu âm đầu dò âm đạo được thực hiện như thế nào?

3.1 Chuẩn bị

  • Thay đồ và mặc áo choàng;
  • Có thể đi tiểu trước hoặc không (tùy theo hướng dẫn của bác sĩ cần bàng quang trống hay đầy một phần - bàng quang đầy sẽ cho hình ảnh siêu âm các cơ quan vùng chậu rõ hơn)

3.2 Tiến trình thực hiện

  • Khi tiến hành siêu âm, người bệnh nằm ngửa trên bàn khám, gập đầu gối, được kê một chiếc gối nhỏ dưới mông (để thuận tiện cho việc thăm khám);
  • Đầu dò siêu âm được bọc bằng bao cao su kèm gel bôi trơn, sau đó được đưa vào âm đạo.
  • Đầu dò phát sóng âm, thu lại tín hiệu, tín hiệu được mã hóa, cho ra hình ảnh các cơ quan ở vùng chậu. Trong quá trình tiến hành thủ thuật, đầu dò siêu âm có thể được xoay nhẹ để thu được hình ảnh đầy đủ;
  • Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm truyền nước muối vào lòng tử cung để xác định bất kỳ dấu hiệu bất thường nào có thể xảy ra ở bên trong tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc đang bị nhiễm trùng.

Toàn bộ quá trình siêu âm kéo dài khoảng 15 - 20 phút và thường có kết quả ngay sau đó.


Siêu âm đầu dò âm đạo thường cho kết quả ngay
Siêu âm đầu dò âm đạo thường cho kết quả ngay

4. Siêu âm đầu dò âm đạo có an toàn không?

Siêu âm qua đường âm đạo không gây ra bất kỳ rủi ro sức khỏe nào. Phương pháp này cũng an toàn cho cả mẹ và thai nhi vì không sử dụng bức xạ và trong quá trình siêu âm, bác sĩ chỉ di chuyển thiết bị trong âm đạo của thai phụ, không chạm vào cổ tử cung. Thông thường, khi đưa đầu dò vào âm đạo, một số bệnh nhân cảm thấy khó chịu nhưng sự khó chịu này thường không nhiều, sẽ biến mất sau khi hoàn tất quá trình thăm khám.

Về ưu điểm, kỹ thuật này giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các cơ quan sinh dục bên trong, dễ phát hiện các bệnh lý ở vùng tiểu khung hơn so với siêu âm đường bụng.

Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao, có ý nghĩa quan trọng trong xác định có thai sớm và các bệnh lý ở cơ quan sinh dục nữ, hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn,... Khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân nên tuyệt đối phối hợp theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe