Viêm thực quản là một trong những bệnh lý rất phổ biến nhưng lại dễ bị bỏ qua, chính vì điều này đã khiến cho bệnh chuyển biến nặng và khó khắc phục hơn. Bệnh có thể do nhiểu nguyên nhân, thường gặp nhất là do trào ngược acid dạ dày. Người bệnh cần nhận biết những triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh để nhanh chóng tìm đến các biện pháp y tế để cải thiện tình trạng cũng như phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Bác sĩ Nội soi - Nội tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Viêm thực quản là bệnh gì?
Viêm thực quản là tình trạng mà lớp niêm mạc bên trong ống thực quản bị tổn thương, dẫn đến viêm sưng. Nếu không được điều trị, bệnh này có thể gây ra các vấn đề liên quan đến việc nuốt, bao gồm đau ngực, đau khi nuốt và khó khăn trong việc nuốt. Trong một số trường hợp, viêm thực quản có thể tiến triển thành bệnh thực quản Barrett - một trong những yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của ung thư thực quản.
2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm thực quản
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm thực quản bao gồm những người có chế độ ăn uống không lành mạnh và hệ miễn dịch suy yếu. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Ăn nhiều thức ăn cay và nóng.
- Sử dụng quá liều thuốc giảm đau NSAID.
- Những người thực hiện xạ trị, đặc biệt là xạ trị các khối u ở vùng ngực.
- Người từng bị chấn thương cột sống.
- Phụ nữ mang thai.
- Người bệnh béo phì.
- Người cao tuổi, có sức đề kháng kém.
- Người có thói quen hút thuốc lá.
3. Triệu chứng bệnh viêm thực quản
Người bệnh có thể trải qua một hoặc nhiều triệu chứng do viêm thực quản. Triệu chứng lâm sàng của viêm thực quản bao gồm:
- Nuốt đau và khó nuốt;
- Khàn tiếng và ho;
- Cảm giác nóng rát ở ngực;
- Đau ngực và đau họng, nhất là khi ăn;
- Đau ở phía sau của xương ức khi người bệnh uống nước hoặc ăn;
- Đau dạ dày và có trào ngược nước bọt;
- Buồn nôn và nôn ra máu;
- Biếng ăn, chán ăn ở trẻ em gây tình trạng chậm lớn và suy dinh dưỡng;
- Cảm giác chua trong họng do trào ngược axit dạ dày.
Triệu chứng viêm thực quản cận lâm sàng:
- Xquang thực quản: Hình ảnh sẽ chỉ ra bề mặt thực quản không mịn màng, mà giống như những lát gỗ nhỏ, niêm mạc bị tổn thương, mờ mờ và không đều.
- Soi thực quản: Cung cấp hình ảnh về niêm mạc có dấu hiệu của viêm, sưng tấy và bong tróc biểu mô.
- Các phương pháp chẩn đoán khác như đo pH trong thực quản để kiểm tra trào ngược và việc thực hiện sinh thiết thực quản để chẩn đoán nhiễm nấm có thể được thực hiện.
Triệu chứng viêm thực quản thường không quá nghiêm trọng và có thể dần biến mất nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc đái tháo đường, các triệu chứng này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Không nên bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là khi các triệu chứng như: đau ngực ngay cả khi không ăn, khó thở, cảm giác bị tắc nghẽn, sốt cao và đau đầu,... xuất hiện ở trẻ nhỏ.
Tuỳ theo cơ địa và tình trạng bệnh của từng người mà bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, khó điều trị và thậm chí có nguy cơ dẫn đến ung thư. Người bệnh nên đi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay nếu gặp phải:
- Đau ngực kéo dài hơn vài phút.
- Cảm giác mắc nghẹn.
- Không thể uống được dù chỉ một ít nước.
4. Các nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ người bệnh mắc phải viêm loét thực quản, như sau:
- Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu do đái tháo đường, HIV/AIDS, lympho, ung thư máu hay các bệnh miễn dịch khác.
- Bệnh nhân đang thực hiện hóa trị.
- Xạ trị thành ngực
- Thoát vị hoành (làm cho dạ dày chui qua lỗ của cơ hoành).
- Người bệnh dùng các thuốc chống thải ghép.
- Sử dụng các thuốc chống viêm và Aspirin.
- Người bệnh sử dụng rượu bia và thuốc lá.
- Bệnh nhân béo phì.
- Người bệnh bị ói mãn tính.
5. Chẩn đoán và điều trị viêm thực quản
5.1 Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác viêm loét thực quản, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra bổ sung ngoài việc đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh cá nhân, bao gồm thực hiện sinh thiết, nội soi thực quản và chụp X-quang với các thuốc cản quang.
5.2 Điều trị
Trước khi bắt đầu điều trị viêm thực quản, việc xác định nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh là cần thiết để có thể xác định các phương pháp điều trị hiệu quả và toàn diện. Các lựa chọn điều trị cho viêm loét thực quản bao gồm:
- Các thuốc kháng nấm: Được sử dụng khi nấm là nguyên nhân gây bệnh.
- Các loại thuốc kháng virus: Sử dụng khi virus là nguyên nhân gây bệnh.
- Các loại thuốc kháng dịch vị: Được sử dụng để bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi các tác động của dịch vị dạ dày trào ngược.
- Các thuốc giảm đau: Giúp giảm đau liên quan đến viêm loét thực quản.
- Các loại thuốc nhóm steroid: Thường được sử dụng để cải thiện tình trạng bệnh của người bị viêm loét thực quản.
- Các loại thuốc ức chế bơm proton: Được sử dụng để kiểm soát sản xuất dịch vị dạ dày và ngăn ngừa việc trào ngược lên thực quản.
Đối với viêm loét thực quản do các nguyên nhân đặc biệt như phản ứng thuốc hoặc dị ứng, cần phải thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt, bao gồm kiểm soát sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống. Bệnh nhân cần tránh các thực phẩm gây dị ứng viêm thực quản.
Nếu nguyên nhân gây ra viêm loét thực quản là thuốc, bệnh nhân cần sử dụng thuốc dưới dạng lỏng và uống nhiều nước hơn khi dùng thuốc.
Tóm lại, viêm loét thực quản có thể điều trị hiệu quả và không tái phát nếu nguyên nhân gây ra bệnh được xác định và khắc phục đúng cách.
Việc tuân thủ các biện pháp sinh hoạt là rất quan trọng, bao gồm:
- Tránh các thực phẩm cay nồng như cà ri, tiêu, ớt.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm cứng như bánh quy, đậu, hoặc rau củ chưa chế biến.
- Tránh thức ăn có chứa axit như cam, cà chua, nho và các loại nước ép.
- Ưu tiên sử dụng thực phẩm mềm như ngũ cốc nấu chín, bánh trứng, khoai tây nghiền, bánh pudding và các sản phẩm sữa có hàm lượng protein cao.
- Nhai thức ăn kỹ và ăn từng miếng nhỏ.
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, cà phê, trà, chè và rượu bia.
6. Phương pháp phòng ngừa viêm thực quản
Chủ động ngăn ngừa viêm thực quản bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống và đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Các biện pháp cụ thể:
- Tránh các thực phẩm quá chua, cay, nóng.
- Hạn chế tối đa các thực phẩm khó tiêu.
- Tránh xa các thực phẩm chứa chất gây dị ứng.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát sức khỏe tâm lý và căng thẳng.
- Đối với viêm thực quản bạch cầu ái toan, cần tránh các thực phẩm gây dị ứng, hạn chế thực phẩm khó tiêu, quá cay, nóng hoặc các thực phẩm gây kích thích niêm mạc.
Người bệnh cần lưu ý và đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc nghi ngờ về viêm thực quản, đặc biệt là khi gặp các triệu chứng nghiêm trọng như đau ngực không liên quan đến việc ăn, khó thở, đau cơ, khó nuốt, sốt cao và đau đầu. Việc tìm kiếm sự chăm sóc và điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.