Khi bệnh thần kinh ngoại biên không tác động đến một dây thần kinh, mà ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh thì được gọi là bệnh viêm đa dây thần kinh. Hầu hết những người bị bệnh thần kinh ngoại biên đều có viêm đa rễ dây thần kinh.
1. Viêm đa dây thần kinh là gì?
Bệnh viêm đa dây thần kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các trường hợp mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên. Tình trạng này xảy ra khi nhiều dây thần kinh ngoại biên trên khắp cơ thể gặp vấn đề cùng một lúc. Viêm đa rễ dây thần kinh có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Tiếp xúc với một số độc tố, chẳng hạn như lạm dụng rượu;
- Dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin B;
- Biến chứng của một số căn bệnh, ví dụ như ung thư hoặc suy thận.
Bệnh được chia thành hai loại chính là:
- Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính
Các triệu chứng xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Viêm đa dây thần kinh cấp tính phổ biến ở người có bệnh tự miễn hoặc nhiễm trùng, dẫn đến tổn thương dây thần kinh. Ngoài ra, hội chứng Guillain-Barré cũng có thể là nguyên nhân gây viêm cấp tính. Các trường hợp cấp tính thường được điều trị thành công trong một thời gian ngắn.
- Bệnh viêm đa dây thần kinh mãn tính
Các triệu chứng sẽ kéo dài và hầu như không thể điều trị hoàn toàn được. Nguyên nhân gây viêm đa dây thần kinh mãn tính có thể là do bệnh tiểu đường, suy thận hoặc nhiều lý do khác. Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra căn nguyên sinh bệnh, thậm chí một số trường hợp còn không có nguyên nhân rõ ràng.
Một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh viêm đa dây thần kinh mãn tính là tổn thương thần kinh do đái tháo đường - biến chứng xuất hiện ở những người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nghiêm trọng hơn nếu người bệnh không kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Trong những trường hợp hiếm gặp, tiểu đường cũng có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh đơn nhân (chỉ ảnh hưởng đến một dây thần kinh).
2. Triệu chứng viêm đa rễ dây thần kinh
Các triệu chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng phổ biến nhất là:
- Cảm giác ngứa ran hoặc kiến bò, tê bì, "châm chích" (được gọi là dị cảm - paresthesia);
- Mất cảm giác ở cánh tay và chân;
- Cảm giác nóng rát ở bàn chân hoặc tay;
- Xuất hiện các cơn đau đột ngột;
- Cực kỳ nhạy cảm khi được chạm vào (được gọi là loạn cảm đau - allodynia);
- Yếu chi, có thể là do cơ bắp bị yếu hoặc teo;
- Không thể đi thẳng, dễ vấp hoặc té ngã;
- Khó nuốt.
3. Biến chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh
Bởi vì những người mắc bệnh viêm đa dây thần kinh mãn tính thường mất khả năng cảm nhận nhiệt độ và cảm giác đau, nên họ có thể tự làm bỏng hoặc gây vết thương hở cho chính mình mà không nhận thức được điều đó.
Nếu các dây thần kinh mắc bệnh nằm ở cơ quan nội tạng, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón, cũng như mất kiểm soát nhu động ruột và bàng quang. Ngoài ra, viêm đa rễ dây thần kinh cũng dẫn đến rối loạn chức năng tình dục và huyết áp thấp bất thường.
Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm đa dây thần kinh là hội chứng Guillain-Barre. Đây là tình trạng hiếm gặp, tiến triển đột ngột, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh ngay khi rời khỏi tủy sống. Các triệu chứng có xu hướng xuất hiện nhanh chóng và ngày càng xấu đi, đôi khi dẫn đến tê liệt. Ban đầu bệnh nhân sẽ bị yếu chi và ngứa ran, sau đó lan lên khắp cánh tay. Những trường hợp nặng hơn có thể gặp các vấn đề về huyết áp, nhịp tim và khó thở. Mặc dù rất nghiêm trọng, nhưng bệnh nhân có nhiều khả năng phục hồi nếu được điều trị sớm.
Viêm đa rễ dây thần kinh mãn tính là một dạng mãn tính của hội chứng Guillian-Barre. Khi đó các triệu chứng sẽ tiếp tục trong nhiều tháng và thậm chí kéo dài hàng năm. Khoảng 30% bệnh nhân có nguy cơ phải ngồi xe lăn, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
4. Chẩn đoán và điều trị
4.1. Chẩn đoán
Bệnh lý thần kinh ngoại biên có nhiều nguyên nhân tiềm năng. Bên cạnh khám sức khỏe và xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm đa dây thần kinh thường yêu cầu:
- Xem xét lịch sử y tế của bệnh nhân, bao gồm: Các triệu chứng, lối sống, nguy cơ tiếp xúc với chất độc, thói quen uống rượu và tiền sử gia đình mắc các bệnh về hệ thần kinh;
- Kiểm tra chức năng thần kinh;
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp CT hoặc MRI
- Điện cơ (EMG);
- Sinh thiết thần kinh hoặc da.
4.2. Điều trị
Mục tiêu điều trị viêm đa rễ dây thần kinh là để kiểm soát nguyên nhân gây bệnh và làm giảm các triệu chứng. Nếu các xét nghiệm cho thấy người bệnh không có tình trạng tiềm ẩn, bệnh nhân có thể chờ đợi xem liệu bệnh viêm đa dây thần kinh có cải thiện hay không.
Các loại thuốc thường được sử dụng để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh bao gồm:
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc có chứa opioid;
- Thuốc chống động kinh;
- Điều trị tại chỗ bằng kem thoa capsaicin;
- Miếng dán capocaine;
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng;
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine duloxetine (Cymbalta)...
Ngoài ra còn có một số phương pháp điều trị khác cũng có thể giúp giảm bớt các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên nói chung, chẳng hạn như:
- Kích thích dây thần kinh xuyên da (TENS);
- Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch;
- Tách lọc huyết tương;
- Vật lý trị liệu;
- Phẫu thuật.
Tóm lại, viêm đa rễ dây thần kinh là bệnh lý xuất hiện khi nhiều dây thần kinh bị ảnh hưởng cùng một lúc. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như các rối loạn vận động và giác quan xảy ra trên khắp cơ thể. Bệnh viêm đa dây thần kinh có thể gây đau, hoặc ngứa, sưng ở bàn chân, sau đó đến cẳng chân, ngón tay, bàn tay và cánh tay. Các biến chứng có thể bao gồm teo cơ hoặc yếu chi, khả năng vận động bị ảnh hưởng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com; mayoclinic.org