Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đang có xu hướng phổ biến hơn với nhiều diễn biến khó lường, ngay cả với người trẻ. Tuy nhiên để nhận biết các triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu còn chưa rõ ràng, nên nhiều người không biết bị bệnh.
1. Bị tiểu đường giai đoạn đầu là gì?
Bệnh tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu (glucose trong máu) quá cao. Điều này có thể là do cơ thể sử dụng insulin không đúng cách khiến cho lượng đường trong máu tăng cao bất thường (bệnh tiểu đường type 2) hay khi có sự phá hủy của tế bào beta sản xuất hormone insulin của đảo tụy dẫn tới thiếu hụt hoặc không có khả năng tạo ra insulin (bệnh tiểu đường type 1), làm rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ và khoáng chất.
Khi bệnh nhân bị tiểu đường, sẽ làm rối loạn chuyển hóa, các chất bột đường từ thực phẩm khi đưa vào cơ thể sẽ không tự chuyển hóa để tạo ra năng lượng, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng lượng đường tích tụ trong máu tăng dần. Khi lượng đường trong máu ở mức cao nguy cơ sẽ gây nên các bệnh lý về tim mạch, tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác trong cơ thể như thận, mắt, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Bệnh tiểu đường loại 1 thường được chẩn đoán khi còn bé. Ngược lại, bệnh tiểu đường loại 2 có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn ở người cao tuổi.
Tiền tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn được xác định là cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để trở thành bệnh tiểu đường loại 2. Do đó, có những thay đổi có thể được thực hiện để giảm khả năng tiến triển bệnh thành tiểu đường loại 2.
2. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu là gì?
Các triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu có thể bao gồm:
- Thường xuyên đi tiểu: Khi lượng đường trong máu cao, thận của bạn sẽ đào thải lượng đường dư thừa trong máu ra ngoài, khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Do đó, một trong những triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu là đi tiểu thường xuyên (khoảng 4-7 lần trong 24 giờ).
- Thèm uống nước liên tục: Trong khi thận làm việc thêm giờ và bạn đi tiểu thường xuyên hơn, các chất lỏng có giá trị sẽ được rút ra khỏi mô. Thường xuyên đi tiểu sẽ khiến cơ thể bị mất nước, do đó bạn cảm thấy khát nước và phải bù nước liên tục. Ở người bình thường, trung bình một ngày cần khoảng 2 lít nước, tuy nhiên người bị bệnh tiểu đường có thể uống nhiều hơn 4 lít/ngày.
- Mệt mỏi: Khi lượng đường trong máu cao, cơ thể bạn phải làm việc chăm chỉ để loại bỏ lượng đường dư thừa. Quá trình này không chỉ gây ảnh hưởng đến cơ thể bạn mà còn làm thay đổi cách cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Lượng đường máu quá cao có tác động gây mệt mỏi trong số các triệu chứng khác.
- Nhìn mờ: Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ của mắt, dẫn đến thủy tinh thể sưng lên. Khi lượng đường trong máu tăng và thấp hơn, thị lực của bạn có thể trở lại bình thường hoặc xấu đi, tương ứng. Nếu được phát hiện bệnh sớm và điều trị lượng đường trong máu ổn định thì tình trạng này có thể điều trị khỏi.
- Tăng cảm giác đói: Đây là một trong những triệu chứng nhận biết bạn bị tiểu đường giai đoạn đầu. Khi lượng máu cao, lúc này cơ thể bạn đang tích cực tìm cách loại bỏ nó. Do cơ thể thải ra quá nhiều đường glucose mà bạn nhận được từ thức ăn, nên có thể bị gia tăng cảm giác đói.
- Giảm cân không giải thích được: Với việc thải lượng glucose dư thừa, bạn đang mất đi nguồn năng lượng lớn nhất và khi cơ thể không thể sử dụng glucose để làm năng lượng, nó sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo và phá hủy protein trong cơ bắp, gây giảm cân một cách nhanh chóng.
- Vết cắt và vết thương chậm lành: Mạch máu bị tổn thương khiến tuần hoàn máu suy yếu. Do đó, máu đến vùng bị ảnh hưởng sẽ khó hơn và các vết cắt hoặc vết thương nhỏ sẽ khó lành, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để chữa lành. Quá trình chữa lành chậm này làm cho các vết cắt và vết thương chưa lành dễ bị nhiễm trùng, làm tăng nguy cơ phải cắt cụt chi.
- Ngứa ran hoặc tê bì ở bàn tay hoặc bàn chân: Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đáng kể đến các dây thần kinh. Tổn thương này bắt đầu bằng cảm giác đau nhức hoặc tê và có thể trở nên trầm trọng hơn thành đau hoặc bệnh thần kinh theo thời gian.
- Da đổi màu: Đề kháng insulin có thể khiến da phát triển bệnh viêm da dị ứng (acanthosis nigricans), thường xuất hiện ở các nếp nhăn ở cổ, nách hoặc bẹn. Vùng da sạm đen này có thể nổi lên và có kết cấu mịn như nhung.
- Nhiễm trùng nấm men: Lượng đường trong máu và lượng đường dư thừa trong nước tiểu tạo ra môi trường lý tưởng cho nấm men phát triển. Nấm men có thể ăn đường thừa ở các vùng sinh dục, cũng như miệng hoặc nách. Duy trì lượng đường trong máu giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng nấm men.
3. Các yếu tố rủi ro của người bị tiểu đường giai đoạn đầu
Nếu bạn nhận thấy mình có các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải hết sức lưu ý trong việc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ phổ biến:
- 45 tuổi trở lên;
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Lối sống ít vận động;
- Có thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh tiểu đường;
- Bệnh nhân đã từng bị bệnh tiểu đường thai kỳ;
- Bệnh nhân có tiền sử bị huyết áp cao, bệnh tim hoặc đột quỵ;
- Là người Mỹ gốc Phi, người thổ dân Alaska, người Mỹ da đỏ, người Mỹ gốc Á, người gốc Tây Ban Nha/ người Latinh, người Hawaii bản địa hoặc người dân đảo Thái Bình Dương.
Tóm lại, việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường giai đoạn đầu là rất quan trọng để điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ khỏi bệnh, giảm các biến chứng, kéo dài tuổi thọ và tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.