Các triệu chứng sau khi tán sỏi thận có thể gặp

Tán sỏi là phương pháp điều trị sỏi thận hiện đại được áp dụng rộng rãi. Theo dõi các triệu chứng sau tán sỏi thận có ý nghĩa quan trọng nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng và tai biến không mong muốn.

1. Đau lưng khi tán sỏi thận

Bệnh nhân sau khi tán sỏi thận thường có triệu chứng đau nhẹ, ê buốt vùng lưng tại vị trí tiếp xúc với máy tán sỏi, đau do căng bao thận và các cơ quan lân cận (gan, tụy, lách). Thông thường, triệu chứng này chỉ ở mức độ nhẹ và sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu cơn đau dữ dội hoặc tăng dần thì người bệnh cần cảnh giác với các bất thường xảy ra sau khi tán sỏi.

Đau lưng khi tán sỏi thận với mức độ đau tăng dần, cảm giác đau xuyên ra sau lưng và đau lan xuống vùng bẹn bìu có thể là biểu hiện của các tai biến sau mổ tán sỏi thận.

2. Đi tiểu ra máu sau khi tán sỏi thận

Hầu hết bệnh nhân sau khi tán sỏi cũng thường có triệu chứng tiểu máu, nhưng lượng máu qua nước tiểu ở mức độ ít và thường cải thiện nhanh chóng.

Hiện tượng đi tiểu ra máu kéo dài sau khi tán sỏi thận (có thể kèm tiểu buốt, tiểu rắt hoặc không) cảnh báo nguy cơ tổn thương đường tiết niệu như đụng dập thận, xây xát niêm mạc niệu quản, bàng quang và niệu đạo,..., thậm chí là sót sỏi. Một số tai biến ít gặp hơn như: Tụ máu dưới bao thận, kẹt niệu quản do chuỗi sỏi vụn vỡ ra từ thận và thoát xuống niệu quản và nhiễm trùng tiết niệu,... cũng có thể biểu hiện triệu chứng đi tiểu ra máu sau khi tán sỏi thận.

Do đó, bệnh nhân cần theo dõi màu sắc nước tiểu và báo với bác sĩ để kịp thời phát hiện và xử trí các biến chứng nguy hiểm.

3. Các triệu chứng khác sau khi tán sỏi thận

Một số biểu hiện thường thấy sau khi tán sỏi thận gồm:

  • Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn: Các triệu chứng này có thể là biểu hiện của nhiễm trùng tiết niệu (tại thận hoặc niệu quản, bàng quang,...) Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu này nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và để lại hậu quả nghiêm trọng.
  • Đau bụng: Các biến chứng trong và sau tán sỏi như: Vỡ thận, thủng bàng quang, thủng niệu quản, vỡ gan hoặc vỡ lách,... khiến bệnh nhân đau bụng dữ dội. Các trường hợp này cần được cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ đe doạ tính mạng của bệnh nhân.

4. Chăm sóc sau tán sỏi thận

Bệnh nhân sau khi tán sỏi ngoài cơ thể cần được điều trị và chăm sóc toàn diện nhằm phục hồi sức khỏe nhanh chóng, nâng cao hiệu quả tán sỏi, giảm tỷ lệ biến chứng và rút ngắn thời gian nằm viện.

  • Thuốc giảm đau thường được chỉ định nhằm điều trị hỗ trợ triệu chứng cho bệnh nhân sau khi tán sỏi. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm kháng sinh điều trị hoặc dự phòng nhiễm trùng đường tiểu, tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
  • Bệnh nhân được khuyến cáo uống nhiều nước mỗi ngày để giúp đào thải sỏi ra ngoài qua đường tiểu.
  • Thông thường, bệnh nhân được xuất viện sau tán sỏi ngoài cơ thể khoảng 2 ngày và sẽ được bác sĩ hẹn tái khám để đánh giá hiệu quả điều trị (thường sau 3-4 tuần xuất viện).
  • Nếu có dấu hiệu bất thường sau tán sỏi, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe