U tuyến yên là sự phát triển bất thường của khối u tại tuyến yên, một bộ phận của não có nhiệm vụ điều hòa sự cân bằng các nội tiết tố của cơ thể. Khi khối u chèn ép cấu trúc xung quanh có thể gây đau đầu, giảm thị lực.
1. Bệnh u tuyến yên là gì?
Tuyến yên là một tuyến nhỏ, có hình hạt đậu nằm ở đáy não, hơi sau mũi và giữa hai tai. Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng tuyến yên ảnh hưởng đến hầu như mọi bộ phận của cơ thể. Các hormone mà nó tạo ra giúp điều chỉnh các chức năng quan trọng, chẳng hạn như tăng trưởng, huyết áp và sinh sản.
U tuyến yên là sự tăng trưởng bất thường của khối u tại tuyến yên. Một bộ phận của não có nhiệm vụ điều hòa sự cân bằng các nội tiết tố (hormone) của cơ thể. Nhưng chính sự xuất hiện của khối u tuyến yên có thể sẽ dẫn đến việc sản xuất ra quá nhiều hormone kiểm soát các hoạt động chức năng của cơ thể. Hoặc ngược lại, một số khối u tuyến yên xuất hiện khiến cho việc sản xuất hormone ít đi, dẫn đến cơ thể không đủ lượng hormone cần thiết.
Đa số các khối u tuyến yên đều là khối u lành tính (không ung thư, hay còn gọi là u tuyến). U tuyến vẫn sẽ tồn tại hoặc phát triển ở tuyến yên hay các mô xung quanh nhưng sẽ không lan sang các khu vực khác của cơ thể.
Bệnh lý này khá hay gặp. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người bị u tuyến yên. Nhưng phần lớn những khối u tuyến yên này rất nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng hoặc không bao giờ có dấu hiệu gì và không cần thiết điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân u tuyến yên phải điều trị là rất thấp. Khối u tuyến yên chiếm tỷ lệ 25% khối u trong sọ được phẫu thuật.
2. Nguyên nhân gây bệnh u tuyến yên
Bệnh u tuyến yên là một căn bệnh cho đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra bệnh. Nhưng bên cạnh đó theo sự đánh giá của các nhà khoa học lớn trên thế giới thì căn bệnh này gây ra là do những yếu tố di truyền.
Việc rối loạn trong di truyền chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Các hormon do tuyến yên tạo ra nó giúp điều chỉnh một số chức năng quan trọng như tăng trưởng và sinh sản.
Bệnh này xảy ra với bất kỳ lứa tuổi nào kể cả những người cao tuổi, đặc biệt với những người có yếu tố di truyền về nội tiết tố nhiều, men 1.
Ở men 1, trong hệ thống nội tiết sẽ xuất hiện các khối u ở nhiều tuyến khác nhau. Sự thay đổi các yếu tố di truyền sẽ là một trong những nguyên nhân để u tuyến yên phát triển.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u tuyến yên
Mặc dù vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng lại có khá nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc u tuyến yên, bao gồm như:
- Tuổi tác: Bệnh u tuyến yên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở những người già.
- Di truyền: Bệnh thường gặp ở những người có thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1 (MEN I). Người mắc bệnh MEN 1 khi làm xét nghiệm sẽ thấy có nhiều khối u xuất hiện ở các tuyến khác nhau trong hệ thống nội tiết. Hiện nay đã có xét nghiệm di truyền để chẩn đoán căn bệnh này.
3. Triệu chứng và dấu hiệu của u tuyến yên
Các dấu hiệu, triệu chứng của u tuyến yên với mỗi người sẽ có các mức độ khác nhau do còn phụ thuộc vào kích thước khối u, vị trí, loại nội tiết tố khối u tiết ra, mức độ phát triển của khối u... Nhưng thường vẫn sẽ nhận biết qua các triệu chứng sau:
3.1. Rối loạn nội tiết
Hormon có vai trò quan trọng nên sự rối loạn nội tiết có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ cơ thể.
- Tăng tiết prolactin khiến người bệnh bị mất kinh nguyệt, chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, tiết sữa ở vú (mặc dù không có thai, không có kinh). Một số trường hợp người bệnh đi chữa vô sinh nhiều năm mới phát hiện bị u tuyến yên tăng tiết prolactin. Người bệnh nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, giảm hoặc mất cương, bất lực.
- Tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng GH (growth hormone) gây cho người bệnh nhiều rối loạn phát triển khác như to đầu chi, mặt to, trán rộng, trán dô, cằm rộng, môi dày, da thô, bàn chân và ngón chân to, bàn tay và ngón tay to ... Nhìn khuôn mặt của người bệnh bị u tuyến yên tăng tiết GH (Acromegaly) rất đặc biệt. Có thể chẩn đoán ngay người bệnh dựa vào việc quan sát khuôn mặt.
- U tuyến yên tăng tiết ACTH (adeno, cortisol, trophi, hormon) gây ra hội chứng Cushing. Khi này người bệnh thường có dấu hiệu tăng cân, vết rạn da ở bụng, đùi, tay... cơ nhẽo, bụng to, tay chân nhỏ.
- Dấu hiệu suy tuyến yên: Khối u tuyến yên không tăng tiết chèn ép tế bào tuyến yên lành làm suy tuyến yên, giảm tiết các nội tiết tố gây ra các triệu chứng như bất lực, vô sinh, rụng lông, mất ngon miệng, mệt mỏi, da khô, chậm phát triển hay chậm dậy thì ở trẻ em... Một số trường hợp chảy máu trong u tuyến yên có thể gây suy tuyến yên cấp với các dấu hiệu suy tuyến yên xuất hiện nhanh, đau đầu nhiều, đau đầu dữ dội, nhìn mờ nhanh. Tình trạng suy tuyến yên do u tuyến yên chảy máu là một cấp cứu ngoại khoa thần kinh cần phải được xử trí nhanh, đúng và kịp thời.
3.2.Rối loạn thị giác
Khối u tuyến yên nằm ngay ở hố yên, phía dưới giao thoa thị giác (nơi bắt chéo của hai dây thần kinh thị giác) nên khi u lớn, chèn ép gây rối loạn thị giác như nhìn mờ, bán manh (chỉ nhìn được một phía trong hay phía ngoài). Khi bị bán manh, người bệnh chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh ngay phía trước mặt, không nhìn được vật ở phía bên ngoài thái dương (bán manh thái dương), hoặc không nhìn thấy vật ở phía trong (bán manh phía mũi).
Một số người bệnh có thể nhận thấy được dấu hiệu bán manh, một số chỉ được bác sĩ phát hiện khi đi khám bệnh. U xâm lấn sang bên (vào xoang tĩnh mạch hang) gây ra lác mắt, nhìn đôi, tê bì mặt...do chèn ép dây thần kinh III, IV, V.
3.3.Tăng áp lực trong sọ
Đó là sự gia tăng áp lực trong não. Nó có thể do tăng lượng dịch xung quanh tổ chức não.
Những triệu chứng của tăng áp lực trong sọ là đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, giảm ý thức, thở nông, hôn mê...
Tăng áp lực trong sọ có rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não vĩnh viễn, hôn mê kéo dài và thậm chí là tử vong. Nên ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu của tổn thương trong sọ người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
4. Phòng ngừa u tuyến yên
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa u tuyến yên đó là tìm ra các biện pháp để hỗ trợ cho sức khỏe tốt, lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý:
- Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá
- Khám sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh
- Ngủ đủ giấc
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh stress
- Có chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Hy vọng những thông tin trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về u tuyến yên. Hãy đi khám ngay nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng giống với bệnh u tuyến yên hoặc trong gia đình có người bị u tuyến yên. Do cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở mỗi người nên việc thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý là cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02836221166 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.