Các nguyên nhân gây tinh hoàn ẩn ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tinh hoàn ẩn là bệnh khuyết tật về sự phát triển hay gặp ở nam giới. Sự suy giảm tuyến yên cùng với tuyến sinh dục ở bé trai có thể khiến trẻ bị mắc bệnh tinh hoàn ẩn. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác.

1. Nguyên nhân tinh hoàn ẩn xuất hiện ở trẻ

Khi sự di chuyển từ bụng xuống bìu của tinh hoàn chịu sự tác động của một số yếu tố. Trong trường hợp những yếu tố đó bị ảnh hưởng sẽ làm tinh hoàn không xuống được tới bìu và gây tinh hoàn ẩn. Những yếu tố gây nên tinh hoàn ẩn bao gồm:

1.1 Rối loạn vùng hạ đồi, tuyến yên và tuyến sinh dục

Sự suy tuyến yên, làm thiếu gonadotropin gây tinh hoàn ẩn và chứng dương vật nhỏ lại.

1.2 Sai lệch tổng hợp testosterone

Do thiếu men 17α-hydroxylase, 5α-reductase,... làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường.

1.3 Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen

Khi chức năng cảm nhận của các thụ thể androgen bị suy giảm chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của các chức năng sinh dục của nam giới bao gồm có sự đi xuống của tinh hoàn.

1.4 Sự ảnh hưởng của estrogen đến sự di chuyển của tinh hoàn tới bìu

Nếu trong trường hợp phụ nữ đang mang thai mà dùng diethylstilbestrol nhiều hay dùng kháng androgen thì thai nhi có nguy cơ bị tinh hoàn ẩn.

1.5 Sự phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn- bìu

Khi dây chằng tinh hoàn bìu có sự phát triển bất thường sẽ khiến cho tinh hoàn nằm lơ lửng trên cao dẫn đến không xuống được tới bìu.

1.6 Các yếu tố cơ học khác

Ngoài ra có thể kể đến các yếu tố cơ học gây cản trở sự di chuyển của tinh hoàn như là cuống mạch của tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn...


Sự phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn- bìu là yếu tố gây ẩn tinh hoàn ở trẻ
Sự phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn- bìu là yếu tố gây ẩn tinh hoàn ở trẻ

2. Dấu hiệu nhận biết tinh hoàn ẩn ở bé trai

Việc kiểm tra cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết để phát hiện những vấn đề về bộ phận sinh dục của trẻ bao gồm có tinh hoàn ẩn.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa tay vào trong bìu của trẻ để kiểm tra xem có tinh hoàn hay không hoặc là xem ở ống bẹn có khối u nổi lên hay không.

Ngoài ra khi bìu của trẻ kém phát triển, nguy cơ bị tinh hoàn ẩn khá là cao.

Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn ẩn ở xuất hiện trong ổ bụng hoặc lỗ bẹn sâu khi kiểm tra sẽ không sờ thấy tinh hoàn.

Khi muốn chắc chắn xem trẻ có bị tinh hoàn ẩn hay không bạn có thể đưa trẻ đi siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng để có thể xác định chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn.

Có thể làm xét nghiệm nội tiết tố: LH, FSH, prolactin, estradiol và testosterone để chẩn đoán tinh hoàn ẩn.

Nghiệm pháp HCG là một phương pháp hay được sử dụng để xác định xem tinh hoàn có hay không trong những trường hợp không sờ thấy cả hai tinh hoàn.

Hiện nay kỹ thuật gây tê khoang cùng là một trong những kỹ thuật được sử dụng để điều trị tinh hoàn ẩn tại bệnh viện Vinmec Đà Nẵng.


Hiện nay kỹ thuật gây tê khoang cùng là một trong những kỹ thuật được sử dụng để điều trị tinh hoàn ẩn tại bệnh viện Vinmec Đà Nẵng
Hiện nay kỹ thuật gây tê khoang cùng là một trong những kỹ thuật được sử dụng để điều trị tinh hoàn ẩn tại bệnh viện Vinmec Đà Nẵng

Đây là một kỹ thuật gây tê vùng được tiến hành bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng qua khe cùng và ống cùng. Giúp giảm đau trong và sau mổ cho hầu hết tất cả các phẫu thuật can thiệp trên phần bụng dưới và chi dưới như: Phẫu thuật tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn trẻ em. Vì thế, gây tê khoang cùng hay còn gọi là gây tê ngoài màng cứng qua khe xương cùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe