Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh lậu là một trong những bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục hàng đầu trên thế giới. Bệnh lậu có thể gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng nếu không được điều trị, nhưng có thể chữa khỏi bằng loại thuốc phù hợp. Hiện bệnh lậu đang có xu hướng tăng cao ở nam giới. Vậy triệu chứng bệnh lậu ở nam giới là gì?
1. Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Đây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến và ngày càng gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt ở thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi.
2. Triệu chứng của bệnh lậu ở nam giới
Những triệu chứng bệnh lậu thường bắt đầu 2 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên một vài nam giới bị nhiễm bệnh nhưng lại không phát triển triệu chứng đáng chú ý. Người nhiễm lậu cầu không có triệu chứng, được gọi là người mang mầm bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm.
Điển hình, bệnh có biểu hiện triệu chứng sau 1 tuần lây nhiễm. Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới khá dễ nhầm với một số bệnh khác. Triệu chứng đáng chú ý đầu tiên đó thường là cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu. Khi tiến triển, những triệu chứng khác là:
- Chảy mủ bộ phận sinh dục: Dương vật bị chảy mủ là dấu hiệu phổ biến nhất của việc nhiễm trùng. Tình trạng mủ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người bệnh có thể bị chảy mủ trong vòng hai tuần kể từ khi bị nhiễm trùng. Mủ chảy từ trong niệu đạo, màu vàng đặc hay vàng xanh.
- Viêm toàn bộ niệu đạo: Tiểu rắt, tiểu khó kèm theo sốt, mệt mỏi, tiểu ra mủ ở đầu bãi. Cảm giác nóng buốt tăng lên rõ rệt, có khi tiểu rất buốt khiến cho bệnh nhân phải tiểu từng giọt. Và có thể bị đi tiểu ra máu ở cuối bãi.
- Mông bị ngứa: Bệnh lậu có thể ảnh hưởng đến trực tràng, gây ngứa hậu môn và chảy máu. Một số trường hợp bị tiêu chảy và đau khi đi vệ sinh.
- Đau họng: Có thể xuất hiện bệnh lậu ở miệng nếu như quan hệ tình dục bằng miệng, bởi đây là một trong những đường lây truyền bệnh lậu. Nhiều người có thể bị lậu ở cổ họng mà không có triệu chứng rõ ràng.
- Đau hoặc sưng: Một số nam giới không có triệu chứng ban đầu khi mắc bệnh lậu. Tuy nhiên, khi nhiễm trùng lan sang các khu vực xung quanh như bìu và tinh hoàn, bạn sẽ bị viêm mào tinh hoàn đi kèm với đau háng, rất nguy hiểm.
3. Cách chữa bệnh lậu ở nam giới
Việc điều trị bệnh lậu ở nam cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị sau:
- Chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ quy định
- Điều trị bạn tình để tránh tái phát và lây lan bệnh
- Trong lúc điều trị tránh quan hệ tình dục, tránh gây sang chấn vùng sinh dục.
- Nên xét nghiệm HIV, giang mai để phát hiện kịp thời.
- Kết hợp điều trị Chlamydia
- Khám định kỳ lâm sàng và kiểm tra tiêu chuẩn khỏi bệnh
- Thuốc kháng sinh hiện nay có thể chữa khỏi hầu hết các nhiễm lậu cầu.
4. Cách phòng tránh bệnh lậu
- Cách an toàn nhất để phòng ngừa nhiễm bệnh lậu hoặc những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác đó là không quan hệ tình dục. Nếu có quan hệ tình dục cần nhớ luôn luôn sử dụng bao cao su.
- Cởi mở với người bạn tình, kiểm tra bệnh lý lây truyền qua đường tình dục đều đặn. Nếu bạn tình có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy tránh tiếp xúc tình dục và khuyên họ nên đi kiểm tra để loại trừ bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào có thể lây truyền.
- Quan hệ chung thủy một vợ một chồng, sử dụng các biện pháp an toàn trong quan hệ như sử dụng bao cao su đúng cách.
- Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ.
Bên cạnh đó, việc khám sàng lọc bệnh lậu là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện bệnh sớm, giúp điều trị đạt hiệu quả cao và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tổng hợp: Cục Y tế Dự phòng; cdc.gov; bphc.org