Các tình huống đặc biệt khi tiêm vacxin ngừa phế cầu khuẩn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Phế cầu khuẩn sống khu trú trong khoang mũi miệng con người, khi gặp các điều kiện thuận lợi sẽ tăng lên nhanh chóng, tấn công vào cơ thể chúng ta và gây nên nhiều bệnh cảnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não , viêm tai giữa hoặc nhiễm khuẩn huyết. Do đó, việc sử dụng vắc-xin phế cầu khuẩn là rất cần thiết để phòng lây nhiễm loại vi trùng này.

1. Phế cầu khuẩn là gì?

Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (viết tắt là S. pneumoniae), còn được gọi là khuẩn phế cầu. Đây là một vi khuẩn Gram dương (+), thuộc chi Streptococcus, khu trú trong khoang mũi họng và trong điều kiện bình thường không gây ra bệnh.

Tuy nhiên khi cơ thể có các điều kiện bất thường về sức khỏe như suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện... thì phế cầu khuẩn sẽ phát triển và gây ra bệnh.

Bệnh do phế cầu khuẩn gây ra là những bệnh lý phổ biến, hầu hết là nhiễm trùng nhẹ, nhưng đôi khi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe bao gồm: nhiễm trùng huyết, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi ,viêm màng não do phế cầu khuẩn....

Bệnh thường lây lan qua đường hô hấp khi có sự tiếp xúc, va chạm với người bệnh như hắt hơi, ho, hôn hoặc sử dụng chung các đồ dùng cá nhân. Tiêm phòng vacxin phế cầu khuẩn thường xuyên có thể ngăn ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn và hạn chế biến chứng phát sinh.

2. Vắc-xin phế cầu khuẩn có mấy loại?

Hiện nay, khuẩn phế cầu có ít nhất 90 chủng và tất nhiên không có loại vắc-xin phế cầu khuẩn nào có thể phòng được tất cả chủng. Do đó, các loại vắc-xin phế cầu khuẩn hiện nay chỉ dự phòng được những chủng phế cầu khuẩn phổ biến và hay gặp nhất, bao gồm 3 loại:

Hiện nay ở Viêt nam đang sử dụng 2 loại vắc- xin là Synflorix và Prevenar13

Theo khuyến cáo của các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 3 loại vắc xin này được chỉ định cho các đối tượng sau:

  • PCV 10 cho tất cả trẻ em từ 6 tuần tuổi - 5 tuổi
  • PCV13 cho tất cả trẻ em từ 6 tuần tuổi
  • PCV13 và PPSV23 cho tất cả người lớn từ 65 tuổi trở lên.
  • PCV13 và PPSV23 cho những người từ 2 đến 64 tuổi với một số bệnh cảnh nhất định.

Sự khác nhau giữa 2 loại vắc-xin phế cầu Synflorix và Prevenar 13:

  • Vắc-xin Synflorix: Là loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Vắc-xin Synflorix có chứa 10 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu gồm: 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F
  • Vắc-xin Prevenar 13: Chứa 13 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu gồm 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F. Loại vắc-xin này kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại những typ phế cầu kể trên, giúp ngăn ngừa các bệnh mà chúng có thể gây ra.

Về đối tượng chỉ định tiêm chủng:

  • Vắc-xin Synflorix: Tạo miễn dịch chủ động trước phế cầu khuẩn cho trẻ em từ 6 tuần - 5 tuổi. Có thể chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh lý tiềm ẩn, dễ mắc bệnh phế cầu xâm lấn (mắc bệnh hồng cầu hình liềm), rối loạn chức năng lá lách, nhiễm HIV;
  • Vắc-xin Prevenar 13: Chỉ định phòng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch và người cao tuổi. Những trường hợp mắc bệnh lý khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi, huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch,... cũng có thể được chỉ định tiêm vắc-xin Prevenar 13.

Hiện nay, khuẩn phế cầu có ít nhất 90 chủng
Hiện nay, khuẩn phế cầu có ít nhất 90 chủng

3. Lịch tiêm ngừa vắc-xin phế cầu khuẩn ở trẻ em dưới 5 tuổi

Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi

Liệu trình 3+1: 3 liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

  • Mũi 1: vào 2 tháng tuổi.
  • Mũi 2: vào 3 tháng tuổi.
  • Mũi 3: vào 4 tháng tuổi.
  • Mũi nhắc lại: tiêm sau 6 tháng kể từ lúc tiêm mũi thứ 3

Hoặc

  • Mũi 1: vào 2 tháng tuổi.
  • Mũi 2: vào 4 tháng tuổi.
  • Mũi 3: vào 6 tháng tuổi.
  • Mũi nhắc lại: tiêm sau 6 tháng kể từ lúc tiêm mũi thứ 3.

Trẻ từ 7-11 tháng (chưa từng được tiêm phòng vắc-xin phế cầu khuẩn trước đó)

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng.
  • Mũi nhắc lại: vào năm tuổi thứ 2 và cách mũi 2 ít nhất là 2 tháng.

Trẻ từ 12-23 tháng (chưa từng được tiêm phòng vắc-xin phế cầu khuẩn trước đó)

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 2 tháng.

Trẻ từ 24 tháng đến 5 tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc-xin phế cầu khuẩn trước đó)

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 2 tháng.

4. Tình huống đặc biệt khi tiêm ngừa vắc-xin phế cầu khuẩn

Không dùng vắc xin phế cầu trong những trường hợp nào?

  • Tránh dùng vắc xin phế cầu trong thai kỳ.
  • Không tiêm vắc xin phế cầu với người quá mẫn cảm với thành phần trong vắc xin hoặc với độc tố bạch hầu.
  • Không tiêm vắc xin phế cầu ở bệnh nhân giảm tiểu cầu hoặc bất kỳ rối loạn đông máu nào.
  • Không dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) đồng thời hoặc trong cùng ngày tiêm vắc xin phế cầu.

Tuổi từ 19 - 64 tuổi có các tình trạng bệnh lý mạn tính bao gồm tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, hoặc bệnh gan, tiểu đường, nghiện rượu hoặc hút thuốc lá: tiêm 1 liều Prevenar 13 hoặc PPSV 23 nhắc lại 3 năm / 1 lần.

Tuổi từ 19 trở lên với tình trạng suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải - bao gồm suy giảm tế bào lympho B và T, suy giảm chức năng bổ thể, rối loạn quá trình thực bào, nhiễm HIV, bệnh suy thận, hội chứng thận hư, bệnh bạch cầu, bệnh ung thư hạch bạch huyết, bệnh Hodgkin, ung thư nói chung, bệnh thận mạn, ức chế miễn dịch do điều trị - ví dụ hóa trị hoặc xạ trị, ghép tạng, đa u tủy) hoặc khuyết lách giải phẫu hoặc chức năng (bao gồm cả bệnh hồng cầu hình liềm và các bệnh huyết sắc tố khác): 1 liều PCV13 và thêm 1 liều PPSV23 cách đó ít nhất 8 tuần, sau đó tiêm thêm 1 liều PPSV23 ít nhất 5 năm sau liều PPSV23 trước đó. Từ 65 tuổi trở lên, tiêm thêm 1 liều PPSV23 ít nhất 5 năm sau liều PPSV23 gần nhất (ghi chú: chỉ 1 liều PPSV23 được khuyến cáo cho tuổi từ 65 trở lên).

Tuổi từ 19 tuổi trở lên bị rò rỉ dịch não tủy hoặc cấy ốc tai điện tử: 1 liều PCV13, tiếp theo là 1 liều PPSV23 cách đó ít nhất 8 tuần; khi 65 tuổi trở lên, sử dụng thêm 1 liều PPSV23 ít nhất 5 năm sau liều PPSV23 gần nhất (lưu ý: chỉ nên dùng 1 liều PPSV23 ở tuổi 65 trở lên).

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc xin phế cầu:

  • Trẻ bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, có nguy cơ chảy máu sau khi tiêm bắp.
  • Trẻ có nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn cao như: bệnh suy/cắt lách, nhiễm HIV, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính,... cần được tiêm vắc xin phế cầu khi dưới 2 tuổi.
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc điều trị ức chế miễn dịch.
  • Trẻ sinh non dưới 28 tuần tuổi, cần theo dõi cẩn trọng trẻ trong vòng 48 - 72 giờ sau tiêm, tránh nguy cơ suy hô hấp hoặc ngừng thở tiềm tang.
  • Một số trẻ phản ứng bất thường như: tụ máu tại chỗ tiêm, tiêu chảy, nôn, quấy khóc bất thường, nổi ban, chảy máu và sưng tại vị trí tiêm, sốt trên 40 độ, dấu hiệu dị ứng,... Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời theo dõi và can thiệp.
  • Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn hay gặp bao gồm nổi vài vết đỏ và phù nề tại chỗ tiêm hoặc đôi khi sẽ sốt nhẹ. Tuy nhiên, những tác dụng này chỉ thoáng qua và thường biến mất nhanh chóng, không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêm ngừa.

Có nên thay đổi các loại vắc xin phế cầu:

  • Nên hoàn tất phác đồ tiêm chủng với cùng một loại vắc-xin Synflorix hoặc Prevenar 13;
  • Trong trường hợp bất khả kháng có thể chuyển đổi vắc-xin Synflorix và Prevenar 13 ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch trình tiêm chủng;
  • Trẻ em trước 6 tuổi đã hoàn tất phác đồ tiêm vắc-xin Synflorix trước đó có thể được tiêm 1 liều Prevenar 13 để kích thích sinh miễn dịch với 6 typ huyết thanh bổ sung. Chú ý mũi tiêm Prevenar 13 bổ sung cần được tiêm cách mũi Synflorix cuối cùng 8 tuần.

Trẻ đã bị viêm tai giữa hoặc viêm phế quản, viêm phổi do phế cầu có cần tiêm vắc- xin phòng phế cầu không?

Nhiều bố mẹ phân vân không biết có nên cho trẻ đã mắc viêm phổi, viêm tai giữa tiêm vắc-xin phế cầu hay không? Nhiều người cho rằng trẻ đã bị viêm phổi, viêm tai giữa sẽ không mắc lại lần hai. Đúng là cơ thể trẻ sẽ tự tạo miễn dịch sau khi bị vi khuẩn phế cầu tấn công, tuy nhiên, có đến 90 tuýp vi khuẩn phế cầu khác nhau và loại này không tạo miễn dịch cho loại kia nên khi trẻ đã nhiễm 1 týp phế cầu vẫn có thể nhiễm týp phế cầu gây bệnh khác vào những lần sau. Nếu không thực hiện biện pháp phòng ngừa, mỗi người sẽ mắc một vài loại vi khuẩn phế cầu khác nhau trong suốt cuộc đời của mình.

Hơn thế nữa, tiêm vắc-xin phòng phế cầu khuẩn giúp phòng ngừa được nhiều bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn không chỉ có viêm tai giữa, viêm phổi. Vắc-xin còn có thể phòng viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết do các týp phế cầu có trong vắc-xin gây ra. Vì vậy, trẻ từng mắc viêm phổi, viêm tai giữa vẫn nên tiêm vắc-xin phòng phế cầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe