Bệnh viêm nướu răng là bệnh lý răng miệng hay gặp nhưng thường bị bệnh nhân lơ là dẫn đến bệnh nha chu, mất răng do xương và các mô liên kết quanh chân răng bị phá hủy. Bệnh rất khó điều trị nhưng không có nghĩa “không thể điều trị”. Một số loại thuốc trị viêm nướu răng mang lại hiệu quả cải thiện rất tốt cho người bệnh.
1. Bệnh viêm nướu răng là gì?
Viêm nướu răng (hay còn gọi là bệnh viêm lợi) là bệnh do các mảng bám bám trên răng lâu ngày gây kích ứng, mẩn đỏ dẫn đến sưng nướu. Viêm nướu răng là tình trạng rất phổ biến được xem như giai đoạn nhẹ của bệnh nha chu. Bệnh viêm rất dễ dàng phát hiện nhưng thường bị bỏ qua với ý nghĩ sẽ “tự khỏi”. Nhưng nếu viêm nướu răng không được chữa trị, tình trạng nướu tiếp tục bị tổn thương có thể chuyển sang giai đoạn chảy máu nướu, viêm nha chu, nặng hơn là rụng răng. Bệnh viêm nướu chủ yếu là do sau khi ăn nhai không vệ sinh răng sạch sẽ khiến vi khuẩn, vụn thức ăn dính ở kẽ răng, lâu ngày hình thành nên vôi răng, mảng bám.
Tình trạng chảy máu chân răng khi bị viêm nướu là do các dây chằng nha chu bị tổn thương dần đứt ra. Trong quá trình này người bệnh sẽ bị chảy máu cả khi không chải răng hoặc tác động gì đến răng. Dây chằng nha chu bị tổn thương đồng nghĩa với việc nướu răng đang phải chịu những kích ứng mạnh với triệu chứng sưng đỏ. Khi nướu tổn thương nhưng lại có sẵn ổ vi khuẩn tiếp tục tấn công thì nướu sẽ không còn sức đề kháng, dẫn đến viêm và hình thành các ổ mủ. Tình trạng này kéo dài sẽ sinh ra túi nha chu, tiêu xương ổ răng và tụt nướu khiến chân răng dài ra, khuyết cổ răng hoặc rụng răng.
2. Nguyên nhân gây viêm nướu răng
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm nướu răng là do các mảng bám ở răng. Các mảng bám là một hỗn hợp gồm thức ăn, vi khuẩn và nước bọt bám vào chân răng sau khi ăn. Theo thời gian, mảng bám sẽ tích tụ dần dần, trở nên cứng (gọi là vôi răng) và trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn tiết ra độc tố gây viêm nướu răng.
Một số nguyên nhân khác cũng góp phần làm bệnh viêm nướu răng diễn ra nhanh hơn:
- Vệ sinh răng miệng kém;
- Thói quen hút thuốc;
- Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể như mang thai hay sau mãn kinh...;
- Hệ miễn dịch bị suy yếu ở người mắc đái tháo đường, HIV/AIDS, ung thư...:
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm... gây hiện tượng giảm tiết nước bọt (đóng vai trò làm sạch vi khuẩn), từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.
3. Triệu chứng bệnh viêm nướu là gì?
Bình thường nướu răng có màu hồng nhạt, chắc khỏe nhưng khi bị viêm sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Nướu sưng, đỏ, đau đớn;
- Nướu mềm, không bám chắc vào chân răng;
- Chảy máu nướu răng (thường xuất hiện sau khi đánh răng);
- Hơi thở có mùi hôi...
4. Thuốc trị viêm nướu răng bao gồm những loại thuốc nào?
Các loại thuốc trị viêm nướu răng được dùng với mục đích loại bỏ các loại vi khuẩn trong miệng, cải thiện tình trạng sưng, đỏ, chảy máu chân răng. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc trị viêm nướu răng cần trao đổi với nha sĩ hoặc bác sĩ điều trị, tránh tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Các loại thuốc trị viêm nướu răng giúp cải thiện các triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, nha sĩ có thể đề nghị các loại thuốc trị viêm nướu răng như:
4.1. Thuốc giảm đau
Bệnh nhân mắc bệnh viêm nướu răng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau giúp kiểm soát cơn đau, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong việc ăn uống, vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Các loại thuốc giảm đau cụ thể thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm nướu răng sử dụng bao gồm:
- Acetaminophen: còn gọi là Paracetamol, được bào chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau giúp người bệnh có nhiều sự lựa chọn trong việc cải thiện cơn đau từ nhẹ đến vừa. Paracetamol được dung nạp tốt ở hầu hết bệnh nhân.
- Ibuprofen: một hoạt chất cũng thường được sử dụng để giảm đau kháng viêm ở nướu là ibuprofen thuốc khá an toàn và hiếm khi gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng cho bệnh nhân suy thận và bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, loét dạ dày tá tràng.
4.2. Thuốc chống viêm điều trị viêm nướu răng
Thuốc chống viêm Corticosteroid được sử dụng để làm giảm cảm giác khó chịu và sưng nướu, chỉ sử dụng theo chỉ định của nha sĩ trong một thời gian ngắn. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm prednisolon và dexamethason. Các loại thuốc này có tác dụng kháng viêm, giảm đau và ngăn ngừa tình trạng tổn thương tủy răng hiệu quả. Bên cạnh đó, thuốc kháng viêm corticosteroid cũng được sử dụng để cải thiện tình trạng sưng nướu, nhức răng, viêm nha chu hoặc bệnh răng miệng khác.
Lưu ý không sử dụng Corticosteroid cho trẻ em và trẻ sơ sinh bị viêm nướu răng trừ khi được sự hướng dẫn của nha sĩ.
4.3. Chất sát trùng răng miệng
Nước súc miệng có chứa chất sát trùng giúp hỗ trợ làm giảm số lượng vi khuẩn trong miệng, cải thiện tình trạng viêm lợi. Bên cạnh đó, khi kết hợp nước súc miệng với chỉ nha khoa, phương pháp đánh răng phù hợp... các chất sát trùng có thể làm tăng hiệu quả điều trị bệnh răng miệng.
Điều quan trọng khi chọn nước súc miệng là xác định thành phần của sản phẩm. Chlorhexidine là thành phần phổ biến nhất trong các loại thuốc súc miệng giúp điều trị viêm nướu răng.
Người bệnh có thể súc miệng với 15ml Chlorhexidine trong 30 giây, sử dụng 2 lần mỗi ngày, súc xong cần nhổ nước súc miệng đi, không được nuốt. Tuy nhiên dung dịch Chlorhexidine có thể gây ố màu răng, thay đổi nhận thức vị giác và làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám răng. Do đó, bệnh nhân cần trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, người bệnh viêm nướu răng có thể tham khảo một số thành phần khác cũng giúp hỗ trợ điều trị bệnh như:
- Cetylpyridinium clorua: tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, ngăn ngừa viêm nướu và hôi miệng;
- Tinh dầu: tinh dầu bạc hà, bạch đàn, cỏ xạ hương... có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và hỗ trợ điều trị viêm nướu.
4.4. Thuốc gây tê tại chỗ trong điều trị viêm nướu răng
Một số loại gel gây tê như Lidocaine và prilocaine được sử dụng như một loại thuốc trị viêm nướu răng giúp làm tê, mất cảm giác ở nướu bị ảnh hưởng, giúp cải thiện các triệu chứng viêm lợi. Thuốc chứa hỗn hợp gây tê cục bộ cho tác động lên dây thần kinh trong nướu và được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ nha khoa. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn dẫn đến một số tác dụng phụ như:
- Sưng hoặc kích ứng nướu răng;
- Buồn nôn.
4.5. Thuốc kháng sinh
Nha sĩ có thể kê kháng sinh là một loại thuốc trị viêm nướu răng mãn tính không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Các loại kháng sinh thường sử dụng để điều trị viêm nướu gồm:
Điều trị tình trạng viêm lợi nghiêm trọng:
- Penicillin là loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm nướu răng với liều lượng 500 miligam (mg) mỗi 8 giờ hoặc 1.000 mg mỗi 12 giờ.
- Erythromycin: tác dụng tương tự như Penicillin, được sử dụng khi người bệnh dị ứng với Penicillin;
- Clindamycin: có thể chống lại nhiều loại vi khuẩn trong miệng. Liều dùng thông thường là 300 mg hoặc 600mg, 8 giờ một lần;
- Azithromycin: được sử dụng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây viêm nướu, chỉ định khi người bệnh bị dị ứng với penicillin;
- Tetracycline: sử dụng để giảm hoặc loại bỏ tạm thời vi khuẩn có thể gây viêm nướu răng. Thuốc còn ngăn ngừa tình trạng viêm loét nướu, chảy máu chân răng, viêm chân răng có mủ...
4.6. Thuốc bôi trị viêm nướu răng
Đây là dạng thuốc dùng ngoài được sử dụng bằng cách bôi trực tiếp vào chỗ nướu răng bị viêm. Sản phẩm thường được bào chế ở dạng gel như thuốc Metrogyl, dạng dung dịch để súc miệng như Chlorhexidine 0,25% hoặc dạng sợi như kháng sinh Tetracycline để đưa vào túi quanh răng.
Bác sĩ thường sẽ chỉ định đồng thời cả thuốc dùng đường toàn thân và tại chỗ để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn.
Các loại thuốc trị viêm nướu răng mang lại hiệu quả cao khi sử dụng đúng cách. Vì vậy người dùng nên trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể về loại thuốc và cách sử dụng sao cho hợp lý. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc phòng ngừa bệnh viêm nướu răng bằng cách vệ sinh răng miệng thật tốt, không hút thuốc, đi khám răng đều đặn... là những biện pháp hữu ích giúp phòng tránh bệnh viêm nướu răng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.