Hậu môn là vị trí nhạy cảm có thể dẫn đến nhiều bệnh khác nhau liên quan đến biểu hiện viêm loét. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số thuốc trị viêm hậu môn thường gặp.
1. Nguyên nhân dẫn đến viêm loét hậu môn
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng viêm hậu môn như bệnh lý đường tiêu hóa hoặc do các tác nhân như nấm, ký sinh trùng,... Ngoài ra, viêm loét hậu môn còn có thể do những nguyên nhân tiềm ẩn khác như:
- Bệnh lý viêm đường ruột.
- Viêm nhiễm lây qua đường quan hệ tình dục, đặc biệt ở những người quan hệ qua đường hậu môn.
- Bệnh nhân sau thực hiện xạ trị tuyến tiền liệt, trực tràng hoặc một số cơ quan ở vị trí lân cận cũng có thể dẫn đến niêm mạc hậu môn bị viêm.
- Việc sử dụng kháng sinh quá nhiều trong thời gian dài có thể tiêu diệt cả hệ vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại.
- Do phẫu thuật lệch hướng trực tràng làm ảnh hưởng đến hướng di chuyển của phân và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Tiêu thụ quá mức thực phẩm có chứa protein cũng là một nguyên nhân dẫn tới viêm nhiễm vùng hậu môn.
Bất cứ ai cũng có thể mắc phải tình trạng viêm loét hậu môn. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ cao như:
- Bệnh nhân mắc bệnh viêm đường ruột.
- Bệnh nhân sau khi thực hiện xạ trị ở các cơ quan gần trực tràng, tuyến tiền liệt hay buồng trứng,...
- Những người có thói quen sinh hoạt không khoa học như thường xuyên sử dụng nhiều rượu bia, không vệ sinh cơ thể sạch sẽ, uống không đủ nước, ăn ít trái cây và chất xơ, thường xuyên nhịn đi ngoài, lười vận động, người ngồi làm việc lâu ở một chỗ,...
- Sử dụng quá mức thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Quan hệ tình dục không an toàn như quan hệ với nhiều bạn tình khác nhau, quan hệ bằng đường hậu môn,...
2. Triệu chứng thường gặp khi bị viêm loét hậu môn
Khi bị viêm hậu môn, bệnh nhân thường gặp phải những triệu chứng điển hình sau:
- Xuất hiện cảm giác đi ngoài thường xuyên mặc dù không có nhu cầu.
- Đau vùng hậu môn và có thể kèm theo chảy máu.
- Đau vùng bụng bên trái.
- Trực tràng luôn có cảm giác đầy.
- Bệnh nhân bị tiêu chảy.
- Đau khi đi đại tiện
- Ngứa vùng hậu môn thường xuyên.
3. Các thuốc trị viêm loét hậu môn
3.1. Điều trị nứt hậu môn
Nứt hậu môn có thể xảy ra do những sang chấn tại chỗ làm căng giãn quá mức ống hậu môn như đi ngoài phân cứng khô làm niêm mạc hậu môn bị rách theo chiều dọc. Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc mắc các bệnh lý viêm vùng hậu môn trực tràng cũng có thể dẫn đến nứt hậu môn. Đối với các vết nứt cấp tính thường nông và thời gian lành vết thương nhanh nếu được điều trị đúng. Các vết nứt mạn tính nếu kéo dài hơn 1 tháng có thể gây loét sâu đến tận cơ thắt hậu môn do nguyên nhân gây bệnh chưa được giải quyết triệt để.
Một số thuốc dùng để điều trị nứt hậu môn gồm thuốc giảm đau như Diclophenac 50mg hoặc Mobic 7,5mg và các loại kháng sinh như Amoxicillin, Erythromycin, Augmentin được dùng khi bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng đi kèm.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần chú ý loại bỏ các tác nhân gây bệnh bằng cách chống táo bón hoặc làm mềm phân với cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Bệnh nhân cần uống đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần thiết khoảng 2 lít/ngày. Nước có tác dụng làm mềm phân để tránh các tổn thương gây nứt hậu môn và tránh làm tái phát tình trạng này. Ngoài ra, cần tăng cường chất xơ trong bữa ăn hằng ngày như rau cải, đậu, trái cây.
3.2. Viêm ống hậu môn
Viêm ống hậu môn khởi đầu với cảm giác đau rát vùng hậu môn hoặc cạnh hậu môn. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt cao, mệt mỏi, sưng nề nóng quanh hậu môn, hậu môn đỏ, nề nhẹ có thể kèm theo rách phần da vùng niêm mạc hậu môn.
Điều trị viêm ống hậu môn bằng nhóm thuốc kháng sinh như Augmentin 625mg, Zinnat 500mg, Ciprofloxacin 200mg. Ngoài ra, có thể sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm như Mobic 7,5mg, Tatanol 500mg, Paracetamol 500mg. Kết hợp ngâm vùng hậu môn bằng nước muối ấm pha loãng để giúp giảm sưng, ăn nhiều chất xơ và bổ sung thêm vitamin và các loại khoáng chất.
3.3. Viêm tấy tầng sinh môn
Đây là bệnh lý có biểu hiện toàn thân với tình trạng nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, người gầy gò, mạch nhanh. Khám vùng tầng sinh môn thấy phù nề, đỏ đau và thậm chí lan rộng lên bẹn hoặc vùng mông. Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện hoại tử.
Bệnh nhân mắc viêm tấy tầng sinh môn thường được nhập viện để điều trị hồi sức kèm theo bù nước và điện giải. Có thể sử dụng kháng sinh liều cao phối hợp từ 2 loại trở lên như Augmentin 1g Metrodiazol 0,5g, Cefuroxim 1g và Metrodiazol 0,5g. Các thuốc này được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều cao và dùng liên tục kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm thuốc giảm đau, kháng viêm bằng đường tiêm như Mobic 7,5mg và Efferalgan 1g.
3.4. Áp xe cạnh hậu môn
Áp xe cạnh hậu môn là tình trạng ổ mủ nhiễm trùng ở bên cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do các tuyến hậu môn nhỏ tiết nhờn bị tắc nghẽn gây ra nhiễm trùng bộc phát tạo thành ổ mủ ngoài da.
Điều trị áp xe cạnh hậu môn bằng các thuốc có tác dụng toàn thân như kháng sinh Augmetin, Unasyn, Ciprofloxacin và các thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm như Diclophenac, Paracetamol, Panadol.
4. Phòng ngừa viêm loét hậu môn
Để phòng ngừa bệnh loét hậu môn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Hạn chế sử dụng trà và cà phê, vì đây là 2 yếu tố thuận lợi gây ra bệnh táo bón. Bổ sung đầy đủ lượng rau xanh và chất xơ hằng ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Tăng cường tham gia các hoạt động thể chất như luyện tập thể dục thường xuyên, tham gia các môn thể thao có tính vận động cơ thể như chạy bộ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông hay bơi lặn.
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, tránh thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý nội khoa đi kèm như bệnh đái tháo đường thì cần giữ mức đường huyết luôn ở trạng thái ổn định để làm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng nặng.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về các thuốc điều trị viêm loét hậu môn để có cách dùng thuốc hiệu quả, tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.