Không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn quá trình bạch biến - mất tế bào sắc tố. Nhưng một số loại thuốc điều trị bạch biến, được sử dụng 1 mình, kết hợp hoặc với liệu pháp ánh sáng, có thể giúp phục hồi một số màu sắc trên da. Bác sĩ da liễu của bạn đề xuất loại thuốc bôi thích hợp dựa trên kích thước, kiểu và vị trí của các mảng bạch biến, có thể kết hợp với liệu pháp quang trị liệu hoặc liệu pháp laser để tăng cường hiệu quả của cả 2 phương pháp điều trị.
1. Điều trị bệnh bạch biến
Việc lựa chọn phương pháp điều trị bạch biến tùy thuộc vào độ tuổi của bạn, mức độ tổn thương da và vị trí, bệnh tiến triển nhanh như thế nào và nó ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào.
Các loại thuốc và liệu pháp dựa trên ánh sáng có sẵn để giúp phục hồi màu da hoặc làm đều màu da, mặc dù kết quả khác nhau và không thể đoán trước. Và một số phương pháp điều trị có tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghị trước tiên bạn nên thử thay đổi diện mạo của làn da bằng cách thoa sản phẩm tự nhuộm da hoặc trang điểm.
Nếu bạn và bác sĩ của bạn quyết định điều trị tình trạng của bạn bằng thuốc, phẫu thuật hoặc liệu pháp, quá trình này có thể mất nhiều tháng để đánh giá hiệu quả của nó. Và bạn có thể phải thử nhiều hơn một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp trước khi tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với mình.
Ngay cả khi điều trị thành công trong một thời gian, kết quả có thể không kéo dài hoặc các mảng mới có thể xuất hiện. Bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc bôi ngoài da như một liệu pháp duy trì để giúp ngăn ngừa tái phát.
2. Các thuốc điều trị bạch biến
Không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn quá trình bạch biến - mất tế bào sắc tố (melanocytes). Nhưng một số loại thuốc, được sử dụng một mình, kết hợp hoặc với liệu pháp ánh sáng, có thể giúp phục hồi một số màu sắc trên da. Cùng tìm hiểu xem bị bạch biến bôi thuốc gì?
- Thuốc kiểm soát viêm: Thoa kem corticosteroid lên vùng da bị ảnh hưởng có thể làm da trở lại màu. Điều này có hiệu quả nhất khi bệnh bạch biến vẫn còn ở giai đoạn đầu. Loại kem này hiệu quả và dễ sử dụng, nhưng bạn có thể không thấy những thay đổi về màu da của mình trong vài tháng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm mỏng da hoặc xuất hiện các vệt hoặc đường kẻ trên da của bạn. Thông thường, corticosteroid tại chỗ được kê đơn như một phần của kế hoạch điều trị dài hạn bao gồm các cuộc hẹn tái khám với bác sĩ da liễu của bạn hai đến bốn lần mỗi năm. Các dạng nhẹ hơn của thuốc có thể được kê cho trẻ em và những người có vùng da bị đổi màu rộng. Thuốc uống hoặc thuốc tiêm corticosteroid có thể là một lựa chọn cho những người có tình trạng tiến triển nhanh chóng.
- Các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch: Thuốc ức chế calcineurin là một loại thuốc điều chỉnh miễn dịch, nghĩa là chúng có tác dụng ngăn hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào hắc tố sản xuất sắc tố. Thuốc ức chế calcineurin thường chỉ được kê đơn khi corticosteroid tại chỗ không hiệu quả hoặc khi bệnh bạch biến ảnh hưởng đến vùng da nhạy cảm không thể điều trị bằng corticosteroid tại chỗ. Chúng bao gồm mí mắt, môi và bộ phận sinh dục. Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ có sẵn dưới dạng thuốc mỡ gọi là tacrolimus hoặc dưới dạng kem gọi là pimecrolimus. Những loại thuốc này được bôi trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng một hoặc hai lần một ngày và có thể bắt đầu có tác dụng trong vòng vài tháng. Nếu hiệu quả, chúng thường là một phần của kế hoạch điều trị dài hạn. Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ đã được sử dụng an toàn trong hơn một thập kỷ. Chúng có xu hướng tạo ra ít tác dụng phụ lâu dài hơn so với corticosteroid và có thể được sử dụng một cách an toàn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tác dụng phụ có thể bao gồm cảm giác châm chích khi lần đầu tiên sử dụng thường mất dần theo thời gian. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về mối liên hệ có thể có giữa các loại thuốc này với ung thư hạch và ung thư da.
- Thuốc Calcipotriene bôi tại chỗ: Calcipotriene là 1 dẫn xuất tổng hợp của vitamin D ban đầu được phát triển để điều trị bệnh vẩy nến. Nó có sẵn dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ. Khi bôi hai lần mỗi ngày, thuốc này có thể kích thích sản xuất sắc tố ở những vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh bạch biến. Thường phải mất vài tháng điều trị mới thấy được kết quả. Một số người bị kích ứng da nhẹ sau khi bôi thuốc, nhưng các tác dụng phụ khác không phổ biến. Calcipotriene có thể hiệu quả nhất đối với bệnh bạch biến khi kết hợp với các loại thuốc bôi khác, liệu pháp quang trị liệu hoặc phương pháp điều trị bằng laser.
- Thuốc giảm sắc tố tại chỗ: Nếu bệnh bạch biến bao phủ hơn 50% da của bạn và các phương pháp điều trị tại chỗ hoặc ánh sáng khác không hiệu quả trong việc tái tạo sắc tố da, bác sĩ da liễu của bạn có thể thảo luận về khả năng sử dụng thuốc bôi để loại bỏ sắc tố khỏi phần còn lại của da. Sự giảm sắc tố, hoặc loại bỏ màu da, có thể dẫn đến một làn da sáng nhất quán trên khắp cơ thể bạn. Để loại bỏ màu khỏi da của bạn, các bác sĩ da liễu kê toa một loại thuốc gọi là monobenzone. Bạn bôi thuốc này 2 lần 1 ngày lên các vùng da có sắc tố. Dần dần, loại thuốc này làm cho các vùng sắc tố mờ dần, cuối cùng phù hợp với các mảng da sáng hơn do bệnh bạch biến gây ra. Có thể mất nhiều năm để đạt được sự mất sắc tố hoàn toàn. Da bị mất sắc tố rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Cần siêng năng sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 30 trở lên và quần áo bảo hộ mỗi khi bạn ở ngoài trời. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể kích hoạt các tế bào sắc tố trong nang lông bên dưới da, gây ra đốm không mong muốn. Tác dụng phụ của monobenzone bao gồm kích ứng da và mẩn đỏ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.