Trên thực tế có rất nhiều dạng dị ứng gây ra tình trạng viêm kết mạc mắt. Trong trường hợp này chúng ta cần xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh để tìm ra cách điều trị và phòng ngừa tái phát. Chính vì vậy bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến bạn các thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc dị ứng an toàn và hiệu quả nhất.
1. Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc dị ứng
Phần lớn tình trạng viêm kết mạc dị ứng là do những phản ứng quá mẫn loại I đến một kháng nguyên cụ thể. Trong đó gồm có:
- Viêm kết mạc dị ứng theo mùa (do sốt cỏ khô): Hình thành do các bào tử nấm mốc lẫn trong không khí, phấn hoa của cây, cỏ hoặc cỏ dại. Bệnh thường có xu hướng tăng mạnh vào mùa xuân, cuối hè hay mùa thu sớm, sau đó sẽ biến mất trong những tháng mùa đông. Thời gian bệnh sẽ tương ứng với chu kỳ sống của các loại cây gây bệnh.
- Viêm kết mạc dị ứng lâu năm: Thường do bọ chét, bọ ve trên gia súc và các chất gây dị ứng không theo mùa khác. Chính vì vậy mà những chất gây dị ứng này, đặc biệt là trong nhà sẽ có xu hướng gây bệnh quanh năm.
- Viêm kết mạc mùa xuân: Là viêm kết mạc có tính chất nghiêm trọng hơn, thường xảy ra phổ biến ở nam giới từ 5 - 20 tuổi kèm theo chàm, hen suyễn hoặc dị ứng theo mùa. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và thuyên giảm dần trong mùa thu và đông. Nhiều trẻ nhỏ sẽ chấm dứt tình trạng này khi trưởng thành sớm.
Viêm kết giác mạc dị ứng thường kèm theo những biểu hiện phổ biến sau đây:
- Ngứa mắt từ ít tới nhiều.
- Sưng huyết kết mạc.
- Mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng (trường hợp nặng người bệnh sẽ trở nên sợ ánh sáng).
- Chảy nước mắt nhiều.
- Bị cương tụ, phù đồng thời xuất tiết kết mạc.
- Kết mạc nhãn cầu có thể sẽ bị phù nề kèm hơi mờ đục.
- Viêm và nhiễm trùng mi mắt, đặc trưng với tình trạng phù nề, sưng huyết và sẩn lichen hoá mi trên.
2. Các thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng dùng thuốc gì? Các loại thuốc nhỏ mắt viêm kết giác mạc dị ứng đều có khả năng kiểm soát phản ứng dị ứng, làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh và phòng chống viêm nhiễm. Trong đó bao gồm:
- Nhóm thuốc kháng histamin như: Brompheniramine, olopatadine, emedastine, epinastine, antazoline, ketotifen fumarate, alcaftadine,...
- Thuốc chống dị ứng và ổn định tế bào mắt như: Cromolyn sodium, lodoxamide tromethamine,...
- Thuốc chống viêm như: Fluorometholone,...
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm một số loại thuốc nhỏ mắt kháng kích ứng, có chứa các hoạt chất bôi trơn, chống tình trạng sưng huyết như: Polyvinyl alcohol, polyvidon, glycerin, naphazoline, tetrahydrozoline...
Tuy nhiên, tương tự như bất cứ loại thuốc nào, thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Gây châm chích, ngứa mắt, bỏng mắt, mờ mắt tạm thời, đau rát, sưng và đỏ mắt, phát ban, gặp các vấn đề về thị lực, buồn ngủ, chóng mặt, bồn chồn, buồn nôn và nôn mửa, cơ thể mệt mỏi, lú lẫn, khó đi tiểu...
Chính vì vậy, mặc dù những loại thuốc điều trị viêm kết mạc dị ứng nói trên đều được bán rộng rãi và phổ biến. Thế nhưng người bệnh tuyệt đối không tự ý mua sử dụng, mà cần thăm khám để nhận được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Vì các loại thuốc có tác dụng chống dị ứng, giảm viêm, kháng viêm chỉ được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn, không nên lạm dụng điều trị trong thời gian dài.
Hãy liên hệ và tham khảo ý kiến của bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu bạn gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc nhỏ mắt khi điều trị viêm kết mạc.
3. Mắt bị viêm kết mạc nên chăm sóc như thế nào?
Khi bị viêm kết mạc, người bệnh cần đặc biệt chú trọng tới việc vệ sinh mắt hàng ngày, ngoài ra cần bảo vệ và phòng ngừa bệnh lây lan cho người khác bằng cách:
- Không dùng tay hoặc đồ vật dụi, chạm vào mắt, cần mang kính bảo vệ mắt nhất là khi đi ra ngoài hoặc làm việc có nguy cơ gây hại cho mắt.
- Không nên chạm đầu lọ thuốc nhỏ mắt vào mắt hoặc mi mắt khi nhỏ thuốc, bởi nó có thể khiến vi khuẩn xâm nhập và gây bẩn lọ thuốc.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: Kính mắt, khăn mặt, chậu rửa mặt, thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, vỏ gối...
- Chườm mát hoặc chườm ấm lên mắt, dùng nước mắt nhân tạo khi bị viêm kết mạc dị ứng sẽ giúp làm giảm triệu chứng và tạo cảm giác dễ chịu hơn.
- Cần loại bỏ các tác nhân gây ra tình trạng viêm kết mạc như: Bụi bẩn, lông chó mèo, phấn hoa... bằng cách dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nuôi và tiếp xúc với chó mèo, nên đóng bớt cửa sổ...
- Sử dụng nước đảm bảo vệ sinh để rửa mặt, vệ sinh mắt nhẹ nhàng mỗi ngày bằng nước muối sinh lý.
- Nếu cảm thấy việc dùng thuốc nhỏ mắt là quá khó khăn, bạn có thể hỏi bác sĩ về cách chữa viêm giác mạc dị ứng hiệu quả bằng thuốc mỡ kháng sinh. Thuốc này sử dụng bằng cách thoa một lớp mỏng lên nơi tiếp giao của hai mí mắt để tan chảy và đi vào mắt.
Hy vọng rằng, sau bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn về các thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc dị ứng. Đây là căn bệnh không quá nguy hiểm, có thể điều trị khỏi ngay tại nhà nếu thực hiện đúng phương pháp, tuy nhiên cũng rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng khi người bệnh chủ quan, lơ là.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.