Việc sử dụng cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đều có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Dưới đây là thông tin về các loại thuốc làm giảm hấp thụ thức ăn mà bạn nên biết.
1. Tương tác giữa thuốc và thực phẩm
Tương tác giữa thuốc và chất dinh dưỡng là tác dụng của thuốc đối với thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Thuốc tương tác với thực phẩm và chất dinh dưỡng theo nhiều cách. Thuốc có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, thay đổi cách hấp thụ, chuyển hóa hoặc bài tiết chất dinh dưỡng.
Tương tác này gây lo ngại rằng thuốc có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng hoặc chế độ ăn uống của bạn có thể thay đổi cách thức hoạt động của thuốc. Điều này không có nghĩa là nếu đang dùng thuốc thì bạn cần sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất. Ít có khả năng dùng thuốc trong thời gian ngắn, chẳng hạn như điều trị trong 10 ngày, sẽ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bạn. Tuy nhiên, việc sử dụng một số loại thuốc trong nhiều tháng hoặc nhiều năm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe dinh dưỡng của bạn.
Trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, những người được nuôi dưỡng kém và người mắc bệnh mãn tính có nhiều nguy cơ bị thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe dinh dưỡng của họ hơn. Thay đổi chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất hơn là việc bổ sung vitamin hoặc khoáng chất. Trên thực tế, việc bổ sung vitamin và/hoặc khoáng chất khi dùng quá mức có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
2. Thuốc làm giảm hấp thụ thức ăn
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể con người hấp thụ chất dinh dưỡng , sau đó sẽ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Ví dụ điển hình của các phản ứng như vậy là:
2.1. Phản ứng thải sắt
- Phản ứng thải sắt xảy ra với khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Trong quá trình thải sắt, một hóa chất như dược phẩm liên kết với một khoáng chất khiến hệ tiêu hóa của con người khó hấp thụ hơn.
- Tetracycline và ciprofloxacin có thể thải sắt hoặc liên kết canxi trong các sản phẩm từ sữa hoặc thực phẩm bổ sung và ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Sự sẵn có của các khoáng chất khác như sắt, magie và kẽm cũng có thể bị giảm khi thải sắt
Lời khuyên:
Để tránh thải canxi, magie, sắt và kẽm khi bạn dùng kháng sinh tetracycline và ciprofloxacin, hãy bổ sung khoáng chất ít nhất 2 đến 6 giờ sau khi dùng kháng sinh.
2.2. Hấp phụ
- Sự hấp phụ (không nên nhầm lẫn với sự hấp thụ), liên quan đến một quá trình trong đó các hóa chất như dược phẩm liên kết với các chất dinh dưỡng để chúng không thể được hấp thụ trong cơ thể.
- Chất cholestyramine cô lập axit mật, được sử dụng để điều trị tăng cholesterol trong máu, cũng hấp thụ các vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K tan trong chất béo, do đó, việc sử dụng cholestyramine lâu dài có thể dẫn đến thiếu hụt các vitamin này.
Lời khuyên:
Bệnh nhân dùng cholestyramine để giảm mức cholesterol trong máu nên bổ sung vitamin, đặc biệt nếu bệnh nhân phải dùng thuốc nhiều hơn một lần một ngày.
2.3. Giảm hấp thu
Các thuốc ức chế hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm hay những thuốc làm cường giao cảm, điển hình là atropin điều trị ngộ độc hay điều trị các cơn đau co thắt, prostigmin điều trị liệt cơ... Những thuốc này làm giảm rõ rệt số lượng dịch nước bọt, thể tích dịch ruột nên giảm khả năng phân huỷ thức ăn. Vì vậy, người bệnh dùng các thuốc này thường cảm thấy khô miệng, chán ăn.
- Dầu khoáng (được sử dụng làm thuốc nhuận tràng) cũng làm giảm hấp thu các vitamin tan trong chất béo A, D, E và K, có thể gây ra sự thiếu hụt đặc biệt nếu sử dụng dầu khoáng trong thời gian dài. Ví dụ về dầu khoáng: Paraffin lỏng (thuộc nhóm thuốc không kê đơn)
Lời khuyên:
Uống dầu khoáng vào buổi sáng và bổ sung vitamin ít nhất 2 giờ sau đó. Nếu bạn tự điều trị bằng Liquid Paraffin vì táo bón, thì bạn hoàn toàn có thể bị thiếu hụt các loại vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K.
2.4. Tăng tốc thời gian vận chuyển
- Các thuốc nhuận tràng dùng để điều trị táo bón có tác dụng làm tăng nhu động ruột khiến thức ăn qua ruột quá nhanh. Chỉ trong chưa tới 4 giờ sau ăn, quá trình lưu thông đã kết thúc, thức ăn bị đẩy tới tận hậu môn. Tốc độ chóng mặt này làm các men tiêu hoá không kịp ngấm vào sâu, các phản ứng phân cắt chưa kịp thực hiện, các công đoạn hấp thu chưa kịp hoàn thành thì thức ăn đã đi... ra ngoài. Vì vậy, cơ thể không thể hấp thụ dinh dưỡng.
Lời khuyên:
Không dùng thuốc nhuận tràng bừa bãi, đặc biệt cho các mục đích như giảm cân. Chức năng của thuốc nhuận tràng tốt là thúc đẩy nhu động ruột nhẹ nhàng và bài tiết thoải mái. Nếu thuốc nhuận tràng bạn đang sử dụng gây chuột rút, đau và tiêu chảy thì nên ngừng ngay vì điều này có thể gây mất cân bằng điện giải nói trên hoặc gây tử vong. Lạm dụng thuốc nhuận tràng liên tục cũng có thể dẫn đến mất chức năng bình thường của ruột. Hãy nhớ rằng việc hấp thụ thuốc tránh thai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc nhuận tràng mạnh gây tiêu chảy liên tục.
2.5. Thuốc gây tiêu chảy
Nhiều loại thuốc có thể gây tiêu chảy và cũng có thể dẫn đến tất cả các vấn đề được liệt kê ở trên
- Bất kỳ loại thuốc nào có chứa sorbitol hoặc carbamazepine, axit valproic đều có thể gây tiêu chảy, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.
Lời khuyên:
Nếu bạn bị tiêu chảy khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào nêu trên, hãy liên hệ với bác sĩ kê đơn của bạn để họ có thể điều trị bệnh tiêu chảy của bạn và điều chỉnh liều lượng hoặc kê đơn điều trị khác.
2.6. Thuốc làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng bằng cách thay đổi độ pH và/hoặc tiết axit dạ dày trong ruột
- Tất cả các loại thuốc dùng để điều trị sản xuất axit quá mức, loét dạ dày - tá tràng và GORD (bệnh trào ngược dạ dày-thực quản), được thiết kế để giảm lượng axit tiết ra trong dạ dày và thay đổi độ pH từ tính axit cao sang tính kiềm hơn. Những thuốc làm giảm hoạt động tiết axit của dạ dày sẽ dẫn đến chậm tiêu hoá và giảm hấp thụ thức ăn, đặc biệt là các loại thức ăn giàu chất đạm và chất béo như cá, thịt, trứng.
- Cả thuốc đối kháng thụ thể H2 như ranitidine và thuốc ức chế bơm proton như omeprazole đều có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 và gây thiếu hụt vitamin B12, từ đó có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu khổng lồ .
Lời khuyên:
Nếu bạn cần dùng thuốc để giảm axit dạ dày trong thời gian dài, nên yêu cầu bác sĩ kê đơn kiểm tra tình trạng thiếu vitamin B12 của bạn theo định kỳ.
2.7. Thuốc làm hỏng niêm mạc đường tiêu hóa và cản trở sự hấp thụ
- Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và liệu pháp kháng sinh kéo dài có khả năng làm hỏng niêm mạc ruột dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng.
- Các thuốc làm giảm khả năng tiết mật của gan, điển hình là các thuốc hạ sốt, chống viêm paracetamol, thuốc ức chế virus viêm gan b loại lamivudin, thuốc kháng giáp loại PTU, thuốc chống ung thư... cũng làm giảm khả năng tiêu hoá, nhất là tiêu hoá thực phẩm giàu lipid như dầu thực vật, bơ, sữa, thịt mỡ.
Lời khuyên:
Nếu bạn đang điều trị bằng thuốc chống ung thư hoặc dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc cần điều trị bằng kháng sinh dài hạn, bị tiêu chảy và bắt đầu giảm cân, vui lòng báo cáo các triệu chứng này cho bác sĩ để họ có thể kiểm tra xem bạn có bị thiếu hụt do kém hấp thu chất dinh dưỡng hay không.
2.8. Thuốc cản trở sự hấp thu chất béo và các vitamin tan trong chất béo
- Chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ, chuyển hóa thành năng lượng và các phần tử căn bản để cấu tạo tế bào. Sự chuyển hóa các chất xảy ra phần lớn nhờ các enzym tiêu hóa xúc tác. Một số thuốc ức chế sự tổng hợp enzym bằng cách lấy đi vài vi chất cần thiết cho việc tạo ra enzym đó.
- Thuốc giảm béo có chứa orlistat như Xenical và Alli, cản trở hoạt động của enzym lipase và giảm hấp thu chất béo trong ruột. Điều này cũng có thể làm giảm sự hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K, dẫn đến thiếu hụt những vitamin này.
Lời khuyên:
Bệnh nhân sử dụng orlistat cho mục đích giảm béo nên sử dụng chất bổ sung vitamin có chứa vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K và uống những chất bổ sung đó ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi dùng orlistat. Theo dõi thường xuyên tình trạng vitamin cũng có thể được khuyến khích.
2.9. Làm thay đổi vị giác, tạo cảm giác sợ ăn dẫn tới suy dinh dưỡng
Các thuốc colchicine chữa gout, sulfasalazine trị bệnh thấp khớp, chlorpropamide điều trị đái tháo đường, thuốc lợi tiểu furosemide, thuốc trị suy tim digitalis; thuốc an thần temazepam; đặc biệt là các hóa chất điều trị ung thư khiến cho người bệnh buồn nôn, giảm vị giác, mất cảm giác thèm ăn, thấy thức ăn không còn hấp dẫn.
Ngoài ra, còn phải kể đến các thuốc làm giảm hoặc thay đổi vị giác thì rất nhiều: thuốc ngủ dalmane; thuốc an thần meprobamate; thuốc chống trầm cảm lithium; thuốc kháng nấm griseofulvin... làm cho người bệnh uống thuốc không muốn ăn nên sẽ giảm số lượng thực phẩm đưa vào cơ thể, quá trình tiêu hóa thứ ăn và hấp thụ dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
3. Các biện pháp phòng ngừa
Trước thực tế là rất nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và khoáng chất, nên lưu ý các biện pháp phòng ngừa sau:
- Luôn đọc tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc bạn đang sử dụng. Nếu bạn không hiểu điều gì đó trong những tờ rơi này, hãy yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ giải thích.
- Hãy cảnh giác với các tác dụng phụ và nếu chúng xảy ra (đặc biệt là tiêu chảy), hãy trao đổi với bác sĩ để ngăn ngừa sự phát triển của sự thiếu hụt và mất cân bằng dinh dưỡng.
- Không tự ý ngừng dùng thuốc kê đơn trừ khi bác sĩ yêu cầu bạn làm như vậy, vì một số loại thuốc đã được kê đơn để ngăn ngừa/điều trị các tình trạng nghiêm trọng như ung thư hoặc động kinh. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị mà bạn cần để ngăn ngừa tình trạng kém hấp thu chất dinh dưỡng hoặc điều trị sự thiếu hụt.
Nguồn tham khảo: extension.okstate.edu, news24.com