Rong kinh là một tình trạng xuất huyết qua đường sinh dục ở phụ nữ, có biểu hiện hành kinh kéo dài trên 7 ngày, số lượng kinh nguyệt có thể nhiều hoặc ít. Rong kinh sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt và đặc biệt là ảnh hưởng tới khả năng có thai của phụ nữ. Một số thuốc đông y trị rong kinh có hiệu quả tốt với những nguyên nhân như rong kinh sau khi đặt vòng, rối loạn nội tiết, rong kinh do u xơ tử cung,...
1. Rong kinh có biểu hiện như thế nào?
Rong kinh là một tình trạng xảy ra ở phụ nữ có biểu hiện hành kinh kéo dài trên 7 ngày và số lượng kinh có thể nhiều hoặc ít. Trong Y Học Cổ Truyền, rong kinh hay còn được gọi là băng lậu, trong đó băng là chảy nhiều, lậu là chảy ít, tức là lúc chảy nhiều lúc chảy ít. Nguyên nhân thường do ung thư thận hoặc cổ tử cung, viêm nhiễm vùng tử cung. Bên cạnh đó, một số bệnh toàn thân còn gây ra ví dụ như suy gan, tăng huyết áp,...
Trong đông y, rong kinh được cho là do mạch xung và mạch nhâm bị tổn thương nên dẫn tới tình trạng rong kinh. Tình trạng rong kinh được chia làm hai loại bao gồm:
- Bệnh thuộc thực
- Bệnh thuộc hư
2. Các thuốc đông y trị rong kinh
2.1 Thực chứng và huyết nhiệt
Thực chứng do thấp nhiệt, huyết nhiệt, huyết ứ, khí uất,... Huyết nhiệt do tâm hỏa vượng, ăn phải thức ăn cay nóng làm cho nhiệt tăng lên gây nóng, huyết vận hành sai đường. Triệu chứng lâm sàng thường thấy đó là đột ngột ra nhiều máu, khát nước, máu màu đỏ sẫm, lưỡi đỏ, đầu choáng, rêu vàng, ngủ không ngon giấc, mạch hoạt sác. Phép điều trị rong kinh thường là thanh nhiệt lương huyết chỉ huyết, được sử dụng trong các bài thuốc sau:
- Bài thuốc 1: Nguyên liệu gồm có sinh địa 16 gram, địa cốt bì 8 gram, huyền sâm 12 gram, câu kỷ tử 8 gram, a giao 8 gram, chỉ tử sao 8 gram, than bẹ móc 8 gram, cỏ nhọ nồi 16 gram. Cho các vị thuốc và đổ một lượng nước vừa phải sắc uống ngày một thang, uống nguội chia làm 2 lần trong vào chiều tối.
- Bài thuốc 2: Nguyên liệu gồm các vị thuốc như địa du 12 gram, hoa cây cỏ nến (bồ hoàng) sao đen 20 gram, a giao 12 gram, tóc rối đốt thành than 6 gram, đan bì 12 gram, than bẹ móc 12 gram, bạch thược 12 gram, sinh địa 12 gram, hắc giới tử 12 gram. Tất cả cần phải tán bột và uống ngày 12 gram.
2.2 Huyết ứ
Huyết ứ thường xuất hiện do rong kinh sau khi nạo thai hoặc sử dụng biện pháp tránh thai đặt vòng. Triệu chứng thường gặp trên lâm sàng đó là đột nhiên huyết ra nhiều hoặc ra dầm dề không cầm lại, có cục sắc tím đen, đau vùng bụng dưới, khí huyết cục ra rồi thì hết bị đau. Phép điều trị huyết ứ đó là thông ứ, chỉ huyết với các bài thuốc như:
- Bài thuốc số 1 bao gồm các vị thuốc như đào nhân 10 gram, ích mẫu 20 gram, uất kim 8 gram, nga truất 8 gram, tóc rối đốt thành than 6 gram, cỏ nhọ nồi 16 gram, bách thảo sương 14 gram. Sắc uống với liều lượng 1 thang/ ngày.
- Bài thuốc số 2 bao gồm các vị thuốc như bồ hoàng sống và ngũ linh chi với số lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8 gram cùng với rượu.
- Bài thuốc số 3 gồm các vị thuốc đương quy 8 gram, tam thất 4 gram, xuyên khung 8 gram, một dược 4 gram, ngũ linh chi 4 gram, đan sâm 8 gram, đan bì 8 gram, ngải diệp 12 gram, ô tặc cốt 12 gram và mẫu lệ 12 gram. Sắc uống với liều lượng 1 thang/ ngày.
- Bài thuốc số 4 gồm cao ích mẫu uống mỗi lần 20ml.
2.3 Thấp nhiệt
Thấp nhiệt là trường hợp rong huyết do tình trạng nhiễm khuẩn. Biểu hiện trên lâm sàng điển hình đó là rong huyết nhiều, màu đỏ tím, dính nhớt. Nếu tình trạng nặng về thấp thì sắc mắc thường cáu vàng, miệng cảm giác nhớt dính, tiêu chảy, tiểu tiện ít, rêu lưỡi trắng nhợt. Mạch nhu hoạt. Còn trong trường hợp nặng về nhiệt thì cơ thể nóng, tự đổ mồ hôi, táo bón, tâm trạng phiền muội, tiểu tiện vàng đỏ, lưỡi đỏ rêu lưỡi khô nhớt. Mạch trầm sác.
Phép điều trị thấp nhiệt đó là thanh nhiệt và táo thấp, thường được dùng trong các bài thuốc sau:
- Bài thuốc số 1: nếu thiên về nhiệt thì sử dụng hoàng liên giải độc thang bao gồm các vị thuốc hoàng liên 12 gram, hoàng cầm 12 gram, hoàng bá 12 gram, chỉ tử sao 10 gram. Sắc uống để nguội ngày 1 thang.
- Bài thuốc số 2: nếu thiên về thấp thì sử dụng điều kinh tăng dương trừ thấp thang bao gồm các vị thuốc như khương hoạt 8 gram, sài hồ 8 gram, thăng ma 8 gram, cảo bản 6 gram, hoàng kỳ 8 gram, thương truật 8 gram, phòng phong 8 gram, mạn kinh tử 6 gram, cam thảo 4 gram, đương quy 6 gram, độc hoạt 6 gram. Sắc uống 1 thang/ ngày.
2.4 Khí uất
Khí uất thường có biểu hiện đột ngột ra huyết hoặc ra huyết kéo dài có kèm huyết cục, bụng dưới đau lan ra mạn sườn, thường cáu giận và thở dài, rêu lưỡi dày. Mạch huyền. Phép điều trị bao gồm điều khí và giải uất thường được sử dụng một trong các bài thuốc sau:
- Bài thuốc số 1: hương phụ 8 gram, đảng sâm 12 gram, bạch truật 8 gram, chỉ xác 6 gram, xuyên khung 8 gram, thục địa 12 gram, cỏ nhọ nồi 16 gram và bồ hoàng 12 gram. Sắc uống 1 thang/ ngày.
- Bài thuốc số 2: bao gồm các vị thuốc như thục địa 8 gram, xuyên khung, bạch thược, đương quy đều 12 gram, bạch truật 12 gram, hương phụ 8 gram, đảng sâm 12 gram, hoàng kỳ 8 gram, địa du 8 gram và bồ hoàng 8 gram. Sắc uống 1 thang/ ngày.
2.5 Hư chứng
Nguyên nhân do khí hư, âm hư, dương hư, thường do lao động nhiều, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến khí ở tỳ, phế không nhiếp được huyết hoặc do lo nghĩ quá độ ảnh hưởng tới tỳ và tâm. Triệu chứng lâm sàng thường gặp đó là đột ngột ra huyết nhiều hoặc ít mà không ngừng, huyết màu đỏ nhạt, người cảm thấy mệt mỏi, ngại nói, đoản hơi, chán ăn, đại tiện phân lỏng, ra mồ hôi, sợ lạnh, rêu lưỡi mỏng, lưỡi nhợt. Mạch hư tế.
Phép điều trị thường được áp dụng trong điều trị khí hư đó là bổ khí và liễm huyết. Bài thuốc đông y trị rối loạn kinh nguyệt bởi khí hư bao gồm:
- Bài thuốc số 1: bao gồm các vị thuốc như hoàng kỳ 12 gram, đương quy 4 gram, nhân sâm 8 gram, cam thảo 6 gram, trần bì 4 gram, sài hồ 4 gram, thăng ma 2 gram, tóc rối đốt cháy 6 gram, mẫu lệ 12 gram, ô tặc cốt 12 gram. Sắc uống 1 thang/ ngày.
- Bài thuốc số 2: bao gồm các vị thuốc bạch truật, hoàng kỳ, nhân sâm, đương quy, chích thảo, toan táo nhân mỗi vị 4 gram, viễn chí và mộc hương mỗi loại 2 gram, long nhãn nhục 5 quả, đại táo 4 quả, sinh khương 3 lát, ô tắc cốt và mẫu lệ mỗi loại 12 gram, huyết dư 6 gram. Sắc uống 1 thang/ ngày.
- Bài thuốc số 3: bao gồm các vị thuốc đảng sâm 16 gram, bạch truật 12 gram, hoàng kỳ 12 gram, cam thảo 4 gram, huyết dư 6 gram, thăng ma 8 gram, ô tặc cốt và mẫu lệ mỗi vị 12 gram. Sắc uống 1 thang/ ngày.
Nếu áp dụng các bài thuốc nam trị rong kinh trên mà tình trạng rong kinh vẫn không dứt thì sử dụng bài thuốc Cố bản chỉ băng thang sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần trong ngày. Bài thuốc bao gồm các vị thuốc đó là thục địa 12 gram, đảng sâm 12 gram, hoàng kỳ 12 gram, bạch truật 12 gram, gừng khô nướng cháy 8 gram.
2.6 Dương hư
Nguyên nhân dẫn tới dương hư đó là do khí hư lâu ngày làm tổn thương dương khí của mệnh môn hỏa làm cho tử cung hư hàn, không điều hòa được mạch xung và nhân. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là huyết rong lâu ngày, sắc mặt vàng xám hoặc nhợt, bụng dưới và vùng ngang rốn lạnh đau, eo lưng đau, sợ lạnh, thích chườm nóng, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm trì, nhược, tế. Phép điều trị dương hư là ôn bổ thận dương với các vị thuốc thục địa 16 gram, xuyên khung 8 gram, xuyên quy 8 gram, bạch thược 12 gram, ngải cứu 12 gram, a giao 8 gram, phụ tử chế 8 gram, cao sừng hươu 12 gram, gừng khô nướng cháy 6 gram.
2.7 Âm hư
Âm hư gây ra do tân dịch và âm huyết giảm sút, làm tổn thương hai mạch xung, nhâm nên rong huyết. Biểu hiện lâm sàng thường thấy đó là băng huyết, rong huyết nhiều có màu đỏ sẫm, người gầy yếu, ù tai, choáng đầu, họng khô miệng ráo, lưng đau, tâm phiền, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi tróc, lòng bàn tay nóng và thường nóng về chiều. Mạch hư tế, sác. Phép điều trị liễm huyết và bổ âm với bài thuốc gồm các vị thuốc như thục địa 12 gram, phục linh 8 gram, hoài sơn 12 gram, đơn bì 8 gram, trạch tả 8 gram, mẫu lệ, ô tặc cốt và long cốt mỗi vị 12 gram. Sắc uống 1 thang/ngày.
Nếu sử dụng bài thuốc trên lâu ngày mà âm hư vẫn gây huyết hư thì sử dụng thục địa 12 gram, bạch thược 10 gram, xuyên quy, xuyên khung, a giao, ngải cứu, thạch hộc, quy bảo và nữ trinh tử mỗi vị 8 gram. Sắc uống 1 thang/ngày.
Có rất nhiều dược liệu được sử dụng trong các bài thuốc Đông y điều trị rong kinh. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách có thể gây tương tác thuốc và gây ra các tác dụng phụ rất nguy hiểm. Vì thế, trước khi sử dụng các dược liệu điều trị bệnh, bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ, lương y có chuyên môn hoặc đến cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.