Vi khuẩn là những sinh vật có kích thước rất nhỏ sống xung quanh chúng ta, hầu hết trong số chúng có thể xâm nhập và gây bệnh cho người. Các loại vi khuẩn thường được phân thành vi khuẩn Gram dương và Gram âm thông qua phương pháp nhuộm Gram. Với từng loại vi khuẩn gây bệnh sẽ có cách điều trị riêng biệt.
1. Thông tin chung về vi khuẩn Gram âm
Vi khuẩn Gram âm là những vi khuẩn có màu hồng hoặc đỏ, do thành của các vi khuẩn này có độ thấm cao hơn so với vi khuẩn Gram dương, nên chất cồn dễ thấm vào và tẩy màu sau khi phân hủy lớp màng ngoài của vi khuẩn. Khi đó, nếu quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy vi khuẩn Gram âm có màu đỏ hoặc hồng.
Cấu tạo của vi khuẩn Gram âm thường khá giống so với vi khuẩn Gram dương, bao gồm các thành phần chính là Acid amin, Lipid. Tuy nhiên, tỷ lệ Lipid ở vi khuẩn Gram âm thường cao hơn nhiều so với vi khuẩn Gram dương, đồng thời không có Acid teichoic.
Một số loại vi khuẩn gram âm thường gặp bao gồm:
- Cầu khuẩn Gram âm: Cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae, cầu khuẩn màng não Neisseria meningitidis.
- Trực khuẩn Gram âm: Trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli (E. coli), Trực khuẩn thương hàn Salmonella, trực khuẩn lỵ Shigella, mầm bệnh cơ hội Proteus, trực khuẩn gây bệnh dịch hạch Yersinia pestis, trực khuẩn gây bệnh sốt kiểu làn sóng Brucella và trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis.
- Phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae, vi khuẩn gây tiêu chảy cấp Campylobacter.
- Helicobacter pylori (H.P).
- Haemophilus influenzae.
- Xoắn khuẩn Campylobacter.
2. Thuốc điều trị vi khuẩn gram âm
Thuốc điều trị chính cho vi khuẩn Gram âm nói chung và các loại vi khuẩn khác nói riêng chính là kháng sinh. Kháng sinh là các chất được tổng hợp hoặc bán tổng hợp từ các loại vi sinh vật, nấm, thực vật...có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển và hoạt động của các loại vi khuẩn một các đặt hiệu.
Mỗi loại kháng sinh sẽ có đặc điểm tác dụng khác nhau và tùy vào từng loại vi khuẩn như vi khuẩn kỵ khí, hiếu khí, gram âm hay gram dương. Có một số loại kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh thế hệ mới có tác dụng phổ rộng trên nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Dưới đây là một số loại kháng sinh điều trị vi khuẩn Gram âm.
2.1 Nhóm kháng sinh Beta – Lactam
Các kháng sinh thuộc nhóm Beta – Lactam hay Beta - Lactamin sẽ gắn với Transpeptidase, một loại enzyme có vai trò xúc tác cho sự liên kết Peptidoglycan tạo vách vi khuẩn. Phức hợp được tạo ra với các Beta – Lactam có độ bền vững cao, từ đó làm ly giải và biến dạng cấu trúc vi khuẩn. Các nhóm kháng sinh thuộc Beta – Lactam có tác dụng trên vi khuẩn Gram âm bao gồm:
Nhóm Penicillin:
- Penicilline G là kháng sinh được tìm thấy đầu tiên và là khởi nguồn cho các kháng sinh sau này. Penicilline G cho tác dụng đến các loại cầu khuẩn Gram âm như cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae, cầu khuẩn màng não Neisseria meningitidis.
- Ampicillin, Amoxicillin có tác dụng trên các vi khuẩn Gram âm như Salmolnella, Shigella, E.coli, Proteu và Haemophilus Influenzae.
- Carboxypenicillin, Uredo Penicillin có tác dụng trên trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa, Proteus.
Nhóm Cephalosporin:
Kháng sinh Cephalosporin được chiết xuất từ một loại nấm tự nhiên hoặc ở dạng bán tổng hợp. Tất cả Cephalosporin đều là dẫn xuất của Acid Amino - 7 - Cephalossporanic có vòng Beta – Lactam. Kháng sinh Cephalosporin được chia thành 4 thế hệ, trong đó các Cephalosporin từ thế hệ 2 trở về sau mới có tác dụng trên vi khuẩn Gram âm.
- Cephalosporin thế hệ 2: Cefoxitin, Cefuroxim... Tác dụng cân bằng trên nhóm vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
- Cephalosporin thế hệ 3: Ceftriaxone, Ceftazidime, Cefotaxime...Kháng sinh phổ rộng trên cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Tuy nhiên, tác dụng kháng vi khuẩn Gram âm tốt hơn thế hệ 2, đặc biệt là trực khuẩn Gram âm đường tiêu hóa.
- Cephalosporin thế hệ 4: Cefepime, Cefpirom... tác dụng trên vi khuẩn Gram âm tốt hơn thế hệ 3, thường được chỉ định trong điều trị nhiễm Gram âm hiếu khí đã kháng các thuốc Cephalosporin thế hệ 3.
Nhóm Carbapenem:
Carbapenem là một nhóm kháng sinh thế hệ mới có tác dụng rất mạnh trên các vi khuẩn Gram âm. Các loại kháng sinh thuộc nhóm Carbapenem bao gồm Imipenem và Ertapenem...
Nhóm Monobactam:
Kháng sinh nhóm Monobactam là hoạt chất mà công thức phân tử có chứa Beta - lactam đơn vòng. Kháng sinh điển hình của nhóm Monobactam là Aztreonam. Kháng sinh nhóm Monobactam chỉ có tác dụng trên vi khuẩn Gram âm và không có tác dụng trên vi khuẩn Gram dương hay vi khuẩn kỵ khí.
2.2. Nhóm kháng sinh Quinolon
Kháng sinh Quinolon là loại kháng sinh không có nguồn gốc tự nhiên, toàn bộ được sản xuất dưới dạng tổng hợp hóa học. Các loại kháng sinh nhóm Quinolon cũng là các thuốc thường được sử dụng để điều trị vi khuẩn Gram âm, đặc biệt là vi khuẩn Gram âm đường tiết niệu hay tiêu hóa. Nhóm Quinolon gồm có 4 thế hệ bao gồm:
- Thế hệ 1: Acid Nalidixic, Cinoxacin...
- Thế hệ 2: Lemofloxacin, Enoxacin, Norfloxacin, Ofloxacin, Ciprofloxacin...
- Thế hệ 3: Levofloxacin, Gatifloxacin, Sparfloxacin...
- Thế hệ 4: Trovafloxacin, Moxifloxacin...
Chống chỉ định sử dụng Quinolon cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân dưới 16 tuổi...
2.3. Nhóm kháng sinh Aminoglycosid
Kháng sinh Aminoglycosid là sản phẩm tự nhiên được phân lập từ môi trường nuôi cấy hoặc có thể là kháng sinh bán tổng hợp. Các kháng sinh thuộc nhóm này bao gồm Kanamycin, Amikacin, Gentamicin, Netilmicin và Tobramycin.
Các kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid chủ yếu tác dụng trên trực khuẩn Gram âm, tuy nhiên phổ kháng khuẩn của từng loại thuốc trong nhóm không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể là:
- Kanamycin cũng giống như Streptomycin có phổ hẹp nhất, chúng không có tác dụng trên vi khuẩn P. aeruginosa hoặc Serratia.
- Gentamycin và Tobramycin có hoạt tính tương tự nhau trên trực khuẩn Gram âm. Tobramycin có tác dụng mạnh hơn Gentamycin trên vi khuẩn P. aeruginosa và Proteus spp., ngược lại Gentamycin mạnh hơn Tobramycin trên vi khuẩn Serratia.
- Amikacin vẫn giữ được hoạt tính trên các chủng kháng Gentamycin vì cấu trúc của chúng không phải là cơ chất của nhiều enzym bất hoạt Aminoglycosid.
2.4. Nhóm kháng sinh Phenicol
Nhóm kháng sinh Phenicol bao gồm hai thuốc là Thiamphenicol và Cloramphenicol, trong đó Cloramphenicol là kháng sinh có nguồn tự nhiên, còn Thiamphenicol là dạng kháng sinh tổng hợp. Thiamphenicol và Cloramphenicol có phổ kháng khuẩn rộng, trong đó có tác dụng trên một số vi khuẩn Gram âm như Haemophilus influenzae, cầu khuẩn màng não Neisseria meningitidis, cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae, Escherichia coli, Salmonella, Shigella, Klebsiella pneumoniae.
Tuy nhiên, do đã đưa vào sử dụng lâm sàng từ rất lâu nên hiện nay phần lớn các chủng vi khuẩn đã kháng các thuốc nhóm phenicol với tỷ lệ cao, đồng thời nhóm thuốc này còn có độc tính nghiêm trọng trên sự tạo máu cho nên hiện tại thuốc kháng sinh Phenicol không còn được sử dụng phổ biến.
2.5. Nhóm kháng sinh Macrolid
Kháng sinh nhóm Macrolid là sản phẩm tự nhiên phân lập từ môi trường nuôi cấy, cũng có thể là kháng sinh bán tổng hợp. Tùy vào cấu trúc hóa học, có thể chia nhóm Macrolid thành 3 phân nhóm chính:
- Cấu trúc 14 nguyên tử Cacbon gồm Erythromycin, Roxithromycin, Oleandomycin, Clarithromycin, Dirithromycin...
- Cấu trúc 15 nguyên tử Cacbon gồm Azithromycin...
- Cấu trúc 16 nguyên tử Cacbon gồm Spiramycin, Josamycin...
Kháng sinh nhóm Macrolid có phổ kháng khuẩn hẹp, chủ yếu tập trung vào một số chủng Gram dương. Nhóm Macrolid không có tác dụng trên phần lớn các chủng trực khuẩn Gram âm đường tiêu hóa mà chỉ có tác dụng yếu trên một số chủng vi khuẩn Gram âm khác như Haemophilus influenzae và cầu khuẩn màng não Neisseria meningitidis, tuy nhiên lại có tác dụng khá tốt trên các chủng cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae.
2.6. Nhóm kháng sinh Cyclin
Nhóm Cyclin có cả các kháng sinh tự nhiên và kháng sinh bán tổng hợp. Các thuốc thuộc nhóm Cyclin bao gồm Tetracyclin, Chlortetracycline, Oxytetracycline, Demeclocycline, Doxycycline, Minocyclin, Methacycline... Các kháng sinh nhóm Cyclin có phổ kháng khuẩn rộng trên cả các vi khuẩn Gram âm và Gram dương, cả hiếu khí và kỵ khí.
Kháng sinh tetracyclin được đưa vào điều trị từ rất lâu, nên hiện nay tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh cũng rất cao. Một số cyclin thế hệ sau như Doxycyclin hoặc Minocyclin có thể sử dụng thay thế trên một số chủng vi khuẩn đã kháng Tetracyclin.
2.7. Nhóm kháng sinh Peptid
Các kháng sinh Peptid được sử dụng trên lâm sàng hiện nay gồm Glycopeptid (Vancomycin, Teicoplanin), Lipopeptide (Daptomycin), Polypeptide (Polymyxin, Colistin).
Trong đó, các loại kháng sinh Polypeptid bao gồm Polymyxin B và Colistin có nguồn gốc tự nhiên, có phổ tác dụng tương tự nhau và chỉ tập trung trên trực khuẩn Gram âm bao gồm Enterobacter, Klebsiella, Salmonella, Bordetella, Pasteurella, Shigella và Escherichia coli. Các loại kháng sinh Polypeptid cũng có tác dụng trên phần lớn các chủng P.aeruginosa hay Acinetobacter. Tuy nhiên, các thuốc này thường có độc tính cao, đặc biệt là trên thận, vì vậy Polymyxin chỉ nên dùng ngoài, còn Colistin chỉ được chỉ định một cách hạn chế trong một số trường hợp nhiễm vi khuẩn Gram âm đa kháng thuốc, hoặc trong trường hợp không dùng được các kháng sinh khác an toàn hơn.
2.8. Kháng sinh Cotrimoxazol
Kháng sinh Cotrimoxazol là dạng thuốc phối hợp giữa Trimethoprim và Sulfamethoxazol. Phổ kháng khuẩn của hai hoạt chất này tương tự nhau và sự phối hợp này mang lại tính chất hiệp đồng trên tác dụng ức chế tổng hợp Acid folic của vi khuẩn gây bệnh. Phổ kháng khuẩn của Cotrimoxazol khá rộng trên cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
Trên đây là một số kháng sinh điều trị gram âm được sử dụng phổ biến trên lâm sàng. Tuy nhiên, việc chỉ định sử dụng các loại kháng sinh trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn phải được thông qua ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng để hạn chế gặp phải những tác dụng phụ của thuốc, đồng thời giảm được các nguy cơ kháng kháng sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.