Các thuốc điều trị bệnh hoang tưởng

Hoang tưởng là các ý nghĩ sai lầm, cố định trên một bệnh nhân và chi phối hành vi của bệnh nhân. Hoang tưởng gặp ở nhiều bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng, hưng cảm và người bị mất trí tuổi già do teo não, đột quỵ não... Các liệu pháp điều trị chính bao gồm liệu pháp hóa dược, liệu pháp điều trị phối hợp kết hợp với trị liệu tâm lý

1. Hoang tưởng là bệnh gì?

Hoang tưởng là một rối loạn tâm thần thuộc phổ phân liệt, với sự phát triển của một hay nhiều hoang tưởng có liên quan với nhau tồn tại dai dẳng có khi suốt đời. Bệnh nhân bị hoang tưởng thường có những suy nghĩ như bị truy hại, nghi bệnh, tự cao, kiện cáo, ghen tuông, có thể có từng thời kỳ có trầm cảm, ảo giác. Có khoảng 0,1% dân số bị mắc rối loạn này. Hiện nay chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng, nhưng các yếu tố di truyền, đặc điểm nhân cách, hoàn cảnh sống... có liên quan trong cơ chế bệnh sinh của bệnh.

2. Nguyên tắc trong điều trị bệnh hoang tưởng

Thông thường người mang bệnh hoang tưởng luôn cho mình là không bị bệnh và từ chối nhập viện, vì vậy điều trị thường bệnh hoang tưởng là điều trị cưỡng chế và phải điều trị lâu dài, chủ yếu là liệu pháp hóa dược, cần phát hiện và can thiệp sớm. Bệnh thường phải sử dụng đa trị liệu phối hợp 2 loại an thần kinh khác nhau, hạn chế phối hợp từ 3 loại an thần kinh trở lên.

Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh hoang tưởng để phát hiện và xử trí kịp thời các tác dụng phụ của thuốc an thần kinh, cũng như để họ sử dụng thuốc liên tục với mục đích là những biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi ở mức độ thấp nhất mà gia đình và xã hội chấp nhận được. Bệnh nhân cần được theo dõi để phát hiện và giải quyết kịp thời các yếu tố thúc đẩy bệnh tái phát. Trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh hoang tưởng bệnh nhân cần được điều trị kết hợp c các liệu pháp tâm lý phối hợp để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

3. Phác đồ và thuốc điều trị bệnh hoang tưởng

3.1 Liệu pháp hóa dược

Trong liệu pháp này thì bác sĩ sẽ lựa chọn một hoặc hai hoặc ba loại thuốc điều trị bệnh hoang tưởng trong số các thuốc sau:

Đối với nhóm các thuốc an thần kinh cổ điển bao gồm Chlorpromazin dạng viên 25mg, ống 25mg, liều 50-250mg/24 giờ, Levomepromazin dạng viên 25mg, liều 25-250mg/24 giờ, Haloperidol dạng viên 1,5mg, viên 5 mg, ống 5mg, liều 5-30mg/24 giờ và Thioridazin dạng viên 50mg, liều 100-300mg/ngày

Đối với nhóm các thuốc an thần kinh không điển hình bao gồm thuốc Amisulpirid dạng viên 50mg, 200mg, 400mg, liều 200-800mg/24giờ, thuốc Clozapin dạng viên 25mg, 100mg, liều 50-800mg/24 giờ, thuốc Risperidon dạng viên 1mg, 2mg, liều 1-12mg/24 giờ, thuốc Olanzapin dạng viên 5mg, 10mg, liều 5-30mg/24 giờ, thuốc Quetiapin dạng viên 50mg, 200mg, 300mg, liều 600-800 mg/ ngày, thuốc Aripiprazol dạng viên 5mg, 10mg, 15mg, 30mg, liều 10-15mg/ngày, (tối đa là 30 mg/ngày). Liều sử dụng thuốc an thần kinh có thể cao hơn tùy thuộc tình trạng bệnh và đáp ứng của bệnh nhân.

Nhóm các thuốc an thần kinh có tác dụng kéo dài, đây là nhóm thuốc thường được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân không tuân thủ điều trị thuốc đều hàng ngày. Thông thường bệnh nhân nên được sử dụng thuốc an thần kinh tác dụng nhanh tương ứng để thăm dò sự đáp ứng thuốc của bệnh nhân, sau đó mới dùng thuốc an thần kinh chậm. Nhóm thuốc thuốc an thần kinh có tác dụng kéo dài bao gồm thuốc Haldol decanoat dạng ống 50mg/ml, tiêm bắp sâu 25-50mg/ lần, (4 tuần tiêm nhắc lại), thuốc Flupentixol decanoat dạng ống 20mg/ml, tiêm bắp sâu 20-40mg/ lần, 2-4 tuần tiêm nhắc lại, thuốc Fluphenazin decanoat dạng ống 25mg/ml, tiêm bắp sâu 12,5-50mg/ lần,(tối đa là 100 mg/ngày), 3-4 tuần tiêm nhắc lại, và thuốc Aripiprazol, liều tiêm 300mg hoặc 400mg, 4 tuần tiêm nhắc lại

3.2 Liệu pháp điều trị phối hợp

Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng liều điều trị phối hợp với các thuốc điều trị bệnh hoang tưởng như sau:

  • Nhóm thuốc bình thần, giải lo âu bao gồm nhóm benzodiazepins: diazepam, lorazepam, bromazepam, alprazolam,... non-benzodiazepins: etifoxine HCL, sedanxio, zopiclon...
  • Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm như propanolol...
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm như SSRI, TCA, SNRI, NaSSa...
  • Nhóm thuốc chỉnh khí sắc như Muối valproat, Divalproex, carbamazepin, oxcarbazepin, .....
  • Nhóm bổ sung dinh dưỡng bao gồm bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất: vitamin nhóm B, chế độ ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch...
  • Nhóm nuôi dưỡng tế bào thần kinh bao gồm piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline, ...

3.3 Liệu pháp sốc điện

Liệu pháp sốc điện, đây là liệu pháp dùng cho những bệnh nhân tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, hưng cảm, mất ngủ mãn tính, bệnh nhân có ý định tự sát ...Tránh sử dụng cho những bệnh nhân có các bệnh thực tổn như tim mạch, hô hấp, chấn thương sọ não và bị các bệnh nhiễm trùng. Phương pháp này là dùng một dòng điện dạng xung, đi qua vỏ não, gây ra một cơn co giật kiểu động kinh để có tác dụng điều trị một số bệnh. Những tác dụng không mong muốn có thể gặp như bệnh nhân bị ngừng thở do ức chế trung khu hô hấp, bệnh nhân có thể bị trào ngược thức ăn, đau đầu và có thể bị quên do ngừng thở kéo dài.

Cần lưu ý thêm, bệnh nhân khi áp dụng phác đồ điều trị và dùng thuốc điều trị bệnh hoang tưởng nêu trên cần phải được theo dõi điều trị để phát hiện sớm và xử trí ngay các tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra các liệu pháp tâm lý, liệu pháp lao động và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, quản lý, điều trị và duy trì tránh tái phát tại cộng đồng cũng được áp dụng để tăng hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe