Các thuốc có thể ảnh hưởng đến thuốc ngừa thai

Mỗi khi kê đơn thuốc, bác sĩ thường hỏi bạn có đang dùng những loại thuốc nào khác? Một số loại thuốc sẽ không hoạt động tốt nếu được dùng cùng nhau. Tương tự, nếu muốn biện pháp tránh thai có chứa hormone đạt hiệu quả cao, bạn cần tránh những thuốc làm mất tác dụng của thuốc tránh thai.

1. Tương tác với thuốc tránh thai

Thuốc uống dạng viên và một số hình thức ngừa thai khác như miếng dán, vòng hoặc thuốc tiêm - thường chứa các hormone sinh dục nữ estrogen và progestin. Hoạt chất này ngăn không cho buồng trứng rụng trứng, vì vậy bạn sẽ không mang thai. Nhưng có một số loại thuốc tương tác với thuốc tránh thai, nghĩa là ngăn cản các hormone này phát huy tác dụng. Nếu sử dụng những loại thuốc này cùng lúc với biện pháp tránh thai sẽ làm tăng khả năng mang thai ngoài ý muốn.


Thuốc tránh thai có thể bị giảm hiệu quả khi sử dụng đồng thời với một số thuốc khác
Thuốc tránh thai có thể bị giảm hiệu quả khi sử dụng đồng thời với một số thuốc khác

2. Thuốc kháng sinh

Trong hầu hết các trường hợp, bạn không phải lo lắng khi dùng những loại thuốc này. Các bác sĩ kê thường đơn thuốc kháng sinh cho phụ nữ để điều trị tất cả các loại nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra - phổ biến là viêm phổi, mụn trứng cá và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Thuốc kháng sinh thông thường bao gồm penicillin và amoxicillin.

Cho đến nay, loại thuốc kháng sinh duy nhất có khả năng can thiệp vào việc kiểm soát sinh sản là rifampin (Rifadin) - một loại thuốc dùng để điều trị bệnh lao. Rifampin gây ra kinh nguyệt không đều, làm tăng khả năng mang thai ngoài ý muốn ngay cả khi bạn đã uống thuốc tránh thai đúng chỉ dẫn.

Ngoài rifampin, bạn có thể uống thuốc tránh thai cùng lúc với các loại kháng sinh khác một cách an toàn và không cần sử dụng phương pháp kiểm soát sinh sản dự phòng.

3. Thuốc chống HIV

Một số loại thuốc điều trị HIV có thể tương tác với thuốc tránh thai, cản trở kiểm soát sinh sản. Những thuốc làm mất tác dụng của thuốc tránh thai bao gồm:

  • Darunavir (Prezista)
  • Efavirenz (Sustiva)
  • Lopinavir / ritonavir (Kaletra)
  • Nevirapine (Viramune)

Ngoài ra, các loại thuốc HIV khác có thể không ảnh hưởng. Tốt nhất là nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp nhất cho bạn.


Thuốc chống HIV có thể tác động đến thuốc ngừa thai
Thuốc chống HIV có thể tác động đến thuốc ngừa thai

4. Thuốc chống nấm

Hai hoạt chất chính cần chú ý trong thuốc chống nấm là:

  • Griseofulvin (Gris-PEG): Griseofulvin được sử dụng để điều trị nhiễm trùng da như nấm da chân và ngứa ngáy.
  • Ketoconazole (Extina, Nizoral, Xolegel): Ketoconazole chủ yếu được sử dụng khi các loại thuốc chống nấm khác không có sẵn hoặc không có tác dụng.

Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng nguy cơ thuốc chống nấm ảnh hưởng đến thuốc tránh thai là khá thấp, vì vậy hãy tham khảo trực tiếp ý kiến bác sĩ về trường hợp của bạn.

5. Thuốc chống co giật

Một số loại thuốc làm giảm tác dụng tránh thai bằng cách tăng sự phân hủy hormone trong thuốc tránh thai, khiến biện pháp kiểm soát sinh sản trở nên kém hiệu quả hơn. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Carbamazepine (Carbatrol, Epitol, Equetro, Tegretol)
  • Felbamate (Felbatol)
  • Oxcarbazepine (Trileptal)
  • Phenobarbital (Luminal)
  • Phenytoin (Dilantin, Phenytek)
  • Primidone (Mysoline)
  • Topiramate (Topamax)

Đảm bảo sử dụng hình thức ngừa thai khác (như vòng tránh thai, màng ngăn âm đạo hoặc bao cao su) nếu bạn dùng thuốc chống động kinh. Cần lưu ý rằng thuốc ngừa thai sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thuốc chống động kinh.

6. Modafinil (Provigil)

Đây là một chất kích thích thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ như chứng ngủ rũ và ngưng thở khi ngủ. Các nghiên cứu cho thấy thuốc làm giảm tác dụng tránh thai dạng viên. Vì vậy, nếu muốn tránh thai, hãy sử dụng một hình thức kiểm soát sinh sản khác trong khi bạn đang sử dụng modafinil (Provigil) và kéo dài đến một tháng sau khi ngừng dùng modafinil (Provigil).


Khi uống thuốc tránh thai nên ngừng uống thuốc Modafinil để giảm tác dụng phụ
Khi uống thuốc tránh thai nên ngừng uống thuốc Modafinil để giảm tác dụng phụ

7. Thảo dược

Có một số loại thảo dược có tương tác với thuốc tránh thai mà bạn nên tránh. Ví dụ, cây ban Âu (St. John's Wort) được sử dụng để điều trị trầm cảm mức độ từ nhẹ đến trung bình và chứng rối loạn giấc ngủ. Nhưng một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ uống thuốc tránh thai và St.John's wort cùng lúc có tỷ lệ xuất huyết đột ngột cao hơn, đồng thời gia tăng sự phân hủy estrogen trong cơ thể. Những dấu hiệu này cho thấy thuốc tránh thai có thể đã không hoạt động như mong muốn.

Các biện pháp thảo dược khác có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thuốc tránh thai bao gồm:

  • Cây cọ lùn (Saw Palmetto): Một số người sử dụng để hạn chế rụng tóc.
  • Cỏ linh lăng / cỏ ba lá (Alfalfa): Được sử dụng cho các vấn đề về thận, bàng quang và tuyến tiền liệt.
  • Chiết xuất tỏi: Một số người dùng thuốc này để điều trị huyết áp cao, cholesterol cao, các bệnh về tim và máu khác.
  • Hạt lanh: Chất này được sử dụng cho các vấn đề tiêu hóa như táo bón nặng và hội chứng ruột kích thích.

Ngoài sự tương tác thuốc dẫn đến tránh thai thất bại như đã liệt kê, còn phải kể đến những thuốc làm mất tác dụng của thuốc tránh thai như: Thuốc hạ huyết áp, các thuốc chống đông máu, thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc trị tiểu đường, thuốc kháng virus, thuốc nhuận tràng... Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Tóm lại, khi đang áp dụng các biện pháp tránh thai hormone, bạn cần phải thận trọng với những thuốc làm mất tác dụng của thuốc tránh thai. Không được tự ý dùng thuốc mà không thông qua ý kiến bác sĩ. Trong trường hợp bất khả kháng, khi vừa tránh thai vừa phải điều trị bệnh, bác sĩ có thể đề xuất bạn dùng phương pháp kiểm soát sinh sản khác (bao cao su, thuốc diệt tinh trùng...) để tăng hiệu quả tránh thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe