Bệnh co thắt thanh quản là tình trạng co thắt tạm thời của dây thanh âm, gây khó khăn khi nói hoặc thở. Các dây thanh âm là hai dải sợi bên trong thanh quản, đầu khí quản. Co thắt thanh quản thường xuất hiện một cách đột ngột và biến mất sau một vài phút. Cơn khó thở có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng hoảng sợ, tuy nhiên nó không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
1. Co thắt thanh quản là gì?
Co thắt thanh quản là sự co thắt đột ngột của dây thanh âm. Tình trạng này thường là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó. Bệnh co thắt thanh quản thường khá hiếm gặp và kéo dài dưới một phút. Trong thời gian đó, bạn sẽ có thể nói hoặc thở. Tình trạng này không phải là dấu hiệu cảnh bảo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó và nói chúng, co thắt thanh quản không gây tử vong cho người bệnh. Một số trường hợp chỉ trải quả duy nhất một cơn co thắt thanh quản.
Nếu bạn bị co thắt thanh quản tái phát, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này.
2. Nguyên nhân gây co thắt thanh quản
Nguyên nhân gây co thắt thanh quản có thể bao gồm một số vấn đề sau:
- Phản ứng đường tiêu hóa
Co thắt thanh quản thường được gây ra bởi một phản ứng xảy ra ở đường tiêu hóa. Chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), đây là một tình trạng mãn tính.
GERD được đặc trưng bởi axit dạ dày hoặc thức ăn chưa tiêu hóa trở lại thực quản của bạn . Nếu axit hoặc thực phẩm này chạm vào thanh quản, nơi có dây thanh âm, nó có thể kích hoạt dây bị co thắt.
- Rối loạn chức năng dây thanh âm hoặc hen suyễn
Rối loạn chức năng dây thanh âm là khi dây thanh âm của bạn hoạt động bất thường khi bạn hít vào hoặc thở ra. Rối loạn chức năng dây thanh âm tương tự như hen suyễn và cả hai có thể kích hoạt thanh quản.
Hen suyễn là một phản ứng của hệ thống miễn dịch được gây ra bởi chất gây ô nhiễm không khí hoặc do hơi thở mạnh. Mặc dù rối loạn chức năng dây thanh và hen suyễn sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, nhưng chúng có nhiều triệu chứng giống nhau.
- Căng thẳng hoặc lo lắng
Một nguyên nhân phổ biến khác gây ra tình trạng bị co thắt thanh quản là căng thẳng hoặc lo lắng. Co thắt thanh quản có thể là cách mà cơ thể bạn phản ứng với một cảm giác mãnh liệt mà bạn đang trải qua.
Nếu căng thẳng hoặc lo lắng gây ra co thắt thanh quản, bạn có thể cần sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần ngoài bác sĩ điều trị.
- Gây mê trong quá trình phẫu thuật
Co thắt thanh quản cũng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật liên quan đến thủ thuật gây mê toàn thân. Điều này là do gây mê kích thích dây thanh âm.
Co thắt thanh quản sau gây mê thường thấy ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn. Chúng cũng có nhiều khả năng xảy ra ở những người trải qua phẫu thuật thanh quản hoặc hầu họng. Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng có nguy cơ cao bị biến chứng do phẫu thuật này.
- Co thắt thanh quản liên quan đến giấc ngủ
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng co thắt thanh quản có thể xảy ra khi bạn đang ngủ. Co thắt thanh quản sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng hoảng sợ khi bạn thức giấc, bạn cảm thấy bị mất phương hướng và khó thở.
Tương tự như tình trạng co thắt thanh quản xảy ra trong khi thức, co thắt thanh quản xảy ra khi ngủ sẽ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian vài giây.
Bệnh co thắt thanh quản khi ngủ lặp đi lặp lại nhiều lần có thể liên quan đến trào ngược axit hoặc rối loạn chức năng dây thanh âm. Tuy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu gặp phải tình trạng này.
Việc tái phát các cơn co thắt thanh quản là không phổ biến, tuy nhiên, nếu xảy ra, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh. Dùng thuốc kháng axit hoặc thuốc ức chế axit trong vài tuần có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân bằng cách loại bỏ. Nếu chẩn đoán không rõ ràng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia tai mũi họng để xem xét dây thanh âm của bạn bằng máy soi sợi nhỏ để chắc chắn không có dấu hiệu bất thường nào khác.
Nếu co thắt thanh quản là do rối loạn chức năng dây thanh âm khác, các nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ sẽ giúp bạn luyện tập các bài tập thở. Các kỹ thuật thư giãn và thở có thể làm giảm các triệu chứng và tần suất hoặc mức độ tổn thương của thanh quản trong tương lai.
3. Dấu hiệu co thắt thanh quản
Trong quá trình co thắt thanh quản, dây thanh âm thường dừng lại ở vị trí khó kiểm soát. Bạn không thể kiểm soát cơn co thắt xảy ra ở lỗ mở khí quản hoặc bên trong khí quản. Bạn có thể cảm thấy như khí quản bị tắc nghẽn hoặc giống như bạn không thể thở được.
Bị co thắt thanh quản thường sẽ không kéo dài quá lâu, mặc dù bạn có thể gặp một vài sự cố xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
Nếu bạn có thể thở khi bị co thắt thanh quản, bạn có thể nghe thấy một tiếng rít khi không khí di chuyển qua lỗ khí quản nhỏ hơn.
4. Điều trị bệnh co thắt thanh quản
Bệnh co thắt thanh quản thường xuất hiện đột ngột, khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn so với thực tế. Nếu bạn bị co thắt thanh quản tái phát do hen suyễn, căng thẳng hoặc GERD, bạn có thể học các bài tập thở để giữ bình tĩnh trong suốt thời gian đó. Giữ bình tĩnh có thể làm giảm thời gian co thắt trong một số trường hợp.
Nếu bạn đang trải qua cảm giác khó chịu trong dây thanh âm và đường thở bị chặn, hãy cố gắng đừng hoảng sợ. Đừng thở hổn hển hoặc nuốt quá nhiều nước bọt. Uống một ngụm nước nhỏ để cố gắng rửa trôi bất cứ thứ gì có thể gây kích thích dây thanh âm.
Nếu GERD là yếu tố kích hoạt co thắt thanh quản, các biện pháp điều trị làm giảm trào ngược axit có thể giúp ngăn chặn tình trạng này xảy ra. Chúng có thể bao gồm thay đổi lối sống, thuốc bao gồm thuốc kháng axit hoặc phẫu thuật.
5. Làm gì nếu ai đó bị co thắt thanh quản
Nếu bạn chứng kiến ai đó bị co thắt thanh quản, bạn cần chắc chắn họ không bị nghẹn bởi một vật gì đó. Cố gắng giúp họ giữ bình tĩnh và chú ý xem họ có thể trả lời được các câu hỏi của bạn hay không.
Nếu không có vật thể nào chặn đường thở, hay không phải bị lên cơn hen suyễn, bạn nên tiếp tục nói chuyện với họ bằng giọng điệu nhẹ nhàng cho đến khi cơn co thắt thanh quản đi qua.
Nếu trong vòng 60 giây, tình trạng trở nên tồi tệ hơn hoặc nếu người đó xuất hiện các triệu chứng khác (chẳng hạn như da tái nhợt), không nên quá chủ quan và nghĩ rằng nó đơn thuần chỉ là cơn co thắt thanh quản. Nên gọi trung tâm y tế cấp cứu khẩn cấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com