Thuốc tim mạch thường dùng với công dụng làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng nặng có thể gặp phải. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc này bên cạnh những lợi ích gì cũng có thể gây ra những tác dụng phụ.
1. Các loại thuốc điều trị tim mạch
Các loại thuốc điều trị tim mạch có nhiều nhóm khác nhau, với mỗi nhóm thuốc lại có công dụng nhất định. Nhưng cũng có những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc. Dưới đây là các loại thuốc điều trị tim mạch thường dùng:
- Thuốc điều trị tăng huyết áp
- Thuốc điều trị suy tim
- Thuốc điều trị bệnh mạch vành
- Thuốc chống đông
- Thuốc điều trị mỡ máu
- Nhóm thuốc chống loạn nhịp.
Các nhóm thuốc trên có thể dùng phối hợp hay riêng lẻ để điều trị bệnh lý tim mạch khác nhau.
2. Tác dụng phụ của thuốc tim mạch
Cùng với các tác dụng điều trị thì mỗi loại thuốc lại có thể mang lại một tác dụng phụ khác nhau, mặc dù không phai ai khi dùng thuốc cũng gặp phải tác dụng phụ này.
2.1 Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Đối với những người bị tăng huyết áp, dùng các biện pháp thay đổi lối sống không cải thiện thì thuốc hạ huyết áp là phương pháp điều trị bắt buộc. Hiện nay, có rất nhiều nhóm thuốc khác nhau giúp điều trị huyết áp cao. Tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ chỉ định thuốc hay phối hợp thuốc huyết áp phù hợp cho bạn.
Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE)
Thuốc ức chế men chuyển là thuốc hạ huyết áp hoạt động theo cơ chế đó là ức chế hoạt động của men chuyển hóa angiotensin (ACE). Tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc ức chế ACE gồm: Ho khan; Huyết áp thấp quá mức; Mệt mỏi; Nhức đầu; Nồng độ kali huyết tăng; thay đổi chỉ số trong máu; phù mạch...Bạn cũng có thể gặp các tác dụng phụ khác khi dùng thuốc nhóm này.
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs)
Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) là thuốc thường được dùng để điều trị huyết áp cao. Loại thuốc hạ huyết áp này hoạt động bằng ngăn chặn hoạt động của angiotensin II theo cách không cho angiotensin II gắn với thụ thể AT1 của nó có mặt trên các cơ bao quanh mạch máu. Kết quả giúp cho các mạch máu giãn ra và huyết áp giảm. Huyết áp giảm cũng có thể cải thiện tình trạng suy tim. Cũng như nhóm ức chế men chuyển nhóm này cũng làm giảm sự tiến triển của bệnh thận do tăng huyết áp hay bệnh tiểu đường. Các thuốc hay dùng gồm Losartan, Irbesartan, Valsartan, Candesartan, Olmesartan (Benicar), Telmisartan (Micardis), Eprosartan (Teveten), Azilsartan (Edarbi).
Tác dụng phụ thường gặp của các thuốc nhóm thuốc ARBs gồm: Ho( ít gặp hơn nhóm ức chế men chuyển); giảm huyết áp quá mức; mệt; Nhức đầu; Nồng độ kali huyết tăng; Khó tiêu; Tiêu chảy...Bạn cũng có thể gặp tác dụng phụ khác không được liệt kê.
Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm
Thuốc chẹn beta là những thuốc có tác dụng ngăn chặn norepinephrine và epinephrine (adrenaline) không gắn được vào cả hai loại thụ thể hoạt động của nó đó là beta 1 và beta 2 có mặt ở các cơ quan và cơ bắp, sự gắn kết này làm cho mạch máu của bạn bị thu hẹp và tim bị suy yếu. Thuốc ngăn cản sự ảnh hưởng của norepinephrine và epinephrine nên giúp làm giãn nở các mạch máu và làm giảm nhịp tim. Nhóm thuốc này còn được dùng trong trường hợp người bệnh bị đau ngực, loạn nhịp tim...
Các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc thuộc nhóm thuốc chẹn beta giao cảm gồm: Mệt mỏi; Chóng mặt; Cơn khó thở; Bất lực; Huyết áp thấp, block nhĩ thất...
Thuốc chẹn kênh canxi
Canxi là ion cần cho tế bào cơ, kể cả cơ tim và các cơ bao quanh mạch máu giúp các sợi cơ trượt lên nhau để tạo ra sự co cơ. Thuốc chẹn kênh canxi ức chế sự vận chuyển dòng canxi đi vào các tế bào cơ. Việc giảm canxi nội bào giúp làm giảm sức co bóp của cơ tim, do đó làm giảm huyết áp. Loại thuốc hạ huyết áp này cũng làm giãn động mạch giúp giảm huyết áp
Các tác dụng phụ thường gặp nhất của các thuốc chẹn kênh canxi gồm: Khả năng giữ nước gây phù ngoại biên; Táo bón; Khó thở; Có thể gây tăng nhịp tim phản ứng; Nổi mẩn; Nhức đầu...
Thuốc lợi tiểu cũng là một trong các loại thuốc hạ huyết áp thường dùng
Thuốc lợi tiểu cũng là một trong những loại thuốc phổ biến được sử dụng trong điều trị cao huyết áp, nhất là các trường hợp nhek và người già. Chúng hoạt động trên các ống thận giúp thúc đẩy việc loại bỏ muối và nước ra khỏi cơ thể. Từ đó làm giảm khối lượng tuần hoàn, giảm huyết áp. Thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng riêng lẻ trong điều trị huyết áp cao. Tuy nhiên, thuốc lợi tiểu liều thấp thường được dùng kết hợp với các loại thuốc hạ huyết áp khác để giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh. Nhóm thuốc lợi tiểu này cũng được sử dụng cho các tình trạng bệnh lý khác như: Suy tim sung huyết, phù ngoại biên, phù phổi, tăng kali máu.
Các thuốc thường dùng: Lợi tiểu thiazid( Hydrochlorothiazide, Chlorthalidone); Các thuốc lợi tiểu quai furosemide (Lasix).
Tác dụng phụ hay gặp của nhóm thuốc lợi tiểu gồm: Mất nước; Nồng độ kali trong máu thấp; giảm áp lực máu; mệt mỏi; Tăng đường huyết; Tăng nồng độ axit uric...
Nhóm thuốc chẹn alpha
Các cơ xung quanh mạch máu có các thụ thể alpha. Các thụ thể alpha, cũng giống như thụ thể beta làm cho các cơ bao quanh các động mạch co lại và thu hẹp lòng động mạch. Bằng cách ngăn chặn hoạt động các chất dẫn truyền thần kinh trên các thụ thể alpha, thuốc chẹn alpha giúp giãn các cơ và giảm huyết áp. Thuốc này cũng được dùng điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
Các tên thuốc hạ huyết áp nhóm thuốc chẹn alpha gồm: Terazosin, Doxazosin (Cardura)...Tác dụng phụ thường gặp của thuốc chẹn alpha gồm: Huyết áp thấp; Chóng mặt; Buồn nôn; Mệt mỏi...
Aliskiren (Tekturna)
Thận sản xuất renin khi huyết áp trong cơ thể xuống thấp. Renin kích thích việc sản xuất angiotensin I, một loại protein được chuyển thành angiotensin II nhờ men chuyển angiotensin ở phổi. Angiotensin II gây co thắt cơ nằm xung quanh các mạch máu dẫn đến mạch máu co thắt và tăng huyết áp. Angiotensin II cũng làm tăng tiết hormone aldosteron gây tăng huyết áp, giúp cơ thể giữ lại natri. Aliskiren là thuốc chặn những tác động của renin và angiotensin, do đó giúp làm huyết áp không tăng.
Các phản ứng phụ hay gặp của thuốc hạ huyết áp này gồm: Tiêu chảy; Tăng nồng độ kali trong máu; Kết quả xét nghiệm chức năng thận bất thường.
Nhóm kháng aldosteron
Hormone Aldosterone tham gia vào cơ chế gây tăng huyết áp. Các thuốc kháng loại hormone này hay còn được gọi là lợi tiểu giữ kali. Thuốc này có thể được lựa chọn thêm vào để điều trị tăng huyết áp đáp ứng kém với các thuốc trước đó và ngăn ngừa tiến trình suy thận.
Các thuốc được dùng như: Spironolacton.
Tác dụng phụ của nhóm thuốc này: làm tăng kali máu, rối loạn điện giải, mệt mỏi, đau đầu, khó tiêu, giảm ham muốn, phì đại tuyến vú...
2.2 Nhóm thuốc trợ tim
Đây là các thuốc thuộc nhóm glycosid tim có tác dụng làm tăng sức co bóp cơ tim. Các thuốc này được sử dụng trong điều trị suy tim sung huyết, có kèm theo rung nhĩ và thường phối hợp với các thuốc tim mạch khác.
Các thuốc nhóm này bao gồm digitalis, digoxin và digitoxin.
Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này bao gồm: Chán ăn, buồn nôn và nôn, đau bụng do kích thích dạ dày, mệt mỏi, không muốn đi lại, khó chịu, đau đầu, rối loạn tâm thần, bồn chồn...Quan trọng nhất cần lưu ý khi dùng nhóm thuốc này chính là thuốc có liều sử dụng rất hẹp, nếu quá liều trong huyết tương có thể gây ngộ độc. Ngộ độc thuốc này có thể gây ra loạn nhịp tim và tử vong, tỷ lệ tử vong do dùng sai thuốc này khá cao nên cần chú ý đặc biệt.
2.3 Thuốc điều trị bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là bệnh lý khiến cho động mạch vành bị thu hẹp khiến cho cơ tim không được cung cấp đủ oxy nhất là trong trường hợp gắng sức. Các loại thuốc điều trị bệnh này là loại thuốc có tác dụng giãn mạch nhóm nitrat, giúp tăng lượng oxy cho tim hoạt động như Nitroglycerin, Isosorbid ...
Tác dụng phụ của các thuốc nhóm này gồm: Chóng mặt, đau ngực, buồn nôn, tăng nhịp tim, phù...
2.4 Thuốc chống đông máu
Một trong các thuốc tim mach khá thường dùng đó là nhóm chống đông máu.
Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn sự hình thành cục máu đông, được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý có sự hình thành huyết khối gây ra như trong bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi, rung nhĩ... trên người thay van tim cơ học.
Các loại thuốc chống đông máu gồm:
- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu: Hay sử dụng đó là Aspirin. Thuốc này được chỉ định dùng liều thấp kéo dài để ngăn chặn sự hình thành huyết khối.
- Nhóm thuốc chống đông máu cũ gồm: heparin thường được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch; warfarin (coumadin), acenocoumarol (sintrom) được dùng bằng đường uống
- Nhóm thuốc chống đông máu mới bao gồm: apixaban, dabigatran, rivaroxaban, edoxaban thường được sử dụng qua đường uống.
Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu: Trong thời gian dùng thuốc này thì điều cần lưu ý nhất đoa là phải luôn chú ý tới nguy cơ chảy máu thứ phát. Đặc biệt với bệnh nhân có tiền sử bị chảy máu não hay tiền sử chảy máu tiêu hóa. Trong các trường hợp đặc biệt này cần phải theo dõi cẩn thận.
2.5 Thuốc điều trị mỡ máu
Có hai nhóm thuốc điều trị tăng mỡ máu thường được sử dụng bao gồm:
Nhóm Statin
Đây là nhóm thuốc phổ biến dùng hạ mỡ máu, có tác dụng ngăn chặn một hoạt chất mà gan cần sử dụng để tổng hợp cholesterol, điều này làm cho gan loại bỏ cholesterol trong máu. Statin cũng có thể giúp cơ thể tái hấp thu các mảng xơ vữa lắng đọng trên thành mạch, cải thiện chức năng mạch máu và bệnh mạch vành. Các thuốc thuộc nhóm statin bao gồm atorvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin, rosuvastatin và simvastatin.
Khi dùng các thuốc nhóm statin, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau: Đau đầu, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, tăng men gan, mệt mỏi, phát ban... Hai tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của nhóm này là là suy gan và tổn thương cơ xương. Tuy nhiên, điều này này đều hiếm khi xảy ra.
Nhóm thuốc Fibrat
Thuốc nhóm Fibrat có tác dụng ức chế sinh tổng hợp cholesterol ở gan, làm giảm các thành phần gây vữa xơ như lipoprotein tỷ trọng rất thấp VLDL và lipoprotein tỷ trọng thấp LDL và làm tăng sản xuất lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), thuốc này còn làm giảm triglycerid máu. Nghiên cứu thấy các thuốc Fibrate làm giảm 30 – 50% Triglyceride, giảm 10% LDL-Cholesterol đồng thời giúp làm tăng 2 – 20% HDL-Cholesterol.
Những thuốc nhóm này gồm: Fenofibrat, Ciprofibrat...Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc này như: rối loạn tiêu hoá, bệnh lý về cơ nghiêm trọng, có thể gây tăng men gan...
2.6 Nhóm thuốc điều trị loạn nhịp tim
Nhóm thuốc này có tác dụng lặp lại tình trạng ổn định của chu chuyển tim, giúp tránh tình trạng loạn nhịp. Gồm những loại thuốc như: Amiodaron, Quinidin, digoxin, beta blocker( thuốc chẹn beta giao cảm), thuốc chẹn kênh canxi...
Những thuoocs mày có thể mang đến các tác dụng phụ như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, buồn ngủ và tác dụng kháng cholinergic nếu dùng quá liều thì biểu hiện rõ hơn. Trường hợp quá liều nặng có thể gây co giật, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, loạn nhịp, hôn mê... tuỳ vào mỗi loại thuốc chống loạn nhịp khác nhau mà tác dụng phụ của thuốc tim mạch đó cũng khác nhau
3. Những lưu ý khi dùng các loại thuốc điều trị tim mạch
Đây là các loại thuốc được sử dụng dưới sự kê đơn của bác sĩ, cho nên bạn không tự ý mua thuốc để sử dụng. Vì điều này có thể gây tác hại lớn. Dưới đây là một số lưu ý để sử dụng thuốc tim mạch an toàn:
- Không tự ý thay đổi liều dùng: Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vì một số thuốc điều trị bệnh tim mạch thường dùng có liều độc rất gần liều điều trị, chỉ cần tăng một chút liều sẽ khiến người bệnh bị ngộ độc.
- Không ngừng thuốc đột ngột: việc dùng thuốc theo chỉ định và kéo dài mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân, nên không tự ngưng điều trị vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Bạn không được đổi thuốc khi chưa được kiểm tra và quyết định của thầy thuốc. Thay đổi thuốc cần phải xác định liều dùng phù hợp và có chiến lược để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
- Bên cạnh việc dùng thuốc bạn cũng nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện hợp lý. Điều này giúp chức năng của hệ tim mạch tốt hơn, giảm thiểu việc phải dùng nhiều thuốc. Bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân hay béo phì.
- Thăm khám định kỳ: khi mắc bệnh tim mạch bạn cần được cấp thuốc theo định kỳ và kiểm tra chức năng cơ thể sau mỗi một thời gian dùng thuốc. Nên đừng quên lịch hẹn với bác sĩ.
Trên đây là những tác dụng phụ và lưu ý khi dùng các loại thuốc điều trị tim mạch. Nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc bạn nên hỏi ý kiến trực tiếp từ bác sĩ điều trị của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.