Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Não bộ là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương, có vai trò chỉ huy mọi hành vi của con người, với cấu tạo đặc biệt, mỗi vùng của não được nuôi dưỡng bởi một mạch máu riêng, chính vì thế mà nếu không may bị chấn thương sọ não thì người bệnh có thể đối mặt với sự rối loạn chức năng của vùng não, gây ra tình trạng rối loạn trí tuệ, động kinh, rối loạn ngôn ngữ và vận động...
1. Nguyên nhân gây chấn thương sọ não
Người bệnh sẽ bị chấn thương sọ não nếu phải chịu một lực mạnh tác động vào vùng đầu, mặt, mức độ chấn thương phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong cuộc sống, một số nguyên nhân phổ biến có thể gây chấn thương sọ não bao gồm:
- Do bị ngã, đây là nguyên nhân phổ biến nhất thường gặp ở người già và trẻ nhỏ.
- Do bị tai nạn giao thông.
- Bạo lực.
- Gặp phải các chấn thương trong thể thao.
2. Chấn thương sọ não gây ra hậu quả gì?
Bệnh nhân sau tổn thương não có thể gặp phải một hoặc nhiều dạng rối loạn khác nhau. Nhìn chung, hậu quả của tổn thương não để lại không hề nhẹ nhàng, có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của người bệnh.
Mặc dù bệnh nhân có thể được điều trị kịp thời, nhưng tình trạng suy não sau chấn thương vẫn diễn ra và gây ra hậu quả như:
- Khiến người bệnh bị rối loạn ngôn ngữ
Rối loạn ngôn ngữ là một trong những hậu quả mà người bệnh có thể phải đối mặt sau chấn thương sọ não, đó có thể là rối loạn hơi thở, rối loạn phát âm ở thanh quản, rối loạn độ âm vang của âm, rối loạn khả năng cấu âm...
Sở dĩ xảy ra tình trạng này là bởi sự yếu, liệt của các cơ quan liên quan đến chức năng nói chứ không ở trung khu ngôn ngữ, điều này khiến cho ngôn ngữ người bệnh phát ra bị “biến dạng” hoặc sai lệch, làm người nghe không rõ chứ thực chất kho ngôn ngữ của người bệnh vẫn còn và khả năng sử dụng ngôn ngữ vẫn nguyên vẹn.
- Người bệnh bị co giật, động kinh
Chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây động kinh ở người trong khoảng từ 15-25 tuổi. Theo thống kê thì người bệnh bị động kinh sau chấn thương có thể chiếm tỷ lệ 5% các ca chấn thương sọ não, trường hợp chấn thương do các vết thương chiến tranh gây ra thì tỷ lệ này có thể tăng lên đến 30%.
Khi não bị tổn thương sẽ khiến cho các tế bào thần kinh bị phá hủy, đồng thời, những tổn thương kết hợp với quá trình stress oxy hóa tế bào sẽ tạo nên phản ứng viêm mạnh mẽ và để lại những vết sẹo không thể phục hồi, khiến cho người bệnh dù đã điều trị chấn thương sọ não nhưng vẫn khởi phát các cơn co giật, động kinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh bị động kinh, co giật sau chấn thương sọ não sẽ tương ứng với hàng triệu tế bào thần kinh bị tổn thương và làm cho sự dẫn truyền thần kinh ngày càng bị rối loạn, người bệnh sẽ càng có xu hướng động kinh liên tục.
Các cơn co giật động kinh sau chấn thương sọ não có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào sau chấn thương. Nguyên nhân gây nên tổn thương não bộ cũng được xem là cơ sở để các bác sĩ đánh giá khả năng bị co giật động kinh ở người bệnh.
- Suy não sau chấn thương
Hội chứng suy não sau chấn thương sọ não thường biểu hiện ra bên ngoài rõ ràng hơn so với các hội chứng suy nhược cơ thể khác. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ la hét, vật vã hoặc diễn lại các tình huống khiến bản thân bị thương. Thông thường, sự rối loạn tâm lý này sẽ gặp trong một vài năm đầu sau chấn thương, về sau thì mất hẳn.
Tình trạng suy não còn khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, giảm sút trí nhớ, khó nhớ các kiến thức mới, tư duy kém linh hoạt và cảm xúc thay đổi thất thường, khó kiềm chế bản thân...Cũng có trường hợp người bệnh rơi vào trạng thái vô cảm, chậm chạp, lờ đờ, thiếu chủ động. Suy não sau chấn thương sọ não sẽ trở nên nặng nề hơn khi gặp phải một số yếu tố không thuận lợi về tinh thần, cảm xúc, lao động quá mệt nhọc, nhiễm khuẩn, uống rượu...
- Rối loạn trí tuệ, vận động
Sau chấn thương sọ não, người bệnh có khả năng bị rối loạn trí tuệ, biểu hiện bằng sự mất trí nhớ một phần hay toàn bộ, đồng thời mất đi khả năng đánh giá, phê phán và lao động trí óc. Người bệnh chỉ còn có thể làm được một số công việc chân tay không đòi hỏi kỹ thuật cao. Trường hợp nặng thì người bệnh còn mất hẳn hoạt động bản năng và khả năng tự phục vụ cho bản thân mình.
Ngoài ra, sau chấn thương sọ não, người bệnh còn có thể gặp một số rối loạn có triệu chứng giống tâm thần phân liệt, có ý tưởng bị theo dõi hoặc ghen tuông, hội chứng Paranoid, hoang tưởng, thay đổi nhân cách... đều là biểu hiện của sự rối loạn trí tuệ.
3. Nguyên lý cơ bản giúp phục hồi chức năng não bộ sau chấn thương
Theo một số nghiên cứu khoa học thì để giúp phục hồi hiệu quả các chức năng của não bộ sau chấn thương thì ngoài điều trị, việc tác động trực tiếp lên các tế bào não cần phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Cần phải tăng cường sự hình thành các kết nối thần kinh mới và tái tạo những kết nối đã bị gián đoạn.
- Tăng cường sự lưu thông máu lên não bằng cách kết hợp tập luyện và bổ sung dưỡng chất cần thiết giúp nuôi dưỡng não bộ khỏe mạnh.
- Bảo vệ và hạn chế sự suy thoái các tế bào não.
- Giảm thiểu tác động từ các yếu tố gây hại cho tế bào não.
Chấn thương sọ não có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người bệnh, chủ động phòng tránh chấn thương sọ não là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân mình.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.