Các rối loạn dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Rối loạn dạ dày là vấn đề thường gặp ở nhiều người do chế độ ăn uống và thói quen sống không lành mạnh, chứng bệnh này gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những rối loạn dạ dày phổ biến như: Trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày, sỏi túi mật,...

1. Triệu chứng của rối loạn dạ dày

Dạ dày là khí quản dạng túi, đoạn gần nghiêng nối liền với thực quản. Dạ dày chia làm 3 phần là vùng thân, vùng đáy và cùng hang. Khu vực nối giữa thực quản và dạ dày được gọi là tâm vị, và chỗ nối giữa dạ dày và tá tràng được gọi là môn vị. Chức năng của dạ dày bị rối loạn chiếm khoảng 50% trong số bệnh nhân đến khám rối loạn tiêu hóa. Đối tượng thường gặp là những người trẻ tuổi, nhất là lứa tuổi dậy thì hay người có trạng thái rối loạn thần kinh thực vật dạ dày.

Rối loạn dạ dày được chia làm 3 loại bao gồm:

  • Nhóm bệnh rối loạn chức năng vận động của dạ dày: Tăng trương lực dạ dày, giảm hoặc mất các trương lực dạ dày, giãn dạ dày cấp, co thắt môn vị, tâm vị.
  • Nhóm bệnh gây rối loạn chức năng tiết dịch của dạ dày: Tăng tiết, vô toan, tăng toan, vô dịch vị
  • Rối loạn cảm giác: Đau dạ dày

Các triệu chứng thường gặp khi rối loạn dạ dày như:


Tiêu chảy kéo dài là triệu chứng thường gặp của rối loạn dạ dày
Tiêu chảy kéo dài là triệu chứng thường gặp của rối loạn dạ dày
  • Nóng ở ngực
  • Đau xung quanh vùng rốn
  • Đau nhói dưới xương sườn
  • Nóng rát dạ dày
  • Khó chịu vùng bụng
  • Mót đại tiện
  • Đau quặn bụng
  • Tiêu chảy kéo dài
  • Tiêu chảy ra máu
  • Sốt.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn dạ dày

Dạ dày có 2 chức năng chính là vận động và tiết dịch.

  • Chức năng vận động: Dạ dày có hai vùng chức năng riêng biệt là thân vị và hang vị. Thân bị là nơi khởi đầu cho lực co bóp của dạ dày, và vùng hang vị là nơi đáp ứng sự giãn ra bởi thức ăn mà tại đó hoạt hóa cho vung tạo nhịp nằm trên bờ cong lớn đoạn giữa thân bị.
  • Chức năng tiết dịch: Là quá trình bài tiết dịch vị của các tế bào dưới sự chi phối của các yếu tố thần kinh và thể dịch.

Do đó, các rối loạn dạ dày là tình trạng rối loạn chức năng tiết dịch hoặc vận động do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân thường gặp dẫn tới rối loạn dạ dày như:


Viêm tụy là bệnh lý rất thường gặp ở người bị rối loạn chức năng dạ dày
Viêm tụy là bệnh lý rất thường gặp ở người bị rối loạn chức năng dạ dày
  • Yếu tố thần kinh: Stress, phẫn nộ, bực bội, khó chịu,... có thể làm niêm mạc dạ dày nhạt màu, giảm tiết dịch và giảm nhu động.
  • Xảy ra sau khi mắc các bệnh như viêm ruột thừa mãn tính, viêm tụy, viêm đại tràng mãn tính, viêm gan, viêm túi mật,...
  • Chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Ăn quá nhanh, nhai vội, ăn uống giờ giấc thất thường, vừa ăn vừa làm, lao động ngay sau khi ăn, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia và đồ cay nóng,...

3. Những bệnh dạ dày thường gặp

3.1 Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh hệ tiêu hóa mãn tính rất hay gặp. Nguyên nhân gây bệnh là do axit dạ dày hoặc dịch mật trào ngược từ dạ dày vào thực quản, vì van giữa chúng bị suy yếu.

Trào ngược dạ dày thực quản gây ra triệu chứng như:

  • Nóng rát ở ngực
  • Ho khan
  • Buồn nôn
  • Khó nuốt thức ăn
  • Khó thở
  • Trào ngược axit lên miệng

Để phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản cần bỏ hút thuốc lá, không nên ăn quá no, và hạn chế ăn thực phẩm gây ợ nóng như hành tây, đồ chiên, thức ăn cay nóng,... Trước khi đi ngủ, không nên ăn thực phẩm nhiều gia vị hoặc dầu mỡ. Cần duy trì cân nặng hợp lý nhằm tránh bị thừa cân béo phì.


Tránh bị thừa cân béo phì để phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản
Tránh bị thừa cân béo phì để phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản

3.2 Viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Những tổn thương này xảy ra khi các lớp niêm mạc của dạ dày bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hoặc thành ruột sẽ bị lộ ra.

Nguyên nhân gây loét dạ dày thường có liên quan đến tiền sử bệnh gia đình, tuổi, giới tính và thói quen sinh hoạt như hút thuốc,... Viêm loét dạ dày gây ra rối loạn tiêu hóa như triệu chứng nóng rát dạ dày, đau bụng hàng ngày và nhất là đau khi ăn, đây là dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày.

3.3 Không dung nạp lactose

Tình trạng không dung nạp lactose sẽ gây ra khó chịu ở bụng và mót đại tiện. Đau bụng ở người không dung nạp lactose sẽ không tập trung ở một khu vực cụ thể, mà người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu ở toàn bộ vùng bụng. Tình trạng khó chịu do đầy hơi và tiêu chảy sẽ khiến cho người bệnh đi vệ sinh liên tục.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng không dung nạp lactose là do sự thiếu hụt của enzyme lactase, một loại enzyme được sản xuất ở ruột non. Sự thiếu hụt của lactase sẽ làm cho lactose có trong thức ăn di chuyển vào đại tràng. Lúc này vi khuẩn ở đại tràng sẽ tương tác với lactose không tiêu hóa gây ra triệu chứng không dung nạp lactose. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần tiến hành kiểm tra phản ứng với một số loại thực phẩm. Nếu trường hợp bị dị ứng nặng cần nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng nhằm đảm bảo được các chất dinh dưỡng cần thiết.

Tóm lại, rối loạn dạ dày gây ra một số triệu chứng như ợ nóng, đau bụng, tiêu chảy,... Nguyên nhân gây ra thường do chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh. Do đó, để phòng ngừa các rối loạn dạ dày cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn đồ cay nóng, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,... Khi có những triệu chứng bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp xử trí kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe