Các rối loạn cảm giác thường gặp

Rối loạn cảm giác là tình trạng não gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin đi qua các giác quan. Đây được xem là một khiếm khuyết của cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận thông tin từ môi trường bên ngoài và nhất là quá trình phát triển cân bằng, toàn diện ở trẻ nhỏ.

1. Rối loạn cảm giác là gì?

Cơ thể nhận thức và tìm hiểu thông tin bằng cách cảm nhận thế giới xung quanh. Điều này thực hiện được là nhờ vào các giác quan, bao gồm thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Tuy nhiên, còn hai loại cảm giác khác ít phổ biến hơn là cảm giác tư thế và tiền đình. Tín hiệu từ tất cả các giác quan này được tập trung về bộ não tiếp nhận, xử lý và cho tín hiệu phản hồi.

Theo đó, bất kỳ những rối loạn nào xảy ra trong quá trình này được gọi là rối loạn cảm giác. Các vị trí có thể mắc bệnh là tại cơ quan thụ cảm (các giác quan), trên đường dẫn truyền tín hiệu (dây thần kinh hướng tâm tương thích) và bộ phận xử lý (các thùy trên não bộ). Lúc này, các rối loạn cảm giác sẽ khiến cho cơ thể không còn khả năng xử lý thông tin hay xử lý không đúng đắn thông tin đến từ các giác quan. Hệ quả là người bệnh hoặc sẽ rất nhạy cảm hoặc hoàn toàn không nhận biết được tín hiệu gì từ môi trường xung quanh người đó.

2. Các rối loạn cảm giác

Tăng cảm giác hay quá mẫn cảm (phản ứng quá mức), dẫn đến tình trạng quá tải cảm giác, người bệnh dễ bị choáng ngợp bởi quá nhiều kích thích từ môi trường. Ngược lại, những người kém nhạy cảm, giảm phản ứng, thường chậm chạp hay gặp hạn chế trước các tín hiệu kích thích từ môi trường.

Dưới đây là một số đặc điểm, biểu hiện giúp nhận biết cho hai loại rối loạn cảm giác thường gặp:

2.2 Rối loạn tăng cảm giác

Khi bị rối loạn tăng cảm giác, người bệnh sẽ có biểu hiện:

  • Người bệnh sẽ luôn cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi mặc quần áo do cảm giác vải ma sát vào da, bị ngứa ngáy.
  • Bị kích thích bởi những tín hiệu, thông tin mới lạ từ môi trường xung quanh, bao gồm cả những thứ thông dụng như quần áo, đồ đạc nội thất hoặc thậm chí là cả thực phẩm (một người có thể bị cho là kén ăn vì nguyên nhân này).
  • Có sức chịu đựng thấp đối với đám đông, ánh sáng chói và khu vực ồn ào
  • Không thích và hay tránh né những hành động đụng chạm của con người, bao gồm cả ôm hôn, âu yếm, ngay cả khi đó là từ cha mẹ hoặc những người quen thuộc khác
  • Nhân cách dễ cáu gắt, khó chịu, đôi khi có thể hiếu kỳ và cả hoảng loạn
  • Khó ngủ, ngủ không sâu

Người bệnh bị rối loạn tăng cảm giác sẽ khó ngủ, ngủ không sâu
Người bệnh bị rối loạn tăng cảm giác sẽ khó ngủ, ngủ không sâu

2.3 Rối loạn giảm cảm giác

Khi bị rối loạn giảm cảm giác, người bệnh có biểu hiện:

  • Có khả năng chịu đau cao
  • Thường có hành xử quá khích với những người và đối tượng xung quanh, có thể được xem là thô bạo, hung dữ
  • Không thể ngồi yên; nếu trẻ nhỏ thì thường xuyên quậy phá, không vâng lời, không tập trung, chú ý
  • Có thể không phản hồi khi gọi tên, nói chuyện hoặc đụng chạm
  • Có khuynh hướng yêu thích các động tác mạnh, như leo trèo hoặc chạy nhảy
  • Thiếu nhận thức về không gian hay phạm vi sở hữu cá nhân
  • Thường tạo ra tiếng động lớn bằng giọng nói hoặc thể chất
  • Dễ ngủ, ngủ sâu và khó đánh thức

Người bệnh bị rối loạn giảm cảm giác lại thường dễ ngủ, ngủ sâu và khó đánh thức
Người bệnh bị rối loạn giảm cảm giác lại thường dễ ngủ, ngủ sâu và khó đánh thức

2.4 Những ảnh hưởng của rối loạn cảm giác

Một người trưởng thành mắc phải chứng rối loạn cảm giác, là di chứng sau các tổn thương trên cung đường tiếp nhận, dẫn truyền và xử lý cảm giác, sẽ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với cuộc sống cộng đồng như trước đây. Họ sẽ có hạn chế trong học tập, làm việc và cả các sinh hoạt thường ngày như lái xe, ăn uống, vệ sinh cá nhân, các thú tiêu khiển.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của rối loạn cảm giác sẽ biểu hiện rõ ràng và nặng nề nhất trên đối tượng người bệnh là trẻ nhỏ. Những đứa trẻ quá mẫn cảm thường bị trách phạt do bị đánh giá sai, hay quấy khóc, trong khi những đứa trẻ giảm cảm giác thường bị “bỏ rơi” do hay tỏ ra vô cảm hoặc thờ ơ. Một số trẻ gặp phải chứng rối loạn cảm giác có thể đi kèm một số dạng rối loạn tự kỷ với các triệu chứng chồng chéo. Hệ quả là các trẻ có nguy cơ bị chẩn đoán sai và điều trị không đúng. Như vậy, rối loạn cảm giác, nếu trẻ không được quan tâm đúng mực, khi lớn lên, trẻ có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng. Một số trẻ có thể chủ động tránh các tình huống xã hội, hình thành và phát triển nỗi ám ảnh với người xung quanh, tự cô lập chính bản thân mình.

2.5 Cách điều trị rối loạn cảm giác

Rối loạn cảm giác xảy ra ở người lớn thường đột ngột và là hậu quả của các tổn thương thực thể, phổ biến nhất là sau đột quỵ nhồi máu não hay xuất huyết não. Do đó, việc điều chỉnh, mặc dù khả năng hồi phục toàn vẹn còn hạn chế, thường dễ dàng hơn nhờ vào ý thức đã trưởng thành. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục còn phụ thuộc vào thái độ, tính cách của từng cá nhân. Một số di chứng rối loạn cảm giác có thể vẫn tồn tại suốt đời, bệnh nhân là người trưởng thành thường biết cách dung hòa và tự tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, nhờ vào nỗ lực chính bản thân và từ những người xung quanh.

Trái lại, khi chứng rối loạn cảm giác xảy ra trên bệnh nhi, mỗi đứa trẻ sẽ có những bệnh cảnh khác nhau, có khả năng và cách thức riêng trong quá trình phát triển về thể chất lẫn tâm thần. Tuy nhiên, rối loạn cảm giác ở trẻ nhỏ cần được cha mẹ chú ý và phát hiện sớm để điều chỉnh kịp thời. Sau khi được đánh giá kỹ lưỡng bởi các chuyên gia y tế, trẻ có thể sẽ bắt đầu sinh hoạt, học tập và làm việc với một nhà trị liệu. Mục tiêu của các biện pháp trị liệu là phát triển toàn diện các cơ chế nhằm đối phó, dung hòa khi tăng nhận cảm hay rèn luyện khả năng tập trung, chú ý nếu giảm nhận cảm.

2.6 Những điều chỉnh rối loạn cảm giác có thể thực hiện tại nhà

Ngôi nhà luôn là nơi chốn cuối cùng của sự thoải mái và che chở, an toàn. Khi một người bệnh mắc phải chứng rối loạn cảm giác, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, ngôi nhà và những người thân luôn là địa điểm lý tưởng giúp họ dần dần có những điều chỉnh, cân bằng thích hợp và sớm vượt qua các trở ngại này.

Mặc dù không thể so sánh bằng các liệu trình toàn diện của những nhà trị liệu thần kinh – tâm lý – tâm thần chuyên nghiệp, cha mẹ hay vợ chồng, con cái và những người thân trong gia đình đều có thể giúp người bệnh tái lập lại quy chuẩn cảm giác từ những hành động đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. Từ đó, người bệnh sẽ có thái độ đúng đắn đối với các tín hiệu cảm giác từ môi trường.

Những hành động giúp tái lập cảm giác có thể dựa trên từng giác quan hay tiếp cận một đối tượng cùng lúc với nhiều giác quan như sau:


Những người thân trong gia đình đều có thể giúp người bệnh tái lập lại quy chuẩn cảm giác từ những hành động đơn giản trong cuộc sống hằng ngày
Những người thân trong gia đình đều có thể giúp người bệnh tái lập lại quy chuẩn cảm giác từ những hành động đơn giản trong cuộc sống hằng ngày

Thị giác:

  • Sử dụng nguồn ánh sáng ấm áp nhưng mát mẻ, dễ chịu
  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên, tuân theo quy luật ngày đêm
  • Hạn chế các nguồn sáng nhân tạo khi không cần thiết, nhất là các ánh sáng nhấp nháy liên tục, vì có thể là yếu tố gây kích hoạt những người nhạy cảm. Tránh treo gương trên tường
  • Không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt, sử dụng kính mắt khi ra ngoài trời nắng. Có thể sử dụng rèm cửa dày để kiểm soát ánh sáng trong phòng
  • Hướng dẫn người bệnh cách dùng rèm cửa, màn che hay các phương tiện giúp điều chỉnh ánh sáng theo ý thích của mình

Khứu giác:

  • Lọc rửa không khí trong phòng tốt, loại bỏ các hạt, vật tạo mùi hương và chất có thể gây dị ứng để giúp giảm bớt kích thích về khứu giác cho cơ thể
  • Tối đa hóa luồng lưu thông không khí, ưu tiên sử dụng nguồn khí tự nhiên
  • Theo dõi độ ẩm trong phòng thích hợp
  • Sử dụng các dụng cụ hút mùi hay các chất hấp thụ mùi hương tự nhiên như baking soda hoặc than hoạt tính. Tránh xa mùi hương nhân tạo.

Vị giác:

  • Tối ưu hóa các yếu tố gây kích hoạt khứu giác do vị giác có mối liên hệ chặt chẽ đối với khứu giác
  • Dùng bữa ở những nơi thông thoáng và với cảm giác tự do, thoải mái. Nên dùng thức ăn để nguội hay ăn lạnh nhằm giảm bớt mùi vị khó chịu
  • Dùng hộp kín để đựng thực phẩm nhằm tránh lây lan mùi vị với nhau
  • Chú ý ghi nhận độ nhạy cảm với một loại thực phẩm hoặc hương vị cụ thể của người bệnh và tránh sử dụng lặp lại
  • Khi giới thiệu một loại thực phẩm mới, nên bắt đầu với liều lượng thấp và tôn trọng thái độ, phản ứng của người bệnh

Thính giác:

  • Hạn chế nơi ồn ào, đông đúc. Tuy nhiên cũng cần tránh nơi quá yên tĩnh sẽ khiến cho chứng ù tai, ảo thanh ở người tăng nhạy cảm trở nên tồi tệ hơn.
  • Sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng có thể điều chỉnh âm thanh, âm lượng, bộ hẹn giờ và các thông số khác để phù hợp với nhu cầu
  • Nên dùng gối chuyên biệt để nâng đầu trong khi ngủ nhằm giảm tắc nghẽn và giúp chứng ù tai cải thiện rõ rệt.
  • Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu và nicotine
  • Học cách cảm thụ âm thanh trong tự nhiên hay âm nhạc, học chơi nhạc cụ
  • Chỉ đeo nút tai khi thực sự cần thiết. Không nên đeo nút tai liên tục vì nguy cơ nhiễm trùng tai cũng như khiến tai dễ bị mẫn cảm hơn thì tháo ra.

Xúc giác:

  • Sử dụng các loại trang phục thoáng mát và mịn màng, tránh bó sát, tránh gây kích ứng cho da
  • Tháo bỏ nhãn mác trong quần áo, chăn gối, khăn
  • Kiểm tra các hàng dệt may trước mặt người bệnh để đảm bảo vô hại
  • Học về các loại cảm giác, trên các vùng da khác nhau trên cơ thể
  • Luôn báo trước khi có hành động đụng chạm vào người bệnh, bao gồm cả ôm hôn hay âu yếm

Tóm lại, rối loạn cảm giác bao gồm toàn bộ bất thường trên con đường nhận cảm, dẫn truyền và xử lý cảm giác. Đây cần được xem là một chứng bệnh thực sự để có cách thức tiếp cận, điều trị hiệu quả và người bệnh cũng cần được sự hỗ trợ phù hợp để có thể mau chóng hòa nhập tốt với cộng đồng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe