Các phương pháp kích thích phóng noãn

Vô sinh ở nữ giới do rất nhiều nguyên nhân gây ra, và trong đó không rụng trứng là nguyên nhân chiếm tỉ lệ hàng đầu. Để khắc phục tình trạng này có thể sử dụng các phương pháp kích thích phóng noãn. Vậy kích thích phóng noãn là gì?

1. Kích thích phóng noãn là gì?

Vô sinh được xác định khi hai vợ chồng thường xuyên quan hệ tình dục trong một năm, không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có thai. Không rụng trứng (bao gồm không rụng trứng thường xuyên và không rụng trứng hoàn toàn) là nguyên nhân phổ biến nhất trong các nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới. Kích thích phóng noãn là phương pháp sử dụng thuốc để kích thích hoặc kiểm soát quá trình rụng trứng, áp dụng đối với các trường hợp vô sinh ở nữ do rối loạn rụng trứng.


Kích thích phóng noãn
Kích thích phóng noãn

2. Cơ chế và thành phần các thuốc được sử dụng trong phương pháp kích thích phóng noãn

Các thuốc sử dụng trong phương pháp kích thích phóng noãn hoạt động như những nội tiết tố tự nhiên của cơ thể - nội tiết tố kích thích nang trứng (follicle stimulating hormone - FSH) và nội tiết tố kích thích hoàng thể (luteinizing hormone - LH), để khởi phát quá trình rụng trứng. Các thuốc này cũng được sử dụng ở những phụ nữ muốn kích thích quá trình rụng trứng nhằm có trứng tốt hơn, nhằm rụng hai trứng hoặc thậm chí nhiều trứng trong một chu kì kinh nguyệt. Thành phần của các thuốc sử dụng trong phương pháp kích thích phóng noãn có thể chứa:

  • Clomiphene citrate: clomiphene citrate khi được sử dụng qua đường uống sẽ kích thích rụng trứng bằng cách tác động lên tuyến yên giải phóng nhiều nội tiết tố kích thích nang trứng (FSH) và nội tiết tố kích thích hoàng thể (LH) hơn, qua đó kích thích sự phát triển của nang trứng ở buồng trứng.
  • Gonadotropin: thay vì kích thích tuyến yên giải phóng thêm nội tiết tố, gonadotropin được tiêm trực tiếp để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng hơn. Thuốc gonadotropin chứa gonadotropin mãn kinh ở người (human menopausal gonadotropin - hMG) và nội tiết tố kích thích nang trứng (FSH). Một loại gonadotropin khác, gonadotropin màng đệm ở người (human chorionic gonadotropin - hCG) được sử dụng để khiến cho trứng trưởng thành và khởi phát rụng trứng khi đến thời điểm. Tuy nhiên sử dụng gonadotropin gây nên sự lo lắng về vấn đề có khả năng cao mang đa thai và sinh non.
  • Metformin: metformin được sử dụng khi tình trạng kháng insulin được xác định là nguyên nhân hoặc nghi ngờ là nguyên nhân gây vô sinh, thường gặp trên phụ nữ được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome - PCOS). Metformin giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, qua đó cải thiện khả năng rụng trứng.
  • Letrozole: letrozole là thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế aromatase, và có cơ chế hoạt động tương tự như clomiphene. Letrozole có thể gây rụng trứng, tuy nhiên tác động của letrozole lên thời kì đầu mang thai chưa được biết rõ, do đó nó không được sử dụng nhiều như các loại thuốc khác.
  • Bromocriptine: bromocriptine, chất chủ vận dopamine, có thể sử dụng trong trường hợp nguyên nhân gây ra vấn đề rụng trứng là do prolactin được tuyến yên tiết ra quá nhiều.

Thuốc được sử dụng trong phương pháp kích thích phóng noãn
Thuốc được sử dụng trong phương pháp kích thích phóng noãn

3. Nguy cơ khi sử dụng các thuốc trong phương pháp kích thích phóng noãn

Cũng như bất kì phương pháp điều trị nào khác, sử dụng các thuốc này có thể gặp phải một số nguy cơ như:

  • Mang đa thai: nguy cơ mang đa thai đối với các thuốc đường uống là tương đối thấp (thấp hơn 10%), và trong trường hợp mang đa thai thì chủ yếu là gặp mang thai đôi. Tuy nhiên nguy cơ mang đa thai đối với thuốc tiêm tăng lên tới 30%, và trong trường hợp mang đa thai sẽ có nguy cơ cao mang thai ba hoặc thậm chí nhiều hơn ba. Trên thực tế, càng mang đa thai thì càng dễ bị sinh non, sinh con nhẹ cân và gặp các vấn đề phát triển sau này. Nếu có quá nhiều nang trứng phát triển, việc điều chỉnh thuốc có thể giúp hạ thấp nguy cơ mang đa thai.
  • Hội chứng quá kích buồng trứng (ovarian hyperstimulation syndrome - OHSS): tiêm thuốc kích thích rụng trứng có thể gây nên hội chứng quá kích buồng trứng, khiến buồng trứng sưng nề và đau đớn. Các dấu hiệu và triệu chứng thường tự biến mất mà không cần điều trị, thường gặp là đau bụng nhẹ, chướng bụng, buồn nôn, nôn, và tiêu chảy. Tuy nhiên nếu mang thai, các triệu chứng có thể kéo dài tới vài tuần. Hiếm gặp hơn, nó có thể tiến triển thành một dạng hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng hơn, gây ra tăng cân nhanh, buồng trứng sưng to đau đớn, tràn dịch ổ bụng và khó thở.
  • Nguy cơ dài hạn phát triển các khối u buồng trứng: đa số các nghiên cứu cho thấy phụ nữ sử dụng thuốc kích thích buồng trứng đối mặt với tỉ lệ thấp các nguy cơ dài hạn. Tuy nhiên có một số nghiên cứu chỉ ra những phụ nữ sử dụng thuốc kích thích buồng trứng từ 12 tháng trở lên mà vẫn không mang thai thành công có thể tăng nguy cơ phát triển các khối u buồng trứng sau này. Đối với các phụ nữ chưa từng mang thai, nguy cơ phát triển các khối u buồng trứng cũng tăng lên, và rất có thể điều này bắt nguồn từ một vấn đề ẩn nào đó, chưa hẳn là do phương pháp điều trị gây ra.

Thành lập tháng 11.2014, Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho hơn 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỉ lệ có thai lâm sàng luôn đạt trên 40%. Đây là tỉ lệ tương đương với các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Australia...

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, chuyên gia trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe