Bài viết được viết bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Nhiều người bị áp lực xoang do dị ứng theo mùa hoặc cảm lạnh thông thường. Áp lực xoang là do đường mũi bị tắc. Khi các xoang không thể thoát dịch ra ngoài, bạn có thể bị viêm và đau ở đầu, mũi và mặt.
1. Cấu tạo hệ xoang
Các xoang của bạn được ghép thành cặp và được tìm thấy ở bốn vùng chính của khuôn mặt:
- Trán, trên trán của bạn
- Giữa mắt và mũi của bạn (ethmoid)
- Hàm trên, trong má của bạn
- Hình cầu, sau mắt và dọc theo phía sau đầu của bạn
Nghẹt mũi và áp lực xoang có nhiều nguyên nhân: cảm lạnh, cảm cúm và dị ứng. Các xoang được lót bằng một lớp màng mỏng tạo ra chất nhầy, chất nhầy này thường được các tế bào lông hút cuốn theo và thoát qua các lỗ nhỏ vào khoang mũi.
Khi bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng, các lớp niêm mạc trong đường mũi sẽ bị viêm và kích ứng. Chúng bắt đầu tạo ra nhiều chất nhờn hơn để đào thải bất cứ thứ gì gây ra kích ứng, chẳng hạn như chất gây dị ứng.
Nghẹt mũi và áp lực xoang bắt đầu khi hệ thống thoát nước này bị tắc nghẽn, thường là do sưng tấy do viêm nhiễm hoặc dị ứng. Ngay sau đó, đầu của bạn bị đau, bạn cảm thấy áp lực hoặc đau mặt và chất nhầy đặc làm tắc mũi, nghẹt mũi. Các triệu chứng có thể tự hết, nhưng thường kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.
2. Phương pháp điều trị nghẹt mũi, viêm xoang
Có nhiều cách để giảm tình trạng nghẹt mũi hoặc giảm áp lực xoang. Một trong những điều quan trọng nhất là thúc đẩy thoát dịch nhầy và giữ cho đường mũi thông thoáng. Sau đây là một vài gợi ý:
Các phương pháp có thể tự làm tại nhà
- Rửa mũi hàng ngày:
Đây là một trong những cách đơn giản nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa và điều trị các vấn đề về xoang, giảm sự phụ thuộc vào thuốc xịt mũi và thuốc kháng sinh, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn có thể sử dụng các bộ dụng cụ rửa mũi có bán sẵn trên thị trường hoặc sử dụng giải pháp tự chế tại nhà như sau:
- Khuấy 1⁄2 thìa cà phê (khoảng 2.5g) muối không i-ốt và 1⁄2 thìa baking soda vào 2 cốc nước cất âm ấm (tương đương 500ml) hoặc nước đã đun sôi trước đó (theo khuyến cáo của Học viện Tai mũi họng Hoa Kỳ).
- Đổ đầy dung dịch nước muối vào một ống tiêm đầu nhỏ.
- Dựa vào bồn rửa trong nhà, đưa đầu ống tiêm vào bên trong một lỗ mũi và bơm nhẹ. Nước sẽ chảy ngược ra lỗ mũi còn lại và vào bồn rửa. Sử dụng ít nhất một ống dung dịch cho mỗi bên mũi.
- Lặp lại quy trình ở lỗ mũi bên kia. (Nếu dung dịch muối làm cay mũi, hãy dùng ít muối hơn.)
- Rửa kỹ (bằng nước cất hoặc nước đun sôi để nguội) và lau khô ống tiêm sau mỗi lần sử dụng.
- Uống nhiều nước: giúp giữ cho lớp chất nhầy mỏng và lỏng hơn. Để sẵn một chai nước tại bàn làm việc để nhắc nhở bạn uống nước suốt cả ngày.
- Giữ ẩm mũi: Dùng nước muối sinh lý xịt mũi giúp đường mũi không bị khô. Hoặc hít hơi ấm khi tắm nước nóng, xông hơi. Đặt một chiếc khăn ướt và ấm lên mặt có thể làm giảm khó chịu và thông đường mũi của bạn.
- Tránh môi trường khô. Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà (đặc biệt là cạnh giường) và nơi bạn làm việc có thể giúp ngăn mũi không bị khô. Giữ máy tạo ẩm sạch sẽ để tránh vi khuẩn và nấm mốc
- Kê cao đầu khi ngủ: Chất nhầy đọng lại trong xoang vào ban đêm khi bạn cúi đầu xuống, vì vậy hãy kê cao đầu bằng gối khi ngủ giúp tạo sự thông thoáng cho đường thở.
- Hỉ mũi nhẹ nhàng, từng lỗ mũi một. Xì hơi mạnh có thể gây kích ứng đường mũi và đẩy chất nhầy chứa đầy vi khuẩn trở lại xoang.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất có thể làm tăng lưu thông máu và tạm thời giảm tắc nghẽn để dễ thở. Mặc dù khi cơ thể đang bệnh có thể không thoải mái khi tập thể dục, nhưng hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện thời gian phục hồi và đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.
3. Phương pháp sử dụng thuốc điều trị nghẹt mũi
Đa phần những loại thuốc này không cần đơn và có thể giúp khắc phục các triệu chứng nghẹt mũi
Thuốc thông mũi
Những loại thuốc này giúp giảm sưng trong đường mũi của bạn và giảm bớt tình trạng nghẹt mũi và áp lực xoang. Có các dạng thuốc xịt mũi, như naphazoline (Rhinex), oxymetazoline (Otrivin), hoặc dạng thuốc uống chẳng hạn như phenylephrine (Tiffy, Decolgen, Ameflu) và pseudoephedrine (Rhumenol, Tylenol Cold-S).
Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của các thuốc này trước khi sử dụng. Không sử dụng thuốc thông mũi đường uống trong hơn một tuần mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Bạn không nên sử dụng thuốc xịt thông mũi quá 3 ngày, nếu không có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc đang dùng các loại thuốc khác.
Không bao giờ tự ý cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc thông mũi hoặc bất kỳ loại thuốc cảm không kê đơn nào.
Thuốc kháng histamin
Nếu dị ứng là nguyên nhân gây ra nghẹt mũi và áp lực xoang, việc kiểm soát tình trạng dị ứng sẽ làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi và áp lực xoang. Thuốc kháng histamin giảm tình trạng sụt sịt và hắt hơi cùng với thuốc thông mũi để giảm nghẹt mũi và áp lực xoang.
Bạn cũng có thể thấy thành phần kháng histamin trong một số loại thuốc cảm lạnh trị nhiều triệu chứng có thể giúp giảm sổ mũi và hắt hơi. Tránh dùng thuốc kháng histamin trừ khi được kê đơn. Thuốc kháng histamin làm cho chất nhầy đặc và khó tiêu.
Các triệu chứng áp lực xoang có thể gây đau đớn và khó chịu. Ngoài việc sử dụng các phương pháp điều trị truyền thống như thuốc thông mũi và thuốc giảm đau, các phương pháp điều trị thay thế tại nhà cũng có thể thúc đẩy quá trình hồi phục của bạn.
Nếu bạn vẫn tiếp tục bị nghẹt mũi và gặp các triệu chứng áp lực xoang sau một tuần hoặc bắt đầu nặng hơn, hãy nhanh chóng đi khám. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, có thể phải dùng kháng sinh theo chỉ định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com, health.harvard.edu, medicalnewstoday.com