Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chụp X-quang phổi là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại để thăm khám và đánh giá toàn bộ cấu trúc bên trong của phổi, giúp phát hiện tổn thương và bệnh lý ở phổi. X quang phổi bao gồm nhiều kỹ thuật như chiếu, chụp X - quang phổi thẳng, chụp X - quang phổi nghiêng, chụp cắt lớp vi tính, chụp phế quản có bơm cản quang, chụp điện áp cao ....
1. Chụp X quang phổi là phương pháp gì?
Chụp X-quang phổi là phương pháp sử dụng máy chụp X quang để quan sát và tái tạo hình ảnh cấu trúc bên trong của phổi, nhờ đó giúp phát hiện những tổn thương và các bệnh lý ở phổi.
Máy chụp X quang sẽ phát ra tia bức xạ tia X có bước sóng ngắn đi xuyên qua các tế bào mô mềm và dịch bên trong cơ thể để ghi lại hình ảnh của phổi trên phim chụp.
2. Có những phương pháp chụp X quang phổi nào?
X quang phổi bao gồm nhiều kỹ thuật như chiếu, chụp X - quang phổi thẳng, chụp X - quang phổi nghiêng, chụp cắt lớp vi tính, chụp phế quản có bơm cản quang, chụp điện áp cao ....
2.1 Chụp X – quang phổi thẳng
Chụp X - quang phổi thẳng là phương pháp chụp bệnh nhân ở tư thế đứng và chiều chụp là từ sau ra trước. Trường hợp người bệnh không thể đứng được thì nên chụp ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (hay còn gọi là tư thế Fowler) và không nên chụp bệnh nhân ở tư thế nằm vì hạn chế trong chẩn đoán một số tổn thương ở phổi như tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi.
Chụp X-quang phổi thẳng cho phép đánh giá tổn thương nhu mô phổi. Chụp phổi thẳng cần đảm bảo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật sau:
- Chụp lấy hết cả hai trường phổi.
- Chụp hai xương bả vai tách với trường phổi hai bên.
- Hình ảnh cho thấy được 5 đốt sống từ D1-D5 và khoang liên sườn 6 trên vòm hoành.
Để thu được hình ảnh rõ nét cần hướng dẫn bệnh nhân hít thật sâu và nín thở khi chụp phế trường.
2.2 Chụp X – quang phổi nghiêng
Chụp X-quang phổi nghiêng là phương pháp chụp bệnh nhân ở tư thế đứng và chiều chụp là từ trái sang phải hoặc ngược lại, tùy vào tổn thương nghi ngờ nằm ở bên nào.
Chụp X-quang phổi nghiêng cũng cho phép phân tích nhu mô phổi và giúp làm rõ các trường hợp tổn thương nghi ở dạng khối mà chụp X-quang phổi thẳng không xác định được. Mục đích của chụp X-quang phổi nghiêng là phân vùng khu trung thất và xác định khu tổn thương ở thuỳ hoặc phân thuỳ phổi.
Chụp X-quang phổi nghiêng cần đảm bảo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật sau:
- Chụp rõ hai vòm hoành, nếu chụp nghiêng phải thì hai vòm hoành phải song song, nếu chụp nghiêng trái thì hai vòm hoành cắt nhau ở 1⁄3 sau.
- Chụp cung sườn bên đối diện cách CSL 1,5cm.
- Chụp thấy rõ khoảng trước và sau tim.
2.3.Chụp cắt lớp vi tính
được thực hiện khi chụp X quang quy ước vẫn chưa xác định rõ tổn thương. Phương pháp này rất có giá trị trong chẩn đoán u phổi, u trung thất và u phế quản. Chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao được xem như tiêu chẩn vàng trong chẩn đoán giãn phế quản.
2.4. Các phương pháp khác
Các phương pháp khác như chiếu, chụp phế quản có bơm cản quang, chụp điện áp cao... ngày nay ít được sử dụng.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?
Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.3. Chụp X quang phổi nhằm mục đích gì?
Chụp X quang phổi được thực hiện nhằm các mục đích sau:
- Theo dõi và kiểm tra tình trạng hiện tại, cấu trúc bên trong phổi, giúp phát hiện sớm những bất thường hoặc tổn thương ở phổi, từ đó đưa ra phương pháp xử trí điều trị phù hợp.
- Kiểm tra các bất thường về mạch máu ở phổi như động mạch phổi và tĩnh mạch phổi.
- Theo dõi sự hồi phục ở bệnh nhân sau phẫu thuật vùng ngực.
4. Trường hợp nào cần chụp X-quang phổi?
Các trường hợp sau nên chụp X quang phổi:
- Nghi ngờ ung thư phổi: Một số triệu chứng điển hình của ung thư phổi như thường xuyên đau tức ngực (ở một vị trí nhất định), ho khan, ho ra máu và đờm, ho liên tục và kéo dài, chán ăn, ăn không ngon, sụt cân, mệt mỏi; ở giai đoạn nặng, bệnh nhân ung thư phổi còn có thể mất giọng, khản tiếng, xương và khớp ở đầu ngón tay, chân, vai, ... Khi thấy xuất hiện những triệu chứng này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán phát hiện bệnh bằng cách chụp X-quang phổi và thực hiện các xét nghiệm tổng thể.
- Chấn thương vùng ngực: Những trường hợp chấn thương vùng ngực nghi ngờ tổn thương phổi cần được chụp X-quang phổi để chẩn đoán và sớm phát hiện những tổn thương như dập phổi, tràn dịch màng phổi, ...
- Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe định kỳ trong đó có chụp X-quang phổi là rất cần thiết và hữu ích vì phương pháp này sẽ giúp kiểm tra và phát hiện sớm các bệnh lý ở phổi khi bệnh chưa có biểu hiện triệu chứng.
5. Những điều cần lưu ý khi chụp X-quang phổi
Để thu được hình ảnh rõ nét và kết quả chính xác khi chụp X-quang phổi, bệnh nhân cần lưu ý những thông tin sau:
- Cởi bỏ trang sức, thay trang phục của bệnh viện để hạn chế sự ảnh hưởng của kim loại trong quá trình chụp.
- Phối hợp và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên hình ảnh để việc chụp X quang phổi được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
- Hiện nay, chụp X quang phổi cho kết quả nhanh chóng, Vì vậy, sau khi chụp, người bệnh chỉ cần đợi trong khoảng thời gian ngắn là nhận được kết quả. Thông qua hình ảnh phim chụp, bác sĩ sẽ cho biết tình trạng hiện tại của phổi.
- Với những bệnh nhân chụp X-quang phổi nhiều lần để kiểm tra và theo dõi cần lưu ý mang theo đầy đủ kết quả của các lần chụp khi tái khám để bác sĩ có cơ sở đưa ra chẩn đoán tốt nhất.
Hiện nay, chụp X-quang phổi là kỹ thuật hình ảnh được áp dụng nhiều trong chẩn đoán, phát hiện sớm các tổn thương và bệnh lý ở phổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.